Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực phối hợp hơn để biến nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm có thể tiếp cận thị trường, một rào cản lớn trong việc nâng cao năng lực công nghệ của nước này.
Thế giới số

Ông Tập Cận Bình kêu gọi nỗ lực phối hợp để nâng cao tỷ lệ chuyển đổi thành tựu KHCN thành sản phẩm

Sơn Vân 14/03/2024 10:55

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực phối hợp hơn để biến nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm có thể tiếp cận thị trường, một rào cản lớn trong việc nâng cao năng lực công nghệ của nước này.

Ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc thảo luận với các đại biểu tại các kỳ họp lưỡng hội vào tuần trước. Thông tin chi tiết vừa được hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã công bố.

Một đại biểu nói với ông Tập Cận Bình rằng thách thức chính mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình phát triển công nghệ là tỷ lệ chuyển đổi bằng sáng chế thấp, bất chấp số lượng lớn bằng sáng chế được nộp mỗi năm.

Chủ tịch Trung Quốc trả lời rằng tình hình đang được cải thiện nhưng nước này vẫn phải tăng cường mối liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp và cải thiện các cơ chế khuyến khích.

Tỷ lệ chuyển đổi thành tựu khoa học và công nghệ của Trung Quốc vào năm 2021 chỉ là 6%, còn tỷ lệ công nghiệp hóa bằng sáng chế phát minh của nước này là 36,7%, theo báo cáo từ Viện Kinh tế Công nghiệp Dương Tử thuộc Đại học Nam Kinh công bố năm 2023. Trong khi đó, con số tương ứng của Mỹ lần lượt là 50% và gần 80%.

Lời khuyến khích của ông Tập Cận Bình về việc cam kết theo đuổi sự phát triển công nghệ, một phần trong nỗ lực tổng thể tìm kiếm động lực tăng trưởng được coi là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, đi kèm với lời cảnh báo không nên theo đuổi những đột phá bằng việc lãng phí đầu tư hoặc từ bỏ các ngành công nghiệp truyền thống.

Ông cũng kêu gọi tiếp tục chính sách và hành động thực tế để chống lại sự hoài nghi kéo dài về sức khỏe kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc đã đặt “lực lượng sản xuất chất lượng mới” (được ông Tập Cận Bình đề cập lần đầu vào tháng 9.2023) làm trung tâm của chương trình nghị sự kinh tế.

Trung Quốc đang cố gắng định hướng lại các mô hình tăng trưởng kinh tế, giải quyết những lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và chống lại các biện pháp hạn chế công nghệ từ Mỹ, đồng thời làm giảm bớt sự hoài nghi dai dẳng về triển vọng kinh tế của nước này.

Ông Tập Cận Bình đã chỉ định các khu vực cụ thể sẽ đi đầu những nỗ lực này trong cuộc họp vào ngày 5.3 với các đại biểu từ tỉnh Giang Tô.

“Tôi luôn khuyến khích các tỉnh lớn như Quảng Đông, Giang Tô đảm nhận vai trò chủ chốt trong các cuộc họp của Bộ Chính trị. Làm sao có thể đạt được hiện đại hóa đất nước nếu họ không thực hiện trách nhiệm của mình? Họ rất quan trọng và không thể thay thế được”, ông nói.

Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% vào năm 2024, bất chấp thị trường bất động sản suy thoái, gánh nặng nợ của chính quyền địa phương cao và niềm tin suy yếu từ các nhà đầu tư tư nhân lẫn nước ngoài.

Tỉnh Quảng Đông và Giang Tô chiếm hơn 20% GDP cả nước Trung Quốc. Tỷ trọng của hai tỉnh này trong xuất khẩu và đầu tư nước ngoài cũng thuộc hàng cao nhất so với bất kỳ khu vực nào khác của Trung Quốc. Cả hai tỉnh này đều đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 5%, theo đúng chính sách trung ương.

ong-tap-can-binh-keu-goi-no-luc-phoi-hop-bien-nghien-cuu-khoa-hoc-thanh-san-pham.jpg
Ông Tập Cận Bình đã nhắc lại sự cần thiết của tiến bộ công nghệ như một phương tiện đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp có giá trị cao - Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Tập Cận Bình cũng tận dụng các phiên họp để đáp trả những người chỉ trích, trích dẫn một bài thơ của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông nói rằng Trung Quốc cần tầm nhìn dài hạn để giải quyết các vấn đề.

Chủ tịch Trung Quốc nói tại một hội thảo với các đại biểu đại diện cho sự nghiệp bảo vệ môi trường: “Mọi người không nên chỉ chỉ trích hay chỉ tay mà hãy hành động thực tế và giải quyết từng vấn đề một”.

“Miễn là chúng ta tin rằng mình đang tiến về phía trước, chúng ta phải giữ vững tinh thần và tiếp tục. Đối mặt với một cuộc cách mạng khoa học mới và chuyển đổi công nghiệp, chúng ta phải thúc đẩy đổi mới để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới nổi và xây dựng các ngành công nghiệp tương lai với tầm nhìn xa. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tự tiến hành nghiên cứu và phát triển rồi chuyển đổi kết quả thành sản phẩm mới. Các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp đang hình thành sức mạnh tổng hợp. Các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phải được tăng cường để đẩy nhanh quá trình này”, ông Tập Cận Bình phát biểu, theo Tân Hoa Xã.

Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc đã đề xuất thêm nhiều động cơ khuyến khích để thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu khoa học và yêu cầu phá vỡ "các rào cản và điểm nghẽn".

“Sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc hoàn toàn dựa trên tự lực và bắt kịp. Chúng ta đã bắt đầu con số 0 và hiện có một lĩnh vực sản xuất độc lập”, ông Tập Cận Bình nói, đồng thời ca ngợi sự tiến bộ của đất nước trong các ngành công nghiệp phức tạp như ô tô điện, đường sắt cao tốc, đóng tàu và sản xuất máy bay.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra hai cảnh báo riêng biệt, một lần với phái đoàn Giang Tô và một lần với ban cố vấn chính trị, rằng các chính quyền địa phương nên cân nhắc các điều kiện hiện tại trong quá trình phát triển này để ngăn chặn đầu tư mù quáng và bong bóng tài chính.

Bong bóng tài chính đề cập đến tình trạng khi giá của một tài sản hoặc lĩnh vực đầu tư tăng lên quá nhanh và không có căn cứ thực tế, sau đó sẽ sụp đổ, gây ra sự suy thoái kinh tế.

Các tấm pin Mặt trời cùng với ô tô điện điện và pin lithium được xemm là động cơ tăng trưởng và xuất khẩu mới nổi ở Trung Quốc, nhưng vấn đề dư thừa năng lực sản suất và rào cản thương mại có thể là những trở ngại tiềm ẩn.

Ông Tập Cận Bình cũng nói rằng không nên từ bỏ các ngành công nghiệp truyền thống vì lợi ích của việc theo đuổi công nghệ cao, lập trường phù hợp với hội nghị kinh tế trung ương vào tháng 12.2023, nơi các nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ “xây dựng cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ”.

Sản xuất truyền thống vẫn chiếm phần lớn sản lượng công nghiệp Trung Quốc, ngay cả khi các ngành mới đang phát triển.

Đào tạo nghề là một chủ đề khác mà ông Tập Cận Bình đề cập. Ông khuyến khích đào tạo công nhân lành nghề để tạo ra nguồn nhân lực cần thiết nhằm đưa Trung Quốc tiến lên các chuỗi sản xuất công nghiệp cao hơn (cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế bằng cách tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm).

Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc ước tính sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 30 triệu lao động trong 10 lĩnh vực sản xuất hàng đầu vào năm 2025.

Ông Tập Cận Bình nói: “Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng thợ thủ công là chìa khóa… Chúng ta phải nâng cao hơn nữa vị thế chính trị và xã hội của người lao động trong ngành công nghiệp bằng cơ chế khuyến khích tốt hơn”.

Theo trang SCMP, một nhà nghiên cứu ở thành phố Thượng Hải cho biết nhận xét từ ông Tập Cận Bình cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc phát triển các lĩnh vực mới thông qua các chính sách công nghiệp hiệu quả và tiếp tục thúc đẩy khả năng tự lực bất chấp những trở ngại mới.

Nhà nghiên cứu giấu tên này nhận xét: “Trung Quốc tự tin rằng mô hình hoạt động tốt trong lĩnh vực ô tô điện có thể giúp nhiều ngành công nghiệp mới nổi phát triển, bắt kịp và vượt qua phương Tây. Chiến lược này cũng nhằm phá vỡ sự kiềm chế công nghệ của phương Tây trong bối cảnh phức tạp về địa chính trị”.

Bài liên quan
Khoảng cách AI của Trung Quốc với Mỹ ngày càng lớn: ‘Tất cả chúng tôi đều rất lo lắng’
Tại China Electronics Corporation - công ty chip lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, nhiều người lo lắng về “khoảng cách ngày càng lớn” trong trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Trung Quốc với Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Tập Cận Bình kêu gọi nỗ lực phối hợp để nâng cao tỷ lệ chuyển đổi thành tựu KHCN thành sản phẩm