Có bao giờ bạn tự hỏi: "Ở Sài Gòn, thứ gì là đắt nhất?". Với người lớn, thứ giá trị nhất ở Sài Gòn là nhà, là xe, là trang sức, nhưng với một đứa trẻ, câu trả lời lại rất ngô nghê: "Búp bê là đắt nhất". Với một số người, niềm tin có lẽ là thứ đắt đỏ nhất.

Ở Sài Gòn, thứ gì đắt nhất?

23/10/2014, 12:50

Có bao giờ bạn tự hỏi: "Ở Sài Gòn, thứ gì là đắt nhất?". Với người lớn, thứ giá trị nhất ở Sài Gòn là nhà, là xe, là trang sức, nhưng với một đứa trẻ, câu trả lời lại rất ngô nghê: "Búp bê là đắt nhất". Với một số người, niềm tin có lẽ là thứ đắt đỏ nhất.

Từ nhiều ý kiến khác nhau của đa dạng các thành phần trong xã hội, nhóm làm phim mới bắt đầu gợi lên câu chuyện về niềm tin, về tình người ở Sài Gòn.

Sài Gòn tuy là mảnh đất lắm người nhiều xe nhưng cũng là nơi đất lành chim đậu cho những con người tứ xứ đến từ nhiều miền khác nhau trên Tổ quốc. Trong một Sài Gòn rộng lớn có rất nhiều chuyện nhỏ dễ thương mà ai nghe qua cũng phải lắng lòng mình lại một chút để nghĩ suy về chữ "tình".

Giữa một Sài Gòn rộng lớn, tất bật và hối hả vẫn có những chuyện nhỏ thân thương với những con người sống tử tế với nhau.

Dọc các con đường ở Sài Gòn, ta có thể dễ dàng bắt gặp những thùng nước với hàng chữ “Trà đá miễn phí, kính mời.”

Đó có thể là câu chuyện về anh Lý Ngọc Bình, một người thợ sửa giày dép trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận. Ở góc tiệm nhỏ của mình, anh trưng ra một cái bảng: "Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác". Vốn cũng là một người lao động mưu sinh, anh Bình thấu hiểu được nỗi vất vả của những người như mình và mong muốn đóng góp một chút công sức để san sẻ với họ.

Hay đó là chú Dũng, một bảo vệ quán ăn đã dành một phần tiền lương của mình để mua thức ăn cho đàn bồ câu ở góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh. Bầy chim này vốn không phải của chú Dũng, ban đầu khi làm bảo vệ ở đây, thấy vài con bồ câu và sẵn có bánh mì dư của quán, chú cứ quăng cho chim ăn. Riết rồi quen, càng ngày càng có nhiều bồ câu bay lại đây, có khi cả trăm con.
Ở Sài Gòn, thứ gì đắt nhất?

Với giọng kể thủ thỉ tâm tình, "Chuyện nhỏ Sài Gòn" dẫn dắt khán giả qua từng câu chuyện nhỏ với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lắng sâu sau đó, người đọc cảm nhận được niềm vui, sự tin yêu, lòng tin giữa người với người ở thời buổi xô bồ này vẫn còn tồn tại. Thế nhưng, bên cạnh những câu chuyện dễ thương đó, vẫn còn nhiều mặt trái khi lòng tin của con người bị đem ra lợi dụng. Con người gây dựng lòng tin, rồi cũng chính con người chà đạp lên lòng tin đó. Sài Gòn không phụ ai bao giờ, nhưng Sài Gòn cũng đầy rẫy những toan tính, lọc lừa...

Đây là một dự án nho nhỏ nằm trong học phần phim tài liệu do đạo diễn Đào Anh Dũng hướng dẫn sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV thực hiện. Bạn Hồng Ngọc, thành viên nhóm làm phim chia sẻ: "Tại mảnh đất này, chúng tôi đã trải qua những niềm vui, nỗi buồn, những vấp ngã đầu đời, và đặc biệt được gặp những con người Sài Gòn dễ thương, trìu mến và hào phóng. Mặc dù có những câu chuyện không vui nơi đây nhưng chúng tôi tin rằng niềm tin vẫn luôn còn đó, giữa con người với nhau."

Một bộ phim của những người trẻ cảm khái về Sài Gòn và cũng là sự suy tư về triết lý "Người với người sống để yêu nhau".
LTT
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở Sài Gòn, thứ gì đắt nhất?