Nạn di cư của người miền Tây chỉ giải quyết tạm thời bài toán kinh tế trước mắt, nhưng hệ lụy thì lâu dài, nhất là với thế hệ sau và xã hội.

Nỗi niềm sau chuyện hơn 1,3 triệu người miền Tây li hương

Chí Hùng | 19/12/2020, 14:00

Nạn di cư của người miền Tây chỉ giải quyết tạm thời bài toán kinh tế trước mắt, nhưng hệ lụy thì lâu dài, nhất là với thế hệ sau và xã hội.

Tôi lên Bình Dương ghé nhà trọ thăm cháu, mua vài món mồi ngon với chai rượu nếp chờ sẵn, nhưng chúng không màng. Đám cháu tôi từ miền Tây đi làm công nhân xa nhà. Tôi đã nhiều lần lên khu trọ thăm chúng. Tôi chủ động chạy ra chợ mua đồ ăn, dọn mâm chờ sẵn, nhắn các cháu về phòng trọ sớm lai rai. Bọn trẻ hôm đó không tăng ca để về sớm với tôi, nhưng ngồi một lúc, đứa nào cũng xin dừng vì sáng mai phải vào ca sớm.

1(1).jpg
Những dịp lễ, tết, quốc lộ 1A chật ních vì dòng người miền Tây về thăm quê - Ảnh: H.H

Ở lại khu trọ với chúng, tôi chứng kiến đời sống cơ cực. Các cháu tôi phải thức dậy từ rất sớm, ăn vội chén cơm nguội, nắm xôi hay ổ bánh mì rồi tất tả vào ca. Giờ nghỉ trưa, chúng ăn uống qua loa rồi ngả lưng vật vạ đâu đó, chờ vào ca chiều. Tan ca đã sáu, bảy giờ chiều, 1 đứa chạy ra chợ chồm hổm gần nhà máy, mua ít rau củ, cá mắm nấu vội bữa cơm muộn cho đỡ nhớ cơm nhà. Có đứa chẳng còn sức nấu nướng, mua hộp cơm bụi về phòng trọ, nuốt từng muỗng khó nhọc.

Buổi tối, trong những căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp và đầy tiếng ồn, chúng gọi điện nói vài điều với người dưới quê rồi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc. Thăm cháu mấy lần, hình ảnh trong tôi chỉ là chúng lê bước về phòng trọ khi tối mịt, rã rời và ngả lưng xuống là ngủ. Cụm từ chúng hay nhắc đến là “vào ca”với “tăng ca”.

Tưởng đâu phải ly hương, làm việc như thế thì thu nhập khá lắm. Hầu hết mỗi người chỉ được khoảng 6 triệu đồng 1 tháng. Trừ hết chi phí ở trọ, điện nước, ăn uống, sinh hoạt, mỗi người còn 1-2 triệu đồng. Ai tăng ca được thì thu nhập cao hơn đôi chút, nhưng sức khỏe nhanh chóng kiệt quệ. Chúng bán sức khỏe, bán tuổi trẻ để kiếm một ít tiền. Dù vậy, người trẻ quê tôi vẫn không ngừng “trôi” về các khu công nghiệp lớn.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đưa ra con số hơn 1,3 triệu người miền Tây đã di cư lên Sài Gòn và Đông Nam Bộ trong 10 năm qua. Số người này nhiều hơn dân cư của 1 tỉnh trong khu vực đồng bằng.

Trước đây, miền Tây là mảnh đất phù sa màu mỡ, ruộng vườn trù phú, người dân hào hiệp trượng nghĩa, nơi lý tưởng để lưu dân các vùng khác đến định cư thì nay thiên nhiên và con người đều kiệt quệ. Sự ra đi của hơn 1,3 triệu người có thể chưa phải điều tồi tệ nhất khi mà dự báo trong những năm tới, tình hình li hương còn trầm trọng hơn. Không chỉ người lao động chân tay đi tìm việc trong công xưởng mà những trí thức cũng bỏ quê tìm vùng đất hứa.

Nạn di cư của người miền Tây chỉ giải quyết tạm thời bài toán kinh tế trước mắt, nhưng hệ lụy thì lâu dài, nhất là với thế hệ sau và xã hội. Ở quê tôi, không đếm hết các cặp vợ chồng trẻ đi làm ăn xa, gởi con lại cho ông bà. Bọn trẻ dường như lúc nào cũng thiếu thốn hơi ấm và giáo dục của cha mẹ. Nếu không, cả gia đình dắt díu nhau lên thành phố, nhiều ngôi nhà khóa cửa, quây kín bằng chà gai, bỏ mặc bàn thờ tổ tiên, mồ mả ông bà. Mỗi năm, vài chủ nhà một đôi lần về quê, chưa kịp chào hỏi xóm giềng thì lại quay đi.

Trong gia đình tôi, hàng chục người đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Sài Gòn và Long An. Tôi không thấy ai khá giả hơn và sự di cư trên diện rộng ấy cũng không làm cho miền Tây khởi sắc hơn, trái lại còn tiêu điều. Nhiều đứa cháu tôi sau khi “làm ăn xa”, cốt cách thay đổi. Ngày lễ tết chúng về, ăn mặc khác thường, đầu tóc kiểu model, phóng xe máy đi nhậu hết chỗ này đến chỗ khác. Chúng say be bét suốt ngày, rồi lôi thùng loa kẹo kéo về ca hát thâu đêm suốt sáng.

2.jpg
Nhiều khu vườn bỏ hoang - Ảnh: H.H

Các chị tôi, lúc thì la mắng con cái, lúc năn nỉ, khóc lóc van xin “đừng nhậu nữa”, nhưng vô hiệu. Tôi đành an ủi chị: "Thôi, cả năm tụi nó cũng chỉ được vui có mấy ngày này". Tôi thương các cháu tôi, nhưng không thể giữ ở lại vì chính chúng cũng bảo ở quê giờ không sống nổi.

Tôi nghĩ, nếu nhà nước có một chiến lược cấp bách tạo công ăn việc làm ngay tại chỗ cho miền Tây, nạn di dân cực đoan sẽ giảm đáng kể. Đó là giải pháp để bà con thôi bỏ đi. Hiện có vài khu công nghiệp ở miền Tây, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chỉ sử dụng được ít lao động địa phương. Các tập đoàn, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà máy lớn, khu công nghiệp quy mô bởi một phần chưa đủ chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Mặt khác, hệ thống hạ tầng giao thông cơ bản cho sản xuất quy mô cũng như giao thông liên kết vùng - tiền đề quan trọng thu hút nhà đầu tư - còn rất yếu.

Nguồn lao động ở miền Tây không thiếu, chỉ thiếu môi trường làm việc cho họ. Tôi cho rằng, nếu giao thông thuận tiện và có những chính sách mới, nhiều nhà kinh doanh sẽ muốn đến với miền Tây. Khi ấy, người quê tôi có thể đi làm gần nhà, mỗi ngày được về với con cái, cha mẹ.

Việc đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững cho miền Tây nếu có, cũng sẽ góp phần giữ chân các nhà khoa học, trí thức trẻ gắn với quê hương, thay vì đi học rồi ở lại thành phố, ra nước ngoài. Nếu chính quyền dùng thửa ruộng và khu vườn của nông dân để giữ chân họ, không ai muốn chạy lên Sài Gòn, Bình Dương.

Người miền Tây không còn muốn nghe ca ngợi nơi đây là “vựa lúa” hay “thủ phủ hoa màu cây trái”. Họ chỉ cần ruộng vườn đủ nước tưới tiêu, mùa màng thu hoạch đừng thất bát, giá cả nông sản đừng quá biến động. Bấy nhiêu đó thôi là đủ để họ bám đất, bám quê.

Sau các đợt lễ tết, tôi thường sợ đọc báo bởi lẽ, cứ nhìn thấy ảnh dòng người miền Tây chen chúc nhích dưới cái nắng phương Nam đổ lửa, lòng tôi xót xa lắm. Vì trong dòng người ấy, có mấy đứa cháu tôi, bà con và người quê tôi. Khi nào miền Tây chưa thể cưu mang được họ, họ sẽ còn tiếp tục đi tìm tương lai mờ mịt và nhọc nhằn.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm sau chuyện hơn 1,3 triệu người miền Tây li hương