Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ việc sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên thay thế cho Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số nhóm tài nguyên, khoáng sản, bao gồm cả nước thiên nhiên.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thời gian tới, một số ít nhóm tài nguyên sẽ giữ nguyên mức thuế suất hiện hành, còn lại sẽ tăng mức Thuế suất thuế tài nguyên (TSTTN) đối với hầu hết các loại, nhóm tài nguyên.
Cụ thể, đối với nhóm khoáng sản kim loại như sắt tăng từ 12% lên 14%, titan tăng từ 16% lên 18%, vàng tăng từ 15% lên 17%,… Đối với nhóm khoáng sản không kim loại như: đá hoa trắng tăng từ 9% lên 15%, cát tăng từ 11% lên 15%, gờ-ra-nít tăng từ 10% lên 15%, đất làm gạch tăng từ 10% lên 15%,…
Cũng theo ông Thi, để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu trong nước nên trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên.
Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, đảm bảo bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên, là một trong những công cụ tài chính có hiệu quả.
Ông Thi cũng lý giải rằng, khi thực hiện xóa bỏ thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế, số thu ngân sách chắc chắn bị tác động, trong khi khai thác các loại tài nguyên này cho xuất khẩu có thể sẽ tăng mạnh, không đảm bảo được nguồn tài nguyên sản xuất trong nước.
“Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh lại nguồn thu nội địa đối với tài nguyên thông qua điều chỉnh mức thu thuế suất tài nguyên cho phù hợp, để tiếp tục phát huy nguồn tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo thu ngân sách” – ông Thi cho hay.
Hoàng Long