Chuyến thăm Thụy Sỹ lần này của Chủ tịch nước sẽ là dấu mốc quan trọng, vừa nhìn lại kết quả hợp tác thời gian qua, vừa mở ra cánh cửa hợp tác rộng mở hơn giữa hai nước.

Niềm tin về tương lai tươi sáng hơn nữa trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ

P.V | 25/11/2021, 19:51

Chuyến thăm Thụy Sỹ lần này của Chủ tịch nước sẽ là dấu mốc quan trọng, vừa nhìn lại kết quả hợp tác thời gian qua, vừa mở ra cánh cửa hợp tác rộng mở hơn giữa hai nước.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ từ ngày 25-29.11.

Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021), là minh chứng sống động thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa hai đất nước, mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai. 

Trong số các nước Tây Âu, Thụy Sỹ là một trong số ít nước duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam từ 3 thập kỷ qua với tổng tài trợ lên tới 600 triệu USD, góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, phát triển bền vững. Mới đây nhất, tháng 3.2021, Thụy Sỹ  đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sỹ - Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với số vốn ODA là 70 triệu franc Thụy Sĩ để thúc đẩy phát triển các điều kiện khung về kinh tế theo định hướng thị trường và đáng tin cậy và tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân. 

Những năm qua, hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ trên mọi lĩnh vực đều khả quan. Tính đến giữa năm 2021, Thụy Sỹ có gần 180 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn gần 2 tỉ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Kim ngạch thương mại hai nước khoảng 1 tỉ USD.

Riêng năm 2019 đạt kỷ lục 3,6 tỉ USD. Tuy nhiên, hợp tác du lịch, văn hóa hai nước còn hạn chế. Năm 2019, Việt Nam đón gần 37.000 lượt khách Thụy Sỹ. Tuy nhiên, hai năm qua, hoạt động du lịch đình trệ do đại dịch COVID-19. 

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sỹ. Với khoảng 12.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Thụy Sỹ, đây là cầu nối quan trọng để thúc đẩy hợp tác hai nước trong mọi lĩnh vực.

Trên nền tảng các kết quả hợp tác những năm qua, chuyến thăm Thụy Sỹ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn mở ra những cơ hội hợp tác mới, mang tầm chiến lược và hiệu quả hơn. Trong đó, đây là dịp để hai nước thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, và Liechtenstein. Hiệp định được kỳ vọng mở ra những cơ hội hợp tác to lớn về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chuyến thăm cũng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác hai nước nói chung, doanh nghiệp hai nước nói riêng về vắc xin, thuốc điều trị COVID-19; các biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước để nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Với nhiều tổ chức quốc tế đa phương lớn là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đặt trụ sở chính tại Thụy Sỹ, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn là dịp để thúc đẩy hợp tác với các tổ chức này, nhất là trong vấn đề toàn cầu cùng quan tâm hiện nay là hỗ trợ vắc xin và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. 

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan cho biết, các bạn Thụy Sỹ thường so sánh, nếu coi quan hệ hai nước là một “cuộc hôn nhân’ thì năm 2021 là năm kỷ niệm Vàng. Trên nền tảng đó, hai nước hoàn toàn có niềm tin trong tương lai, sẽ kỷ niệm Bạch kim vào dịp 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Bài liên quan
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm tin về tương lai tươi sáng hơn nữa trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ