Một dự án tại Tokyo nhằm triển khai nền nông nghiệp tiên tiến thông qua mạng 5G riêng đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới.
Khoa học - công nghệ

Nông nghiệp thông minh kiểu Tokyo có giúp giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu?

Long Hải 08/01/2024 15:00

Một dự án tại Tokyo nhằm triển khai nền nông nghiệp tiên tiến thông qua mạng 5G riêng đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới.

hinh2.jpg
Các công nghệ mới, chẳng hạn như camera 4K và mạng 5G riêng, có thể được sử dụng để vận hành nhà kính ở những địa điểm xa xôi ở Nhật Bản - Ảnh: NTT AgriTechnology

Cắt giảm nhu cầu lao động trong nông nghiệp

Tỷ lệ sinh giảm cùng với dân số già ở Nhật Bản đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp nước này. Số lượng lao động nông nghiệp chủ chốt trong các doanh nghiệp tư nhân giảm 394.000 người (22,4%), từ 1,76 triệu xuống 1,36 triệu, trong khoảng thời gian năm 2015 - 2020.

Cuộc điều tra dân số về nông nghiệp và lâm nghiệp năm 2020 tại Nhật Bản cho thấy rằng, trong số những người lao động nông nghiệp chủ chốt, 69,6% người từ 65 tuổi trở lên. Nếu xu hướng này tiếp tục chiếm ưu thế thì năng lực sản xuất lương thực cũng như khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng nông sản xuất khẩu Nhật Bản sẽ bị suy giảm mạnh.

Vì vậy, việc thiết lập các hệ thống nông nghiệp hiệu quả và năng suất cao, cũng như giảm nhu cầu lao động cho nông nghiệp là điều quan trọng nhất đối với Nhật Bản. Các thành phố, tổ chức và công ty trên khắp đất nước nỗ lực thực hiện các sáng kiến nông nghiệp thông minh đổi mới để đạt được kết quả này.

Trồng cà chua chất lượng cao qua hướng dẫn từ xa

NTT AgriTechnology, Quỹ Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Tokyo và Công ty NTT East đã thành lập một dự án để triển khai nền nông nghiệp tiên tiến sử dụng 5G riêng từ năm 2020. Mục đích dự án là tạo ra một mô hình có thể được sử dụng để củng cố tương lai của nền nông nghiệp Nhật Bản. Mạng 5G riêng tư cung cấp khả năng liên lạc ổn định hơn 5G công cộng và có thể ứng phó tốt hơn với các vấn đề liên quan đến cây trồng - vốn cần được giải quyết thường xuyên.

hinh1.jpg
Công nghệ kết hợp kính thông minh với thực tế tăng cường giúp quá trình giám sát sự phát triển của cây trồng hiệu quả hơn - Ảnh: NTT AgriTechnology

Dự án thiết lập các nhà kính trang bị 5G riêng ở thành phố Chofu, Tokyo và sử dụng chúng để trồng cà chua. Máy ảnh có độ phân giải siêu cao, kính thông minh và các công nghệ khác cũng được sử dụng trong việc trồng cây. Môi trường trong nhà kính được quản lý hoàn toàn tự động với các cảm biến đo nhiệt độ và nồng độ CO2 để tối ưu hóa quá trình quang hợp của cây trồng.

Nakanishi Masahiro, Giám đốc dự án của Bộ phận Hoạch định chiến lược doanh nghiệp tại NTT East và là thành viên nòng cốt của nhóm NTT AgriTechnology cho biết: “Những người không có kinh nghiệm trồng trọt vẫn có thể trồng cà chua chất lượng cao bằng hướng dẫn từ xa. Chúng tôi đã có sản lượng tốt hơn từ năm thứ hai trở đi nên kết quả này rất tuyệt vời”.

Dự án cũng đã thành lập được mô hình sản xuất để tiêu thụ tại địa phương. Cà chua được sản xuất trong các nhà kính này được bán trong thành phố Chofu hoặc tặng cho các trường tiểu học.

hinh4.jpg
Robot thu thập dữ liệu được điều khiển di chuyển quanh các nhà kính, ghi lại các điều kiện tăng trưởng bằng camera 4K - Ảnh: NTT AgriTechnology

Nhà kính tiên tiến đón du khách từ khắp nơi trên thế giới

Hà Lan và Tây Ban Nha là hai quốc gia đã thành công trong việc sử dụng các công nghệ quản lý môi trường tiên tiến và tối ưu hóa lao động để thiết lập các hệ thống nông nghiệp quy mô lớn. Hà Lan là một ví dụ đặc biệt thuyết phục vì đây là quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai trên thế giới.

Các đại diện của NTT AgriTechnology đã đến thăm Hà Lan để nghiên cứu các mô hình thông minh này. Họ được truyền cảm hứng từ các hoạt động tiêu chuẩn hóa và bán tự động mà họ thấy ở các hệ thống làm vườn trong nhà kính quy mô lớn.

Tuy nhiên, để thực hiện điều gì đó tương tự ở Nhật Bản, họ phải đối phó với nhiều thay đổi về môi trường khác nhau - với các đợt nắng nóng và bão vào mùa hè, cũng như tuyết rơi dày đặc và gió biển vào mùa đông; đồng thời phải bù đắp cho việc thiếu người trồng trọt có kinh nghiệm trên diện rộng.

Vì vậy, mục tiêu của họ là phát triển một cơ sở có thể xử lý nhiều tình huống khác nhau. Điều này được thực hiện không chỉ thông qua chuyên môn thu thập được ở nước ngoài mà còn thông qua việc bổ sung các hệ thống giám sát tập trung vào các yếu tố con người như quản lý lao động và công việc, cũng như số hóa cơ sở vật chất.

hinh3.jpg
Các chuyên gia và nhà nghiên cứu nông nghiệp nước ngoài đến thăm một trong những nhà kính tiên tiến ở Chofu, Tokyo - Ảnh: NTT AgriTechnology

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đã đến Tokyo để quan sát và tham khảo ví dụ về nông nghiệp sử dụng 5G tư nhân.

Về lợi ích của dự án, Nakanishi nói: “Tôi nghĩ lý do khiến chúng tôi nhận được nhiều sự chú ý đến vậy chính là vì khu nông nghiệp thông minh này nằm ở một thành phố như Tokyo, rất dễ tham quan”.

NTT AgriTechnology hiện đang xem xét việc phổ biến các công nghệ này ra nước ngoài, hỗ trợ đào tạo về cách sử dụng chúng. Hệ thống nông nghiệp có trụ sở tại Tokyo này có thể là chìa khóa để giải quyết không chỉ các vấn đề mà nền nông nghiệp Nhật Bản phải đối mặt, mà còn giúp đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp thông minh kiểu Tokyo có giúp giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu?