Lô vắc xin AstraZeneca từ TP.HCM đã được chuyển ra Hà Nội để thực hiện việc tiêm phòng đầu tiên tại đây vào ngày 8.3.
Ngày 7.3, những liều vắc xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) đầu tiên đã chính thức rời kho tổng VNVC tại TP.HCM, vận chuyển bằng đường hàng không ra Hà Nội.
Theo quy trình, lô vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được đóng gói vào thùng chuyên dụng, xếp lần lượt từng hộp nhỏ, gắn thiết bị đo nhiệt độ. Thùng chuyên dụng chứa vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được niêm phong, dán nhãn, đảm bảo điều kiện bảo quản từ 2 đến 8 độ C, ổn định nhiệt độ trong 24 giờ, sau đó được đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng, rời khỏi kho tổng, lên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất đi Hà Nội.
Chuyến bay mang theo lô vắc xin COVID-19 đầu tiên đến Hà Nội đã được đặt sẵn bởi đối tác vận chuyển của đơn vị. VNVC thực hiện giám sát nghiêm ngặt, từ khi xuất kho, vào máy bay, chuyển tiếp lên xe chuyên dụng về thẳng kho tổng tại quận Đống Đa, Hà Nội.
“Do số lượng vắc xin đợt đầu hạn chế nên chúng tôi phải cẩn trọng hết mức, chia thành nhiều lô để vận chuyển tránh rủi ro”, đại diện VNVC cho hay.
Lô hàng 117.600 liều vắc xin được vận chuyển do VNVC thực hiện đưa các kiện vắc xin được xếp vào thùng xốp, nằm trên các túi đá khô. Các túi đá đã được kiểm tra nhiệt độ, đảm bảo 2-8 độ C. Mỗi thùng sẽ chứa số liều vắc xin khác nhau, tùy theo kế hoạch phân phối của Bộ Y tế cho các tỉnh, thành. Hai thùng xốp đựng vắc xin giả định được kiểm tra lần cuối cùng, trước khi đưa ra xe.
Anh Trần Hàn Tuấn, Trưởng bộ phận kho bãi miền Nam của VNVC cho biết, xe chuyên dụng sẽ đậu ở phòng tiền lạnh, cách cửa kho 2,8 m. Thời gian tối đa để đưa vắc xin từ cửa kho vào đến thùng xe là 10 giây. Do đó các thao tác phải cực kỳ nhanh và chuẩn xác.
“Chúng tôi đã quá quen với tốc độ này, chưa từng sai sót nhưng vẫn khá hồi hộp với lô vắc xin cả nước đang trông chờ”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Kho lạnh chứa vắc xin AstraZeneca được VNVC, có nhiệt độ duy trì từ 2 đến 8 độ C, nhờ dàn lạnh chuyên dụng chạy suốt ngày đêm. Đây là hệ thống được xây mới hoàn toàn, biệt lập dành riêng để chứa vắc xin COVID-19 nhập khẩu.
Theo kế hoạch viêm vắc xin COVID-19 giai đoạn 2021-2022 được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày 6.3, 13 tỉnh thành có dịch là Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên, Hà Giang sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin trước, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, ổn định kinh tế, đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường sau hơn 1 tháng căng mình chống dịch.
Ở các địa phương nêu trên, 117.600 liều vắc xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca được tiêm cho tuyến đầu chống dịch, gồm nhân viên y tế đang điều trị ca nhiễm COVID-19; thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ; tổ COVID-19 cộng đồng; tình nguyện viên; phóng viên; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; quân đội; công an.
Theo kế hoạch, buổi tiêm đầu tiên ở Hà Nội sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Buổi tiêm có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đoàn kiểm tra công tác tiêm vắc xin COVID-19.
Những người được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Nội Tổng hợp, Virus Ký sinh trùng, Khám bệnh Kim Chung, Nhi, Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Viêm gan, Dược, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh và Sinh học phân tử, Huyết học Truyền máu, Gây mê...
Để triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng, chống dịch với đầy đủ phương tiện, kỹ thuật theo dõi cần thiết.
Tất cả nhân viên y tế đều được thông báo và khám sàng lọc trước tiêm. Những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ không được đến buổi tiêm.
Sau khi tiêm, những người này sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi trong vòng 30 phút và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 24 giờ tiếp theo tại nhà.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có Phòng Tiêm chủng phục vụ các loại vắc xin cập nhật mới nhất. Phòng Tiêm chủng này có hệ thống kho lạnh đảm bảo an toàn cho tất cả loại vắc xin đòi hỏi tiêu chuẩn âm sâu từ 70 đến 80 độ C.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là hai đơn vị đầu tiên tiêm vắc xin. Theo thống kế của Bộ Y tế, trong đợt 1, số lượng nhân viên y tế được tiêm lần lượt là 900 và 450.