Sự tăng cường kiểm soát mà ông Tập cảnh báo với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trên thực tế có vẻ như là một thông điệp, trong đó khuyến khích tăng cường mối liên hệ giữa các DN với chính phủ.

Ông Tập Cận Bình nhắc doanh nghiệp trong nước cần trung thành với ai

Nhàn Đàm | 09/05/2016, 04:33

Sự tăng cường kiểm soát mà ông Tập cảnh báo với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trên thực tế có vẻ như là một thông điệp, trong đó khuyến khích tăng cường mối liên hệ giữa các DN với chính phủ.

Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc thời điểm hiện tại khiến tất cả phải cảm thấy lo ngại, từ các DN nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại thị trường này đến bản thân các DN trong nước. Sau động thái mang tính biểu tượng về việc sẽ xiết chặt các tập đoàn và DN nước ngoài với việc cấm tập đoàn công nghệ Apple cung cấp các sản phẩm phim và sách trên các cửa hàng ảo ở Trung Quốc, thì Bắc Kinh đang bắt đầu tiến đến xiết chặt thêm vòng kim cô đối với các DN trong nước – đối tượng mà ai cũng nghĩ rằng sẽ được hưởng lợi ích từ việc các DN nước ngoài như Apple bị ngược đãi. Điều đó khiến cho tất cả cảm thấy khó hiểu, nếu như chính phủ Trung Quốc không ưu ái cả DN nước ngoài lẫn DN trong nước, thì nó sẽ ưu ái ai?

Những động thái gần nhất của chính phủ Trung Quốc đang khiến cho tất cả liên tưởng tới một chiến dịch tăng cường sự kiểm soát lên các DN đang hoạt động trong nền kinh tế nước này, từ các tập đoàn nước ngoài cho đến các DN trong nước. Tuần trước, một sự kiện mang tính bước ngoặt đã diễn ra, tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple lần đầu tiên bị chính phủ Trung Quốc có một động thái mang tính ngược đãi. Cụ thể, Apple bị chính thức cấm cung cấp các sản phẩm sách và phim ảnh trên các gian hàng ảo của mình tại thị trường Trung Quốc, một điều chưa từng diễn ra trong suốt khoảng thời gian Apple đầu tư và kinh doanh tại quốc gia này.

Trong nhiều năm qua, Apple được xem như thuộc diện bất khả xâm phạm tại Trung Quốc, khi đem lại những nguồn lợi về thuế và tạo công ăn việc làm rất lớn cho chính phủ Trung Quốc; đó là lý do khi mà khá nhiều các tập đoàn lớn khác của Mỹ như Qualcomm đã từng bị Bắc Kinh điều tra và phạt khá nhiều lần, thì Apple gần như chưa từng rơi vào một trường hợp tương tự bao giờ.

Việc Apple lần đầu tiên bị Bắc Kinh cấm đoán trong một số lĩnh vực kinh doanh đang là một dấu hiệu cho thấy, bất cứ một tập đoàn và DN nước ngoài nào đang hoạt động ở Trung Quốc đều có thể bị sờ gáy bất cứ lúc nào, kể cả là Microsoft hay một công ty nào khác. Nguyên nhân có thể lý giải xu hướng xiết chặt các DN nước ngoài này của Bắc Kinh được cho là việc các DN trong nước của Trung Quốc đã đủ khả năng thay thế các công ty nước ngoài để khai thác thị trường nội địa.

Apple giờ đây đã không còn là người độc tôn trong lĩnh vực cung cấp smartphone ở Trung Quốc nữa, do hàng loạt các thương hiệu smartphone nội địa như Xiaomi, OPPO hay Vivo đã có thể tung ra thị trường những mẫu điện thoại thông minh chất lượng và giá rẻ ở cả phân khúc tầm trung lẫn tầm thấp. Xu hướng ưu tiên cho các DN trong nước khai thác thị trường nội địa đã trở nên quen thuộc ở Trung Quốc, khi nước này có các sản phẩm nội đủ để thay thế các thương hiệu quốc tế trên hàng loạt các lĩnh vực, nước này có Baidu thay thế Google, có Weibo thay cho Facebook và Alibaba thay cho Amazon.

Tuy nhiên, khi mà tất cả đều tưởng rằng Apple là nạn nhân mới nhất của chiến lược ưu ái DN nội địa sau Google và Facebook, thì họ đã nhầm. Trong bài phát biểu mới nhất, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một thông điệp cho cộng đồng doanh nhân nước này, đó là: nhiệm vụ của các doanh nhân không chỉ gói gọn trong việc kiếm tiền, mà họ còn phải yêu quê hương, quan tâm đến người lao động, trung thành với Đảng và tuân thủ các giá trị cốt lõi của xã hội.

Đây được xem là một lời nhắc nhở trực tiếp đối với cộng đồng doanh nghiệp từ nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc kể từ sau thời của nhà lãnh đạo khác là Giang Trạch Dân, khi ông này tuyên bố khuyến khích và chào đón các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế. Lời tuyên bố này là một dấu hiệu cho thấy, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát đối với cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân của nước này trong thời gian tới.

Sự tăng cường kiểm soát mà ông Tập cảnh báo trước ấy có vẻ như không nằm trong cách điều hành và quản lý nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Vì chính phủ của thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn đang tiếp tục có xu hướng cải cách trong nền kinh tế, chủ yếu là giảm thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo và giảm thủ tục hành chính.

Theo thống kê, các giấy phép đăng ký kinh doanh cần thiết để mở một công ty ở Trung Quốc hiện tại đã giảm khoảng 1/3 so với trước kia. Và chủ trương chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn là tiếp tục thúc đẩy giới DN trong nước phát triển như một động lực chủ đạo của tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của Cơ quan quản lý Nhà nước về công nghiệp và Thương mại, thì ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc hiện có khoảng 73 triệu DN tư nhân và các DN gia đình đang hoạt động trong nền kinh tế. Các công ty tư nhân này đóng góp tới khoảng 60% GDP trong nền kinh tế Trung Quốc, và Bắc Kinh đang thể hiện xu hướng tăng cường vai trò của các DN tư nhân lớn hơn trong khi giảm quy mô của các tập đoàn nhà nước kém hiệu năng hơn.

Vì thế, sự tăng cường kiểm soát mà ông Tập cảnh báo với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trên thực tế có vẻ như là một thông điệp, trong đó khuyến khích tăng cường mối liên hệ giữa các DN với chính phủ. Vì mối quan hệ giữa DN với chính phủ tăng lên thì khả năng kiểm soát của Bắc Kinh với các DN cũng tốt hơn. Nói cách khác, ông Tập đang khuyến khích sự gia tăng mối quan hệ thân hữu giữa các DN tư nhân với chính phủ Trung Quốc. Vì từ trước đến nay chỉ có các tập đoàn nhà nước là thuộc diện có quan hệ thân hữu với chính phủ Trung Quốc mà thôi.

Theo thống kê thì trong 8 tháng đầu năm ngoái đã có khoảng 34 nhà quản lý cấp cao của các tập đoàn và DN tư nhân Trung Quốc nằm trong diện “mất tích” hay “biến mất” – cụm từ được giới truyền thông Trung Quốc sử dụng để chỉ các nhà quản lý cấp cao của các tập đoàn và DN tư nhân lọt vào tầm ngắm của chính phủ. Một số lớn trong đó là các nhà quản lý của các công ty đầu tư chứng khoán được cho là có liên quan đến vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào tháng Tám năm ngoái.

Việc tăng cường mối quan hệ thân hữu giữa các DN tư nhân với chính phủ được cho là sẽ tạo ra một kênh chỉ đạo mới cho chính phủ trong việc xiết chặt kiểm soát hơn đối với nền kinh tế. Vì từ trước đến nay chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát hay ban hành các chỉ đạo đối với hầu hết các tập đoàn và DN tư nhân trong các vấn đề điều hành kinh tế xã hội. Và phát biểu mới nhất của ông Tập chính là để thiết lập xu hướng mới này.

Tuy nhiên, nó dường như đang đi ngược lại với chiến dịch chống tham nhũng quy mô đang được ông Tập tiến hành, vì càng có nhiều các DN thân hữu với chính phủ thì nguy cơ tham nhũng và trục lợi trong nền kinh tế sẽ càng tăng lên.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Ông Tập Cận Bình kêu gọi phát triển không gian mạng mang tính 'bao trùm' khi rạn nứt Trung - Mỹ ngày càng lớn
Trong bài phát biểu qua video tại Hội nghị Internet thế giới thường niên, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi phát triển không gian mạng mang tính “bao trùm” khi những rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Tập Cận Bình nhắc doanh nghiệp trong nước cần trung thành với ai