Trung Quốc muốn nhân dịp tổ chức Olympic Bắc Kinh thể hiện những tiến bộ trong bảo vệ môi trường của mình.

‘Olympic xanh’ của Trung Quốc có thực sự ‘xanh’?

Cẩm Bình | 04/01/2022, 10:54

Trung Quốc muốn nhân dịp tổ chức Olympic Bắc Kinh thể hiện những tiến bộ trong bảo vệ môi trường của mình.

Mặc dù phụ thuộc lớn vào than đá để cấp điện cho gần 2/3 nền kinh tế, Trung Quốc cam kết dùng thủy điện, điện mặt trời và điện gió cho Olympic. Thành phố Trương Gia Khẩu - 1 trong 3 điểm diễn ra thi đấu - đã lắp đặt trang trại điện gió rộng hàng chục hecta có thể sản xuất 14 triệu kilowatt điện. Các sườn núi cũng phủ đầy pin mặt trời tạo thêm 7 triệu kilowatt điện.

Ủy ban tổ chức Olympic của Trung Quốc cho biết nước này đã xây dựng một nhà máy trữ và truyền tải điện năng lượng tái tạo đến các địa điểm, đảm bảo nguồn cung không gián đoạn.

olympicak_chsl_030122.jpg
Trung Quốc cam kết chỉ dùng thủy điện, điện mặt trời, điện gió cho Olympic - Ảnh: Straits Times

Xử lý khói bụi

Để xử lý bầu trời khói bụi tại Bắc Kinh trước thềm Olympic, lò than của 25 triệu hộ gia đình ở miền bắc Trung Quốc được thay thế bằng lò ga hoặc lò điện. Hàng chục nghìn nhà máy bị phạt vì vượt quá giới hạn khí thải. Các nhà máy thép xung quanh thủ đô phải cắt giảm một nửa sản lượng.

Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết số ngày ô nhiễm của Bắc Kinh đã giảm từ 43 năm 2015 xuống còn 10 năm 2020. Nhưng chất lượng không khí vẫn vượt chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.

Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) năm 2015 từng đánh giá: “Bài học lớn nhất từ Olympic Bắc Kinh 2008 là chỉ chuyển các ngành công nghiệp “bẩn” từ Bắc Kinh sang vài tỉnh lân cận không mang lại cải thiện lâu dài về chất lượng không khí”.

Về vấn đề di chuyển ở kỳ Olympic năm nay, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ dùng 655 xe buýt chạy bằng khí hydro chở quan chức cùng vận động viên. Ủy ban tổ chức cũng tuyên bố 85% phương tiện giao thông dùng cho sự kiện chạy bằng khí hydro hoặc điện.

Do chỉ có rất ít khán giả Trung Quốc được trực tiếp xem thi đấu, khí thải từ các chuyến bay liên quan đến Olympic có thể sẽ thấp hơn mức trung bình. Đại dịch cũng đã làm giảm đáng kể số lượng chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc.

Tuyết nhân tạo

Không ít trận thi đấu trong khuôn khổ Olympic chuẩn bị diễn ra tại thành phố Trương Gia Khẩu và khu Diên Khánh ngoại thành Bắc Kinh với tuyết nhân tạo (đã được sử dụng từ Olympic New York 1980).

Trung Quốc tự ước tính sẽ cần hơn 180 lít nước để tạo đủ tuyết cho những cuộc thi trượt tuyết. Nước được lấy từ một số hồ chứa ở Trương Gia Khẩu, nhưng chỉ chiếm chưa 1% lượng nước cung cấp cho thành phố, theo ủy ban tổ chức.

olymak_snw_030122.jpg
Trung tâm trượt tuyết tại Trương Gia Khẩu sử dụng máy tạo tuyết nhân tạo - Ảnh: Straits Times

Nước tạo tuyết không chứa chất phụ gia hóa học và khi tan chảy sẽ tự nhiên thấm lại xuống đất. Tuy nhiên nguồn cung nước tại Bắc Kinh lại khá ít: 185 mét khối nước/ người/ mỗi năm cho 21 triệu dân thành phố – chưa bằng 1/5 mức cung cần thiết theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc.

Nhiều nhà bảo vệ môi trường khuyến cáo quảng bá các môn thể thao mùa đông dựa vào tuyết nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm thảm họa về nước.

Theo giáo sư Carmen de Jong thuộc đại học Strasbourg (Pháp): “Tổ chức Olympic ở địa điểm không tuyết là không bền vững vì nó sử dụng nhiều nước và năng lượng, làm hỏng đất và gây xói mòn. Làm vậy cũng thật vô trách nhiệm”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Olympic xanh’ của Trung Quốc có thực sự ‘xanh’?