Theo phân tích của báo New York Times, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có một chiến lược mới để chặt đứt quan hệ đồng minh 70 năm giữa Mỹ với Hàn Quốc.
Kế hoạch gây chia rẽ này được ông Kim Jong-un trình bày trong diễn văn mừng năm mới 2018 hôm 1.1: Triều Tiên sẽ sản xuất đại trà đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, để trong năm 2018 sẽ triển khai hoạt động.
Ông còn cảnh báo đã sẵn “nút bấm hạt nhân” trên bàn làm việc của ông, và ông sẽ bấm nút nếu an ninh Triều Tiên bị Mỹ đe dọa.
Ông cũng nói mục tiêu của Triều Tiên là cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và “đường đến cuộc đối thoại liên Triều đã mở”. Ông cũng xem xét việc cử đoàn thể thao Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc) vào tháng 2 tới. Ông nói đây là cơ hội thể hiện tinh thần đoàn kết với mọi người, và ông chúc Olympic 2018 thành công.
Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in đã đề nghị Triều Tiên cử đoàn thể thao tham gia tranh tài. Ông đánh cược: nếu có đoàn Triều Tiên dự tranh Olympic thì Bình Nhưỡng sẽ không phá hoại sự kiện thể thao này bằng những hành vi khủng bố hoặc phóng tên lửa.
Bình Nhưỡng khai thác Mỹ-Hàn bất đồng
Theo NYT, chiến thuật mới của ông Kim Jong-un nhằm phát động một cuộc đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc.
Có lẽ ông Kim Jong-un đã biết có sự bất đồng sôi sục giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Hàn Quốc Moon, nên ông kêu gọi khẩn cấp đối thoại liên Triều, trước khi khai mạc Olympic mùa đông 2018 vào đầu tháng 2 tới.
Mối quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh Mỹ-Hàn đã kéo dài nhiều tháng, vì ông Moon chủ trương mở cửa ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên, trong khi ông Trump chỉ muốn vùi dập Triều Tiên bằng những lệnh cấm vận trừng phạt nặng nề và ngày càng tăng.
Hồi tháng 12.2017, ông Moon đề nghị Hàn-Mỹ tạm ngưng các cuộc tập trận chung, trong khi Bình Nhưỡng nói đó là các cuộc diễn tập cho chiến tranh xâm lược Triều Tiên.
Theo NYT, vài tháng qua, ông Moon còn chọc tức ông Trump và các trợ lý, khi ông tuyên bố sẽ không cho phép Mỹ đánh phủ đầu Triều Tiên.
Cho đến nay, ông Kim Jong-un gần như phớt lờ ông Moon, người bị giới truyền thông Triều Tiên mô tả là “tay sai khúm núm của Mỹ”.
Nhưng việc ông Kim Jong-un đổi giọng và chính sách, hướng tới đối thoại liên Triều cho thấy ông đã nhìn ra một cơ hội phát triển và tăng gây chia rẽ giữa hai lãnh đạo Hàn-Mỹ. Ông cược rằng Mỹ sẽ không thể tăng sức ép với Triều Tiên, nếu không có sự đồng ý của Hàn Quốc.
Món cược này có thể đã có hiệu quả. Vài giờ sau diễn văn của ông Kim Jong-un, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh đề xuất của Bình Nhưỡng, điều có thể làm tăng căng thẳng Hàn-Mỹ.
Người phát ngôn Park Soo-hyun của Văn phòng nói: “Chúng tôi đã bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên bất kỳ lúc nào, ở đâu và dưới bất kỳ dạng thức nào, khi cả hai bên có thể bàn luận phục hồi quan hệ và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Tuyên bố này nhấn mạnh vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ đang theo đuổi một giải pháp cứng rắn, nói không thể đối thoại khi chưa thấy Triều Tiên thôi thử hạt nhân và tên lửa. Ông Trump còn nói mục tiêu tối thượng của cơ may đàm phán là sự giải giáp (và có thể kiểm tra) toàn bộ khả năng hạt nhân của Triều Tiên.
Robert Litwak, tác giả cuốn sách Phòng chặn hạt nhân Triều Tiên bùng nổ, nói: “Thời điểm đề xuất đối thoại của Kim Jong-un, cùng tuyên bố có thể đánh Mỹ của ông ấy, đang làm thay đổi bài toán. Ông ấy nhìn ra một cơ hội hiếm có để về phe Hàn Quốc chống lại Tổng thống Mỹ”.
Chuyên gia nói ông Kim Jong-un “nổ” chuyện có nút bấm hạt nhân
Sự bất đồng ngoại giao Mỹ-Hàn là từ mối lo ngày càng tăng về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tăng cường nỗ lực trở thành quốc gia hạt nhân trong năm 2017, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của quốc tế, đồng thời có nhiều tuyên bố khiêu khích Mỹ.
Ông Kim Jong-un đã chứng kiến nhiều vụ phóng thử tên lửa trong năm qua, ngày 3.9 còn thử hạt nhân lần thứ sáu và được cho là quả bom mạnh nhất từ trước đến nay.
Hồi tháng 11.2017, Triều Tiên phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất, và tuyên bố nó có thể bắn phá bất kỳ nơi nào của nước Mỹ.
Triều Tiên khẳng định chương trình vũ khí hạt nhân nhằm tấn công lãnh thổ Mỹ. Hôm 1.1, ông Kim Jong-un nói Mỹ sẽ không bao giờ có thể khởi chiến với nước ông, vì nay Triều Tiên đã là cường quốc hạt nhân, có khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân (VKHN).
Tổng thống Mỹ phản ứng với từng lần thử hạt nhân của Triều Tiên, bằng những tuyên bố đe dọa “hủy diệt hoàn toàn Bình Nhưỡng”. Ông cũng gọi lãnh đạo Triều Tiên đang thực hiện “một nhiệm vụ tự sát”.
Các nhà phân tích nói lời lẽ cứng rắn của ông Trump không thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, mà còn có thể khiến ông Kim Jong-un gia tăng tốc thực hiện tham vọng nguy hiểm.
Mối đe dọa từ Triều Tiên được chính phủ Mỹ nhận định là đủ mạnh. Và đề cập giải pháp cuối cùng là đánh phủ đầu Triều Tiên. Cách nghĩ này cùng những lời lẽ cứng rắn của hai lãnh đạo Mỹ-Triều khiến Hàn Quốc rúng động vì nguy cơ trở thành chiến tuyến.
Theo NYT, dù khả năng hạt nhân của Triều Tiên đã có sự thay đổi, diễn văn năm mới của ông Kim Jong-un giống phát biểu năm ngoái: không thể ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và ông Trump chỉ nên học chấp nhận điều này.
Lần này, ông Kim Jong-un đề cập kế hoạch Triều Tiên sẽ sản xuất ồ ạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Không thể rõ “sản xuất đại trà” có nghĩa gì trong bối cảnh này. Mỹ ước tính Triều Tiên có khoảng từ 20 đến 60 loại VKHN. Các chuyên gia nói trong vài năm tới, kho VKHN của Bình Nhưỡng có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba, tương đương kho VKHN của Anh và Pháp.
Nhưng các chuyên gia cũng không tin ông Kim Jong-un đã có “nút bấm hạt nhân” trên bàn làm việc. Họ nói ông chỉ “nổ”, chứ hiện nay ông chưa thể phóng một loại VKHN trong chỉ vài giây.
Cho đến nay, tất cả những cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên đều liên quan vũ khí sử dụng nhiên liệu lỏng, điều khiến phải mất nhiều giờ (hoặc nhiều ngày) để chuẩn bị phóng.
Lệnh cấm vận bắt đầu “cắn” kinh tế Triều Tiên
Theo NYT, việc ông Kim Jong-un kêu gọi đối thoại khẩn cấp với Hàn Quốc, là vì ông muốn đẩy lùi những lệnh trừng phạt đã bắt đầu có áp lực lên kinh tế Triều Tiên.
Lời kêu gọi của ông chỉ vài ngày sau khi Mỹ lôi kéo đồng minh và đối thủ ở LHQ, để họ ủng hộ thêm một đợt trừng phạt khác, rắn hơn.
Các quan chức Mỹ nói ngay cả Trung Quốc cũng tích cực cắt cung cấp xăng dầu cbo Triều Tiên, nên nước này đang bị thiếu xăng trầm trọng, giá xăng tăng gấp đôi trong năm 2017.
Từ việc Mỹ vận động cô lập Triều Tiên, một số nước-gồm Ý, Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Peru, Kuwait, Myanmar-đã trục xuất đại sứ Triều Tiên, hoặc cắt giảm số nhân viên ngoại giao Triều Tiên ở nước họ.
Các nước như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Kuwait và Qatar cũng bắt đầu loại bỏ công nhân Triều Tiên ở các công trình xây dựng, là lực lượng lãnh nhiệm vụ nặng nề là kiếm ngoại tệ mạnh mà Bình Nhưỡng đang rất cần.
Tổng thống Hàn Quốc chính thức ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ, như một công cụ để buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán giải giáp VKHN.
Vài tuần qua, chính phủ Hàn Quốc bắt hai tàu chở dầu vì nghi chúng tuồn sản phẩm xăng dầu vào Triều Tiên và “lách” lệnh cấm vận nước này.
Nhưng Tổng thống Moon cũng đồng ý với Nga và Trung Quốc: cần đối thoại để giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Vấn nạn lớn là canh bạc của ông Kim Jong-un sẽ có hiệu quả?
Vì phe cứng rắn ở Seoul cùng một số quan chức chính phủ Mỹ lo ngại: nếu cuộc đối thoại về khủng hoảng Triều Tiên chỉ là một sự hạ nhiệt tạm thời, thì cũng phải nới lỏng lệnh trừng phạt.
Một số quan chức chính phủ Tổng thống Hàn Quốc nói họ rất cần cảnh giác cao độ với chiến lược của ông Kim Jong-un, và họ sẽ điều phối chặt chẽ các hoạt động với Mỹ.
Nhưng với ông Moon, đối thoại liên Triều là rất cần thiết để nghỉ ngơi, sau một năm mà hai lãnh đạo Mỹ-Triều dọa đánh nhau. Ông Moon rất ngán nguy cơ chiến tranh, nên ông muốn sự căng thẳng tạm ngưng dịp Olympic mùa đông và từ đó bắt đầu nói chuyện với Bình Nhưỡng.
Các cuộc đối thoại này có thể dẫn đến những cuộc đàm phán mở rộng, với Mỹ, Nga, Trung Quốc có thể rao những khoản thưởng ngoại giao-kinh tế cho Triều Tiên, đổi lấy việc nước này ngưng thử hạt nhân và tên lửa.
Nhưng theo NYT, đấy là lúc sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ-Hàn càng nứt sâu.
Tờ báo Mỹ kết luận: trong bất kỳ cuộc đối thoại nào, Triều Tiên sẽ kỳ vọng có những nhượng bộ lớn, ví dụ nới lỏng lệnh cấm vận, giảm sự hiện diện quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Kế đến, Bình Nhưỡng sẽ cố gắng ép Mỹ phải nhượng bộ, bằng cách đề nghị ngưng thử hạt nhân và tên lửa, nhưng Triều Tiên sẽ không từ bỏ tham vọng sở hữu VKHN.
Hoặc như trước đây, Triều Tiên có thể sự dụng cuộc đàm phán, để giảm nhẹ tác động của lệnh trừng phạt, mà vẫn không có ý chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)