Trang web Công ước Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng liệt kê các thành phố Đài Loan thuộc Trung Quốc khiến chính quyền Đài Bắc bức xúc.
Theo Reuters, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực lên các nhóm và công ty quốc tế để coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc trước sự tức giận từ chính quyền Đài Loan và nhiều người dân trên hòn đảo.
Từ lâu, Bắc Kinh xem Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc. Trong khi nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn tuyên bố hòn đảo này là quốc gia độc lập với tên gọi Trung Hoa Dân Quốc và Trung Quốc chưa bao giờ cai trị Đài Loan nên không có quyền gì.
Trong tháng 9, một cơ quan bảo tồn chim Đài Loan bị loại khỏi quan hệ đối tác với tổ chức bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại Anh. Lý do vì tổ chức ở Anh yêu cầu cơ quan bảo tồn chim Đài Loan đổi tên và ký các văn bản tuyên bố họ không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.
Cuối ngày 26.9, chính quyền thành phố Cao Hùng, phía nam Đài Loan cho biết trang web Công ước Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GcoM) bắt đầu liệt kê các thành phố thành viên Đài Loan như một phần của Trung Quốc. GcoM là liên minh lớn nhất thế giới của các đô thị và chính quyền địa phương với tầm nhìn chung dài hạn về việc thúc đẩy, hỗ trợ hành động tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính quyền Đài Loan rất tức giận vì chuyện này. “Đài Loan là Đài Loan. Trung Quốc là Trung Quốc. Đài Loan không phải là một thành phố của Trung Quốc. Nếu GcoM gọi tên không chính xác, chúng tôi nghĩ rằng điều này là cực kỳ không phù hợp”, ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan, nói với các phóng viên hôm nay.
Chính quyền thành phố Cao Hùng đã đưa cho các phóng viên xem bản thảo bức thư chung của 6 thị trưởng Đài Loan gửi đến GcoM để yêu cầu chỉnh sửa vấn đề tên, nếu không họ sẽ rút khỏi liên minh này.
Về chuyện đó, ban thư ký của GcoM cho biết đây là tổ chức phi chính trị thúc đẩy hành động vì khí hậu và trả lời rằng: “Kể từ khi thành lập, chúng tôi đã chỉ định các thành phố phù hợp với thông lệ quốc tế và điều này đã không thay đổi kể từ đó. Chúng tôi đã nhận được và đang đánh giá yêu cầu từ 6 thị trưởng”.
GcoM cho biết sứ mệnh của họ là “khuyến khích hành động về khí hậu và năng lượng trên khắp các thành phố toàn thế giới, đại diện cho dân số hơn 800 triệu người”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận về chuyện trên.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có hành động gây áp lực với Đài Loan. Gần đây, Trung Quốc nổi giận khi Mỹ tăng cường hỗ trợ Đài Loan bằng hai chuyến thăm trong hai tháng của hai quan chức hàng đầu: Bộ trưởng Y tế Alex Azar vào tháng 8 và Keith Krach - Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế hồi tuần trước.
Trong hai ngày tập trận 18.9 và 19.9, Trung Quốc huy động 19 máy bay đến gần Đài Loan. Lực lượng không quân của Đài Loan phải huy động máy bay phản lực ứng phó với việc nhiều máy bay Trung Quốc tiếp cận hòn đảo và vượt qua đường trung tuyến nhạy cảm của eo biển Đài Loan.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã huy động 16 máy bay chiến đấu (12 chiếc J-16, 2 chiếc J-10, 2 chiếc J-11), 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay chống tàu ngầm Y-8.
Nhân Hoàng