34 tuổi, cao chỉ 1m26, khuôn mặt, giọng nói như đứa trẻ, anh Cảnh nhiều lần bị khách tưởng là con nít, yêu cầu đi gọi bố mẹ đến giúp.
Mọi người trong gia đình Cảnh ai cũng cao, phát triển bình thường, nhưng anh thì ngược lại. ‘Mẹ kể, lúc mới sinh, tôi nặng hơn 3 kg, chiều dài đủ chuẩn, khóc rất to. Không hiểu sao, lớn lên, tôi là người lùn. Những năm học cấp 3, tôi cao chỉ 1m thôi. Giờ, chắc đi nhiều nên cao thêm chút nữa’, Cảnh hài hước.
Năm 2006, Cảnh rời quê Lý Sơn đến TP.HCM học Cao đẳng Công nghệ thông tin. Ra trường, anh đi làm cho một công ty công nghệ tại thành phố. Dù thế, niềm đam mê du lịch, thích chinh phục các đỉnh núi, danh lam thắng cảnh luôn hiện hữu trong chàng trai xứ đảo.
Cảnh cho biết, từ năm 2010, anh thường tổ chức các chương trình đi chơi, dã ngoại… cho bạn bè. Với đôi chân ngắn, thân hình nhỏ bé nhưng Cảnh đã chinh phục ‘nóc nhà Đông Dương’ Fansipan bằng đường bộ, đặt chân đến cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây A Pa Chải (Điện Biên), cực Đông Vạn Ninh (Khánh Hòa), cực Nam Đất Mũi (Cà Mau). Đi đến đâu anh cũng ghi chép tỉ mỉ, chụp hình rồi lưu lại trên các trang mạng xã hội, giúp những người đi sau có ‘cẩm nang bỏ túi’.
‘Đi du lịch là được ngắm cảnh đẹp, được thưởng thức ẩm thực, được chinh phục các cung đường, đỉnh núi và học được cách làm du lịch ở từng nơi để áp dụng cho mình’, chàng trai sinh năm 1986 chia sẻ.
Lần sinh nhật 30 tuổi, Cảnh có quyết tâm chinh phục được đỉnh Fansipan, cao 3.143m để làm quà cho mình. ‘Khi đặt chân đến đỉnh núi, tôi đã có một quyết định quan trọng là: trở về Lý Sơn lập nghiệp , Cảnh nói.
Trở về từ chuyến đi, anh thu gom hành lý, chia tay các bạn ở Sài Gòn để về quê nuôi quyết tâm làm giàu từ những ý tưởng của mình.
Mới đầu, Cảnh mở một quán ăn, nhưng không thành công. ‘Lúc đó, tôi có chút nản vì một phần quyết tâm bị gãy giữa chừng’, Cảnh nói.
Cuối năm 2017, anh tham gia chương trình khởi nghiệp do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Đề tài của Cảnh nói về mô hình du lịch Homestay đã nhận được giải. ‘Sau chương trình, có mấy người nói với tôi, sao không xây dựng ý tưởng thành sự thật, đi vòng vòng đâu cho xa’, Cảnh kể.
Đầu năm 2018, được ba mẹ cho tận dụng căn nhà để phát triển kinh doanh, Cảnh dùng 100 triệu đồng sửa thành 20 phòng đầy đủ tiện nghi cho khách thuê. Anh mua thêm hàng chục chiếc xe máy cho khách thuê, tự lái đi thăm quan khi đến Lý Sơn. ‘Tôi đã liên kết nhà xe, tàu thuyền, các nhà hàng, quán ăn… nên chỉ cần vốn 100 triệu đồng là mở được công ty’, cảnh nói.
Nhờ có kinh nghiệm hơn 7 năm đi du lịch, hiểu biết từng ngóc ngách của quê nhà, cùng tài ăn nói, khéo léo giao tiếp, nhanh nhẹn, lém lỉnh, Cảnh được nhiều khách du lịch yêu thích khi trực tiếp làm hướng dẫn viên cho khách. Tuy nhiên, vì có dáng người nhỏ, giọng nói, khuôn mặt như đứa trẻ 10 tuổi, anh nhiều lần bị khách nhầm là trẻ con.
Cảnh kể, một lần, có chị gọi đến công ty đặt phòng. Cảnh là người nghe máy. Vừa nghe giọng anh, vị khách nói ngay: ‘Cô muốn gặp bố mẹ cháu đặt phòng. Cháu đi gọi bố mẹ đi, cô chờ’. Cảnh giải thích, mình là chủ nhưng họ không tin. ‘Chị ấy nói, cô nghe giọng con nít mà. Con làm sao biết được giá phòng, đặt như thế nào. Con đi gọi bố mẹ đi’. Vì khách chưa gặp, Cảnh chỉ biết nhờ mẹ ‘giải quyết’ giúp mình.
Lần khác, Cảnh là hướng dẫn viên cho đoàn là Việt kiều Mỹ đến thăm quan Lý Sơn. Họ đặt toàn bộ 20 phòng của công ty Cảnh.
Đoàn đến, Cảnh dẫn họ đi nhận phòng rồi sử dụng các dịch vụ, thiết bị trong phòng. Một người phụ nữ vừa nhìn thấy Cảnh liền nói: ‘Cháu bé kia, sao lại ở đây. Cháu đi gọi ba mẹ đến đây giúp cô’. Cảnh giải thích, mình là giám đốc của công ty, nhưng vị khách không tin, nằng nặc đòi người lớn đến. May mắn, Cảnh đã làm việc với một người trong đoàn, vì thế, vị khách nữ cũng tin tưởng.
Chàng trai trẻ cho biết, mùa hè là mùa biển đẹp nhất ở Lý Sơn. Biển thì lặng, nước trong. Gió thổi nhè nhẹ. Khách đến sẽ được ngắm san hô, bãi đá, đi bắt hải sâm, cua biển… Tối đến thì đến chợ hải sản mua tôm, cua, cá… mang ra bãi biển trải bạt vừa nướng ăn vừa trò chuyện cùng nhau.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách đến đảo Lý Sơn cũng ít hơn. Từ đầu tháng 3, chính quyền Lý Sơn đã có thông báo hạn chế, không được đón khách du lịch. Đến đầu tháng 5, Cảnh và những người làm du lịch ở Lý Sơn mới được đón lại khách, nhưng cũng chỉ lác đác. ‘Khách họ đi theo gia đình, hoặc nhóm 3-4 người’, Cảnh nói.
Anh giám đốc trẻ cho biết, nghề du lịch ở Lý Sơn chỉ làm được 8 tháng, 4 tháng còn lại thì phải nghỉ, vì mưa, bão, thời tiết khắc nghiệt. Vì thế, hơn hai tháng thất nghiệp do dịch bệnh, dù thu nhập không có, nhưng anh thấy bình thường. Tranh thủ thời gian đó, anh sưu tầm cây cảnh, xương rồng và những cây bonsai.
Theo Tú Anh - Vietnamnet