Bộ NN-PTNN cho biết tái diễn tình trạng ùn ứ phương tiện, hàng hóa trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía bắc, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNN, trong 6 tháng đầu năm 2022, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cơ bản được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước (ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 lan rộng).
Tại địa phương, hoạt động sản xuất và kết nối tiêu thụ nông sản trong nước đã bắt đầu phục hồi sau dịch nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Cụ thể, tại các tỉnh phía bắc, một số mặt hàng trái cây có sản lượng lớn như vải, nhãn, mận, đào, chanh leo, xoài, dứa… đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản của địa phương.
Giá bán chuối quả của Lào Cai trong tháng 5.2022 giảm 1/3 so với thời điểm trước khi dừng nhập khẩu; tiêu thụ dứa tươi của Điện Biên khó khăn khi doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong xuất khẩu; rau quả đóng hộp của Hà Nam không xuất khẩu được sang Nga và các nước Đông Âu nên giá nguyên liệu rẻ…
Tại các tỉnh phía nam, tình hình tiêu thụ và giá cả các mặt hàng nông sản tăng giảm không ổn định, phụ thuộc lớn vào tình hình xuất khẩu.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2022, do những diễn biến về giá nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp đầu vào tiếp tục tăng (phân bón, thức ăn chăn nuôi), nhóm các dịch vụ phụ trợ như bao gói, logistics (xăng, dầu) và những khó khăn khó lường của diễn biến thời tiết (lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn thường diễn ra vào nửa cuối năm) và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, cây trồng sẽ tạo áp lực lớn đến sản xuất, tiêu thụ nông sản trong nước theo cả 2 chiều: dư thừa và thiếu hụt tại các thời điểm khác nhau.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 23,2 tỉ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt 5,1 tỉ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ. Đã có 09 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc
Bộ NN-PTNN cũng cho biết đã tiến hành tháo gỡ vướng mắc rào cản, quảng bá sản phẩm nông sản Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
Với thị trường Trung Quốc, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc cửa khẩu; báo cáo Thủ tướng về việc Quảng Ninh chủ động đẩy nhanh việc xây dựng các hạng mục Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản Châu Á-Thái Bình Dương tại thành phố Móng Cái.
Đồng thời hướng dẫn thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc nhằm triển khai đáp ứng các quy định về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu tại Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc; Thực hiện chuỗi 8 Hội nghị, diễn đàn phổ biến các quy định SPS tại các vùng trọng điểm: Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Phước, Long An, An Giang.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN-PTNN cũng cho biết hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Đồng thời, việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao; tái diễn tình trạng ùn ứ phương tiện, hàng hóa trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía bắc, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội.
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản 6 tháng cuối năm 2022, Bộ NN-PTNN cho biết sẽ cùng các cơ quan liên quan đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản, qua đó điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.
Song song với đó, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phối hợp kiểm tra, kiểm soát giá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Tổ chức/phối hợp tổ chức và tham gia hỗ trợ các địa phương/ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu biên giới phía bắc theo hình thức thương mại chính ngạch.
Bộ cũng cho biết sẽ hỗ trợ, phản hồi vướng mắc của doanh nghiệp, cơ quan liên quan đến Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Triển khai nội dung Diễn đàn kết nối cung cầu 970: (1) Hướng dẫn đáp ứng quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của HQTQ; (2) Hiệp định RCEP - Những vấn đề doanh nghiệp và địa phương cần lưu ý; (3) Quy định mới của thị trường EU đối với nông sản nhập khẩu.