Trong những ngày qua, siêu dự án tỉ USD dọc sông Hồng của bầu Thụy đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ dư luận. Hàng loạt vấn đề xung quanh dự án này đang được đặt ra như: môi trường, hiệu quả kinh tế, tác động tới người dân...

Ông Lê Đăng Doanh: Siêu dự án tỉ USD dọc sông Hồng cần xem xét yếu tố sinh thái

tuyetnhung | 07/05/2016, 06:28

Trong những ngày qua, siêu dự án tỉ USD dọc sông Hồng của bầu Thụy đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ dư luận. Hàng loạt vấn đề xung quanh dự án này đang được đặt ra như: môi trường, hiệu quả kinh tế, tác động tới người dân...

Vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng. Đây là dự án thuộc Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thai Group do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm Chủ tịch HĐQT.

Dự án này được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 1,1 tỉ USD (tương đương 24.500 tỉ đồng), trong đó có đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Đặc biệt, dự án này được xem sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc).

Tuy nhiên, xoay quoanhsiêudự ántỉ USD nàylại có rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan chức năng và dưluận. Để hiểu rõ hơn những tác động từ dự án này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương).

Công ty TNHH Xuân Thiện - công ty con của Thai Group do bầu Thụy làm chủ vừa trình Thủ tướng xin làm Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và xây dựng thuỷ điện trên sông Hồng, có tổng vốn đầu tư 1,1 tỉ USD. Quan điểm của ông về dự án này như thế nào?

Tôi thấy đây là một dự án hết sức quan trọng và cần thành lập một hội đồng để giám định một cách độc lập và khách quan dự án này. Tính quan trọng đầu tiên của dự án này là vùng nước ở sông Hồng ảnh hưởng tới việc trồng lúa và đời sống của người dân. Thứ hai là dự án này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông. Thứ 3 là các yếu tố về tài chính cũng rất đáng lo ngại vì công ty này không có đủ số vốn đầu tư và phải đi vay ngân hàng với mức lãi suất cao. Theo tôi, điều này rất đáng lo ngại. Công ty này muốn thu hồi vốn thì sẽ thu phí đường thủy, bán điện với giá điện cao hơn hiện nay. Đây là điều không thể chấp nhận được. Theo đó, cần phải có sự giám định thận trọng từ một hội đồng bao gồm những chuyên gia độc lập, nếu cần thiết sẽ cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.

Nếu dự án này được thực hiện, theo ông, ưu điểm và nhược điểm của dự án là gì?

Ưu điểm là dự án này sẽ tăng thêm điện và tăng thêm giao thương với Vân Nam (Trung Quốc) vì hai bên sẽ giao thương cùng có lợi. Tuy nhiên, nhược điểm là hiện nay, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Nếu nước ta không kiểm soát tốt thì dự án này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng thêm cơ hội nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này cần được đánh giá chặt chẽ và sâu sắc.

Tính tới thời điểm hiện nay, dự án này mới dừng ở đề xuất, sơ bộ, chưa có trong quy hoạch hay hồ sơ chính thức về dự án bởi vì trên thực tế, đối với một dự án như thế này, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về yếu tố môi trường, xã hội, ý kiến người dân... Theo đó, đây mới chỉlà chủ trươngđang trong quá trình nghiên cứu.

Chủ đầu tư cho rằng dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc). Theo ông, tuyên bố này có phải đang đi ngược với những cố gắng của Việt Nam là thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc không?

Việc tăng cường giao thương với Trung Quốc trên cơ sở hai bên cùng có lợi thì là điều cần thiết vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng có nhiều thế mạnh trong xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta phải rất thận trọng, tính toán kỹ lưỡng trong việc giao thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)nhằm tránh xảy ra tình trạng Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 49,3 tỉ USD, chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và là thị trường lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa. Từ con số này có thể nói Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nếu đặt lên bàn cân thì theo ông, dự án này có lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn?

Bây giờ cần phải có sự đánh giá độc lập, vẫn chưa thể quyết định hay đánh giá được mức độ lợi hay hại của dự án này như thế nào. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định cần thận trọng trong việc tính toán tới sự tác động của dự án này về mặt môi trường, đời sống của người dân, nếu không thì cuối cùng sẽ có những yếu tố lợi bất cập hại.

Xin cám ơn ông!

Duyên Duyên - Tuyết Nhung (thực hiện)

Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng

Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thai Group chính là công ty đã đề xuất thực hiện Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng.

Theo đó, dự án nhằm tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp tổng 912 triệu kWh điện/năm. Đồng thời, sẽ nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định).

Mục đích của dự án là giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, chủ đầu tư nhấn mạnh là dự án sẽ không gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, đảm bảo yêu cầu về quan hệ quốc tế, biên giới, an ninh với Trung Quốc.

Dự án được đề xuất thực hiện dưới hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), với tổng vốn đầu tư lên đến 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỉ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỉ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỉ và dự phòng khoảng 6.549 tỉ đồng.

Về cơ cấu vốn, 30% là của doanh nghiệp, còn 70% là đi vay với lãi suất 4-9%. Dự kiến, nếu được thông qua, dự án sẽ được xây dựng trong vòng 6 năm, từ 2016 đến 2021, sau đó sẽ thu hồi vốn.

Hình thức thu hồi vốn là xây dựng các trạm thu phí, thu từ bán điện, thu từ khai thác cảng. Mức thu phí dự kiến đoạn Việt Trì - Yên Bái vào khoảng 10.000-15.000 đồng một tấn. Mức thu phí đoạn Yên Bái - Lào Cai vào khoảng40.000-45.000 đồng. Đặc biệt, đối với các loại hàng hóa quốc tế sẽ có mức thu gấp đôi hàng nội địa.

Về thủy điện, chủ đầu tư dự kiến giá bán điện là 1.900 đồng/kWh, lộ trình tăng giá theo thời gian. Dự án dự kiến đi vào hoạt động sẽ đạt lợi nhuận thuần 1.296 tỉ đồng, thời gian thu hồi vốn là 25 năm.

Bên cạnh việc đề xuất thực hiện siêu dự án trên sông Hồng, chủ đầu tư cũng xin một loạt các ưu đãi. Đáng lưu ý là công ty Xuân Thiện xin được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình.

Theo đó, mức thu trong 5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng và các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh.

Chủ đầu tư cũng xin miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Lê Đăng Doanh: Siêu dự án tỉ USD dọc sông Hồng cần xem xét yếu tố sinh thái