"Tư tưởng làm ăn “chặt chém” thì anh chỉ khá lên một chốc lát rồi anh lại hoàn nghèo. Anh không thể giàu được đâu…", ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP.Hội An (Quảng Nam) nói.

Ông Nguyễn Sự: 'Chặt chém' du khách cũng chỉ khá lên chốc lát rồi lại hoàn nghèo

Danviet | 08/08/2017, 10:27

"Tư tưởng làm ăn “chặt chém” thì anh chỉ khá lên một chốc lát rồi anh lại hoàn nghèo. Anh không thể giàu được đâu…", ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP.Hội An (Quảng Nam) nói.

Ngày 7.8, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP.Hội An (Quảng Nam) đã có cuộc trao đổi trên Dân Việt về nạn “chặt chém”, vấn đề gây nhức nhối cho ngành du lịch các địa phương cả nước lâu nay.

Thưa ông, vừa qua Đà Nẵng đã xảy ra một số vụ “chặt chém” du khách. Mới nhất là vụ một du khách nước ngoài đi taxi Hải Vân hết cước 50.000 đồng nhưng tài xế thu số tiền 700.000 đồng. Ông đánh giá như thế nào về sự việc này?

- Vấn đề “chặt chém” du khách không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà xảy ra từ Bắc tới Nam. Những vụ việc này không những rất đáng xấu hổ mà còn làm mất đi hình ảnh, con người Việt Nam.

Khi đi du lịch, du khách không chỉ tham quan danh lam thắng cảnh, thưởng thức sản vật địa phương mà họ còn tìm hiểu văn hóa và con người nơi đó. Tình trạng “chặt chém” xảy ra sẽ đánh mất hình ảnh về con người, về văn hóa địa phương. Hơn thế nữa là đánh mất đi điều cần nhất trong tâm thức du khách - sự quyến rũ, thân thiện giữa con người với con người.

Ông Nguyễn Sự tham gia sự kiện ở Hội An. Ảnh: Đình Thiên

Sau khi vụ việc xảy ra, Đà Nẵng đã tìm ra tài xế và xử phạt người này 2 triệu đồng, còn công ty chủ quản cũng đãsa thải tài xế này. Theo ông, hình thức xử phạt này đã đủ mạnh, đủ sức răn đe?

- Xử lý tài xế như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Phải xử lý cả đơn vị để xảy ra sự việc này. Bởi lẽ, công ty anh sa thải người này nhưng anh có thể tuyển người khác vào thay thế, xem như anh hoàn toàn thoát được trách nhiệm. Phải gắn trách nhiệm của doanh nghiệp vào thì họ mới có biện pháp quản lý cụ thể, đủ sức răn đe để không có trường hợp khác xảy ra.

Bênh cạnh đó, chính quyền địa phương phải coi đây là vấn đề sống còn của ngành du lịch. Nên công khai, lên án mạnh mẽ những hành vi, sự việc như thế này trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời, phải tuyên truyền rộng rãi hơn để các hộ kinh doanh buôn bán, các doanh nghiệp luôncó ý thức giữ gìn hình ảnh con người, địa phương mình.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn sự kiểm tra, quản lý. Nếu phát hiện tình trạng vi phạm thì nên xử lý thật nghiêm khắc. Đừng phải nhắc lại mãi chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Du khách cần biết phản ánh cho ai, ở đâu?

Hội An lâu nay có tiếng quản lý tốt vấn đề giá cả, nạn “chặt chém”. Hội An đã có những chế tài, chính sách hay biện pháp gì để làm tốt vấn đề này? Làm cách nào để du khách không sợ “chặt chém” khi đến Hội An, thưa ông?

- Không phải Hội An không có hiện tượng “chặt chém”. Tuy nhiên, ở Hội An, khi có sự việc xảy ra, du khách và người dân sẽ biết ngay nên phản ánh cho ai, ở đâu. Khi có sự việc, cơ quan chức năng sẽ tức khắc tới xử lý và công khai rộng rãi cho người dân và du khách được biết.

Nếu phát hiện "chặt chém", nhẹ thì nhắc nhở, giáo dục, nặng thì xử phạt vi phạm hành chính, đóng cửa có thời hạn, thậm chí có trường hợp tước giấy phép kinh doanh, đóng cửa vĩnh viễn. Quan trọng hơn, chính ý thức, lòng tự trọng của người dân địa phương, cộng với việc tuyên truyền giáo dục thường xuyên đã hạn chế xảy ra nạn "chặt chém" du khách.

Du khách du lịch TP.Đà Nẵng (Ảnh: Đình Thiên)

Một việc khác mà Hội An làm được là khi du khách mới có ý định đến thành phố thì họ đã hiểu phần nào về địa phương. Trên các trang web du lịch đều có hướng dẫn khá kỹ. Còn khi vừa bước chân tới Hội An, tạicác khách sạn hoặc nơi công cộng sẽ có ngay các thông tin hướng dẫn, khuyến cáo họ nên đi đâu, hạn chế đi đâu và không nên làm những việc gì…

Ông có lời khuyên gì cho những cá nhân, doanh nghiệp, địa phương kinh doanh du lịch?

- Kinh doanh du lịch, nếu anh không giữ được sự thân thiện thì anh sẽ thất bại. Đừng nghĩ khách bị “chặt chém” một vài lần sẽ không sao hết. Trong thời đại mở như thế này, hành động của anh sẽ lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Những hành động xấu của anh sẽ quay lại “giết” chính anh. Không chỉ khách chối bỏ anh mà cộng đồng kinh doanh, địa phương nơi anh kinh doanh sẽ tẩy chay. Anh không còn chỗđứng, anh sẽ “chết”.

Khi anh làm ăn đàng hoàng sẽ có lợi vô cùng. Lấy vídụ như quán bánh mì Phượng ở Hội An. Bây giờ quán này mỗi ngày mỗi đông khách, có khi khách xếp hàng cả 600-700m để mua được cái bánh mì. Tuy nhiên, qua bao nhiêu năm, chủ quán vẫn giữ nguyên chất lượng, không tăng giá. Bây giờ thương hiệu này không chỉ vang danh trong nước mà ra toàn thế giới. Chủ quán bánh mì Phượng đã giàu nay lại giàu hơn. Còn anh có tư tưởng “chặt chém” thì anh chỉ khá lên chốc lát rồi lại hoàn nghèo, anh không thể giàu lên được đâu!

Xin cảm ơn ông!

Theo Đình Thiên/Dân Việt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Nguyễn Sự: 'Chặt chém' du khách cũng chỉ khá lên chốc lát rồi lại hoàn nghèo