Sau vụ dùng nhớt tưới ruộng rau muống ở Củ Chi (TP. HCM), mới đây lại phát hiện vụ việc một số nông dân xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nảy ra "tối kiến" dùng xi măng rải “phân” cho lúa...
“Sáng kiến” rải xi măng bón cho ruộng lúa lập tức được một số nông dân khác làm theo. Dù chính quyền địa phương cho biết chưa phát hiện hộ nào làm vậy, nhưng thực tế đã có.
Chính Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, cho biết trên địa bàn tỉnh này cũng từng phát hiện vài hộ nông dân làm như vậy. Sau khi nghe khuyến cáo, nông dân đã chấm dứt.
Rõ ràng, xi măng có Clinker, nhưng chất này dùng để bón lúa thì chẳng những không có tác dụng gì mà khiến tốn tiền, còn làm ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất.
Còn trước đó, cảnh sát môi trường phát hiện một số hộ dân ở Củ Chi dùng nhớt thải để tưới rau muống. Theo họ, làm vậy là để trừ sâu rầy, và đó là “tài liệu” rỉ tai, chứ ngành nông nghiệp thậm chí còn chưa biết “chiêu” diệt rầy như thế này.
Các chuyên gia nông nghiệp xác nhận, đúng là nếu dùng nhớt thải đổ thành màng mỏng trên mặt nước ao rau muống, hơi bốc lên của nhớt có thể diệt rầy. Nhưng chỉ một vài chuyên gia biết chuyện này và họ không hề chỉ dẫn nông dân.
Nguyên nhân là nhớt thải có nhiều chất độc. Nếu nhớt có mặt trên ruộng rau muống, khi thu hoạch, thể nào cũng có một số lá, nhánh bị dính nhớt. Ai mua về, rửa không sạch, ăn vào lãnh đủ.
Vì sao nông dân lại có những tối kiến như vậy? Rõ ràng, khi phân bón, thuốc trừ sâu ngày càng bị làm giả tinh vi, nông dân ngao ngán. Đầu vụ, họ bỏ cả đống tiền, mua phân, thuốc bảo vệ thực vật, rốt cuộc nhiều người mua toàn hàng giả, phí công.
Thậm chí, có trường hợp cán bộ quản lý nhà nước còn tiếp tay hại nông dân. Như ông Nguyễn Thanh Vân, Chánh Thanh tra Sở Công Thương tỉnh tiền Giang, ngày 28.10.2014 dẫn đầu đoàn thanh tra của Sở thanh tra cửa hàng Thế Nam do ông Hà Tôn Vẹn (huyện Tân Phú Đông) làm chủ.
Tại đây, đoàn lấy mẫu phân bón trung vi lượng Annova do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Gia Nguyên (trụ sở tại TP.HCM) sản xuất đưa đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 xét nghiệm. Kết quả, mẫu này có 2 tiêu chuẩn không đạt là CaO (doanh nghiệp công bố 8% nhưng chỉ đạt 4,33%), MgO (công bố 3%, chỉ đạt 1,09%).
Sau đó, đoàn thanh tra đã làm việc với ông Vẹn và kết luận có 200 bao (mỗi bao 25 kg) hàng tồn không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Công Thương, cụ thể là ông Vân, không tiếp tục làm rõ trách nhiệm của Công ty Gia Nguyên trong việc sản xuất phân bón kém chất lượng mà lại ký quyết định xử phạt cửa hàng Thế Nam 15 triệu đồng, rồi cho tung hàng ra… bán tiếp. Hiện cơ quan điều tra đang làm việc với ông Vân, để làm rõ thêm nhiều hành vi tiếp tay hại nông dân khác của ông này.
Khi các cơ quan chức năng "bất lực" hay "làm ngơ" trước hàng giả, nông dân biết tin ai? Cái họ cần là bảo vệ cây rau, cây lúa. Thế nên, nghe ai bày cách gì hay để bảo vệ nông sản, họ cũng làm theo, dù sau này mới biết là “tối kiến”.
Nguyễn Hồ