“Qua hai trường hợp này, chúng tôi rất lấy làm tiếc và cũng đã rút ra bài học cho mình. Sắp tới đây khi sửa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND thì cần có quy định chặt chẽ hơn nữa”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh tại cuộc họp báo chiều 19.7.
Chiều 19.7, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 với sự chủ trì của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội.
Ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp này có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Theo kế hoạch, Quốc hội dành khoảng 6 ngày (trong khoảng từ 20.7 - 28.7.2016) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽxem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Lấy làm tiếc vì phải bác tư cách 2 đại biểu
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc rất lấy làm tiếc khi vừa bầu cử xong đã phải bác tư cách của hai đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đó là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Ông Phúc cho biết, trường hợp của ông Thanh đã rõ sai phạm và không đủ tiêu chuẩn, không gương mẫu để ngồi vào ghế ĐBQH. Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ngoài lý do có hai quốc tịch thì bà Hường không có vi phạm gì. Bản thân bà Hường cũng là đại biểu nữ của Hà Nội hai khóa liền, tái cử ở khóa thứ 3. Bà Hường còn là ủy viên Ủy ban Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là doanh nhân thành đạt.
Về vi phạm của bà Nguyệt Hường, ông Phúc nhấn mạnh rằngĐiều 17 Hiến pháp khẳng định, Công dân nước CHXHCN VN có quốc tịch Việt Nam; còn Điều 4 Luật hộ tịch quy định, công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam, nếu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài thì tùy thuộc và quy định của từng nước mà có 2, 3 quốc tịch thì tùy họ. Công dân Việt Nam,sống và làm việc trong nước Việt Nam thì chỉ 1 quốc tịch. Nếu đăng ký thêm quốc tịch nước ngoài thì phải bỏ quốc tịch Việt Nam.
“Qua hai trường hợp này, chúng tôi rất lấy làm tiếc và cũng đã rút ra bài học cho mình. Sắp tới đây khi sửa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND thì cần có quy định chặt chẽ hơn nữa”,ông Phúc nói.
Về quy trình thẩm tra tư cách đại biểu, theo ông Lê Minh Thông, Quốc hội khóa 14 sẽ có một số điểm khác. Đó là không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách ĐBQH tại kỳ họp đầu tiên. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH cho Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử ĐBQH để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH, cấp giấy chứng nhận ĐBQH khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách ĐBQH tại kỳ họp đầu tiên.
Nghi thức tuyên thệ có nhiều điểm mới
Theo quy định của Hiến pháp mới năm 2013, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hạnh Phúc, công tác tuyên thệ nhậm chức của các lãnh đạo cấp cao lần này có một số điểm khác so với lần tuyên thệ trước. Đây là sự rút kinh nghiệm từ lần trước và tinh thần lắng nghe sự đóng góp, phản hồi của cử tri.Ông Phúc cho biếtQuốc hội đã nghiên cứu 68 nghi thức tuyên thệ của các quốc gia trên thế giới, chọn lọc để áp dụng cho Việt Nam.
Theo đó, để đảm bảo tính trang nghiêm, khi các lãnh đạo tuyên thệ thì các ĐBQH phải đứng lên. Khi đứng lên phải nghiêm trang như khi chào cờ chứ không được quay phim, chụp ảnh, tránh để xảyra tình trạng như lần tuyên thệ trước. Đây cũng là mong muốn của cử tri và Quốc hội đã tiếp thu.
Tiếp nữa, theo ông Phúc, trong nghi lễ tuyên thệ, ra mắt tới đây sẽ không có màn tặng hoa như lần trước. Đồng thời, khi tuyên thệ sửa câu “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc…” thành “Dưới lá cờ thiêng liên của Tổ quốc…”.
Liên quan đến vấn đề các phóng viên nước ngoài không được vào tác nghiệp nghi thức tuyên thệ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chỉ có phóng viên của Truyền hình Quốc hội được vào để tường thuật trực tiếp, còn các phóng viên khác hầu hết không được vào. Không khí tuyên thệ rất trang nghiêm, nếu để một số lượng lớn các phóng viên, nhà báo vào chụp ảnh, chạy qua chạy lại thì khó có thể giữ được sự trang nghiêm tuyệt đối.
"Rất mong các phóng viên thông cảm cho điều này, vì các hình ảnh đã được truyền qua trung tâm báo chí để các phóng viên có thể sử dụng",ông Phúc nói.
Sau công tác nhân sự, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016;các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hộivề Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có).
Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hộikhóa 14.
Trí Lâm