Hơn 30 năm thực thi công lý, đã tuyên án tù với hàng trăm bị cáo nhưng có lẽ phiên tòa xét xử V. Đ. H (quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản” ở xã An Hải, huyện Ninh Phước vào ngày 12.8.2008 là nặng nề nhất đối với thẩm phán Trương Thành Quang - Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Ninh Thuận.
Phút chạnh lòng của thẩm phán
Để có tiền trả nợ cờ bạc, H. đã nhẫn tâm sát hại ông bà ngoại thứ - những người nhiều năm cưu mang Hiếu - rồi cướp tài sản. Trong vụ án này, người giúp việc may mắn thoát chết nhưng cũng bị trọng thương.
Tại phiên tòa, rất nhiều lần H. ngước mặt nhìn trần nhà hoặc đờ đẫn như người mất hồn khiến thẩm phán Quang phải nhắc nhở bị cáo giữ bình tĩnh để khai nhận tội. “Với tư cách là chủ tọa phiên tòa, nhân danh công lý khi tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình V.Đ.H, tôi còn kịp nhìn thấy bà ngoại của bị cáo từ hàng ghế dự khán bên dưới nấc lên rồi gục mặt xuống, lấy khăn lau nước mắt. Quả là chua xót!” - ông Quang kể.
Gần 8 năm qua nhưng hình ảnh V.Đ.H đổ sụp xuống dưới chân vành móng ngựa khi nghe tuyên án tử vẫn làm ông nặng lòng. “Nếu có thể, hội đồng xét xử sẽ cho H. con đường sống, làm lại cuộc đời bởi bị cáo còn quá trẻ, chỉ mới ngoài đôi mươi. Thế nhưng, dù đã xem xét, cố gắng hết mức, chúng tôi cũng đành bất lực” - ông Quang bộc bạch.
|
Mẹ của tử tù Trương Quế Lâm ứa nước mắt khi kể về đứa con lầm lỗi. |
Thẩm phán Trương Thành Quang tâm sự nếu như khi tuyên án tử hình V.Đ.H, ông thấy day dứt vì tuổi đời bị cáo còn quá trẻ thì trong vụ án P.V.L cùng lúc bị truy tố 3 tội danh: “Giết người”, “Cướp”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông không khỏi xót xa trước ánh mắt trong veo của 4 đứa trẻ.
Do đam mê cờ bạc, L. đã sát hại tài xế xe ôm rồi cướp xe đem bán. Ngày L. ra trước vành móng ngựa, 4 đứa con của L. líu ríu theo ông bà nội ngoại đến tòa thăm cha. Nhìn những mái đầu xanh chít khăn tang cho mẹ (vợ L. khi ấy vừa mất vì bạo bệnh - PV), cả HĐXX không cầm được lòng. Những đứa trẻ ấy còn quá non nớt để có thể hiểu được tội ác tày trời mà người cha gây ra.
Cùng ngồi ghế đồng thẩm phán trong vụ án này, ông Quang đã vạch trần tội ác của P.V.L với những bằng chứng không thể chối cãi. Vậy mà trong giờ nghị án, câu hỏi “Rồi đây những đứa con của L. sẽ sống ra sao khi không còn cha mẹ?” như vết cứa vào tâm can của quan tòa.
“Người chết thì yên phận. Nhưng đằng sau bản án tử ấy còn đó những số phận đáng thương. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa trẻ chịu cảnh mồ côi... Đau lắm chứ!” - giọng ông Quang chùng xuống.
Con dại, cái mang
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày tòa phúc thẩm tuyên án tử hình, ngôi nhà của bị cáo Trương Quế Lâm (SN 1979) ở xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hoang vắng, lạnh lẽo. Vợ của Lâm đã đi xa làm thuê kiếm tiền lo cho đứa con nhỏ và mẹ chồng già yếu. Đứa con lớn mới 15 tuổi không có tiền đi học phải bỏ nhà, theo người quen lên Đà Lạt kiếm sống...
Nhớ lại vụ án xác chết không đầu vào năm 2012, trưởng thôn Huỳnh Hữu Phụng thở dài kể lại: Hồi đó, cháu Lê Thị T.N (SN 1996) đi mò cua bắt ốc rồi mất tích, cả làng huy động người đi kiếm suốt đêm. Gần 1 tháng sau, người dân phát hiện 1 thi thể không có đầu, kết quả giám định chính xác là cháu T.N. Sau khi thắt cổ tự tử bất thành, Trương Quế Lâm đã khai nhận hành vi cưỡng bức rồi giết cháu T. của mình. Điều đáng buồn là gia đình 2 bên ở cùng một thôn, ra đường là giáp mặt nhau.
Giờ đây, trong căn nhà trống vắng bóng người, bà Trương Thị C. (74 tuổi, mẹ Lâm) ngồi trước hiên ngóng cháu nội đi học về. Đôi mắt bà đỏ hoe, nước mắt tràn ra trên khuôn mặt nhăn nheo khi kể về con - niềm vui, nguồn động lực sống của bà suốt mấy chục năm qua.
Nỗi buồn cũng thấm vào 2 con của Trương Quế Lâm là cháu Trương L.T (SN 2000) và Trương T.P (SN 2004). Từ ngày ba bị bắt năm 2012, hai cháu trở nên lầm lì ít nói. Ai nhắc đến ba là L.T và T.P đều nói ba chết lâu rồi.
“Vợ thằng Lâm cũng nhục nhã, ê chề, định uống thuốc tự tử nhưng thương con nên vẫn phải sống. Ba má nó nhiều lần nói dẫn 2 đứa con về quê ở Phú Yên mà sống. Nhưng nghe thằng P. nói má đi thì đem cả nội đi kẻo tội nội, nó cũng không đành lòng mà đi nên quay lại ở với tôi...” - bà C. nghẹn ngào.
Ông Huỳnh Hữu Phụng cho biết sau khi Trương Quế Lâm bị bắt, kinh tế gia đình trở nên sa sút, bà C. đã già, không nghề nghiệp. Có lần bà C. đi lượm ve chai, nhặt phân bò bị ngã rạn xương cũng không dám đi viện. Hàng xóm phải chở bà đi bó bột. Vợ Lâm một mình làm thuê gồng gánh nuôi 2 con nhỏ và mẹ chồng không nổi nên xã đã xếp gia đình bà C. vào hộ nghèo để tạo điều kiện giúp đỡ gia đình.
“Hành vi của Lâm quá tàn ác với cháu N. khi đó chưa đủ tuổi vị thành niên khiến dư luận xã hội hết sức căm phẫn. VKSND đề nghị án tử. Tuy vậy, tước đi mạng sống của một con người còn vợ con, mẹ già là điều hết sức đắn đo. Tôi nhiều đêm thức trắng để đọc từng trang bút lục, xem xét từng chi tiết vụ án” - thẩm phán Lê Thành Trung, TAND tỉnh Khánh Hòa, chủ tọa các phiên xét xử sơ thẩm, kể lại.
Đến tháng 1.-2014, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án sơ thẩm tử hình đối với Trương Quế Lâm. Lâm kháng cáo nhưng rồi Tòa án Cấp cao tại TP Đà Nẵng vẫn xử y án tử hình. Trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 18.9.2015, mẹ của Lâm ngồi một mình tít hàng ghế phía sau. Khi tòa tuyên án, bà len lén vén tà áo quệt nước mắt.
Theo Người lao động