Xưa, để tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, kịp thời phát hiện những sai phạm của đội ngũ ăn lộc nước, nhiều triều đại đã lập nên những cơ quan với chức năng kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền để nâng cao năng lực hoạt động, cũng như ngăn ngừa những hành vi khuất tất. Trong đó, Ngự sử đài là một cơ quan điển hình. Ở đây, đơn cử như thời Lê sơ.

Những quan chức không sợ quyền thế, không im lặng trước cái sai

24/11/2016, 07:43

Xưa, để tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, kịp thời phát hiện những sai phạm của đội ngũ ăn lộc nước, nhiều triều đại đã lập nên những cơ quan với chức năng kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền để nâng cao năng lực hoạt động, cũng như ngăn ngừa những hành vi khuất tất. Trong đó, Ngự sử đài là một cơ quan điển hình. Ở đây, đơn cử như thời Lê sơ.

Ngự sử đài, còn gọi là ty Phong hiến, được thành lập ngay từ buổi đầu thời Lê sơ. Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét vai trò của cơ quan này là “Ngự sử đài giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng”. Nhiệm vụ chính của Ngự sử đài, như lời Lê Quý Đôn ghi trong Kiến văn tiểu lục, là trình bày, đàn hặc những việc sai trái, nào là thi hành pháp luật khắc nghiệt; nào là thuế khóa nặng nề; nào là thưởng phạt không công minh của vua; nào là những sai phạm làm hại dân của quan viên. Điểm này, có thể thấy thực tế qua lời vua Lê Thánh Tông năm Kỷ Dậu (1489), được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “chức trách của ty Phong hiến là xét hặc, trước nay đã quy định là phải chia tách để trông coi thì rường mối mới hoàn chỉnh và thành nền nếp. Kể từ nay, các ngươi: những nha môn trong kinh mà cáo giác nhân viên nào tham tang, phạm pháp và hết thảy việc công lợi hại thì do phần ty đó xét hỏi thi hành; nếu là ba ty bên ngoài trị lý dân chúng, khi phát hiện quan lại tham ô, hoặc có đơn khống tố về kiện tụng oan ức, cùng tất cả việc riêng tư xảy ra trong phủ, huyện, châu thì do phân ty các đạo xét xử thi hành”.
Để nói về vai trò của ty Phong hiến, cứ xét lời Đô ngự sử Bùi Xương Trạch, người trực tiếp trong tổ chức này, hẳn rõ hơn cả: “Đài này là nơi rường mối của nước, tai mắt mọi người ở đó. Phải vô tư mới bắt bẻ người được, phải giữ mình đúng đắn mới chấp hành hiến pháp”. Ngoài Ngự sử đài ở Trung ương, thời Lê sơ đặt thêm chức Giám sát Ngự sử ở 13 đạo với chức vụ được Lịch triều hiến chương loại chí cho hay là “xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại lên quan bản đài xét xử, và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời”. Nhờ việc sắp đặt này, tạo thành một bộ máy có hệ thống hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, giúp cho Ngự sử đài hoạt động hiệu quả hơn.
Hoạt động của các ngôn quan trong Ngự sử đài, được sự bảo vệ của pháp luật và vua Lê. Tỉ như năm Mậu Thìn (1448), Toàn thư cho biết, Giám sát ngũ hình Trình Duy Nhất để án kiện đọng nhiều bị ngôn quan hặc tội nhưng lại chống chế, biện bạch và kể tội ngôn quan, cho là họ bới móc cái xấu của người khác mà không biết sửa mình. Khi phân xử, vua Lê Nhân Tông phạt đánh 80 trượng, biếm chức 2 tư đối với Duy Nhất. Do nắm giữ vị trí được xem là khó khăn, can gián cả vua, đàn hặc quan lại nên trong việc đặt người vào chức ngôn quan có sự chọn lọc kỹ càng với tiêu chuẩn cao. Chính một ngôn quan thời Lê sơ là Ngự sử trung thừa Phạm Du năm Bính Tý (1456) đã tỏ lòng, Toàn thư còn ghi lại: “Bọn thần lạm dự chức ngôn quan, không thể né sợ người quyền thế, cũng không thể im lặng không nói, làm đúng như lời dụ của bệ hạ”. Đó là nhiệm vụ nói thẳng, nói thật, không sợ quyền thế, không sợ trách phạt, không sợ ngược ý bề trên và không bị danh lợi mua chuộc. Việt sử cương mục tiết yếu ngợi khen ngôn quan Phan Thiên Tước “gặp việc dám nói, đến vua cũng nể sợ”.
Trong thực tế, Ngự sử đài thời Lê sơ đã phát huy tốt vai trò, chức trách của mình, nhiều vụ sai phạm được các ngôn quan của Ngự sử đài phát hiện, tâu bày thẳng thắn để nhà nước phân xử, cũng như nhiều ngôn quan đã có lời nói thẳng khuyên can việc làm, chính sách bất hợp lý của vua Lê. Thậm chí có trường hợp sẵn sàng từ chức như việc tháng 6 năm Giáp Dần (1434), Ngự sử phó trung thừa Nguyễn Thiên Hựu xin từ chức vì nói trái ý vua Lê Thái Tông, Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích vì lời tâu không được vua nghe theo đã xin nghỉ.
Qua nghiên cứu công cuộc chống nạn sâu dân, mọt nước nhà Lê sơ (1428-1527) , ta thấy khi thực thi nhiệm vụ, các ngôn quan phải đụng chạm tới những người có chức quyền cao hơn mình, nhưng không nhân nhượng, lùi bước. Điểm này có thể thấy qua một số vụ như năm Giáp Dần (1434), ngôn quan Phan Thiên Tước dâng sớ hặc tội Tiền quân tổng quản Lê Thụ vì đang có quốc tang vua Lê Thái Tổ mất mà vẫn lấy vợ, làm nhà, cho người mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Sau khi phân xử, Việt sử cương mục tiết yếu cho biết, Lê Thụ bị tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc mua bán vụng trộm, còn người vợ lẽ mới cưới thì phải rút khỏi hộ tịch nhà Lê Thụ. Hoặc từ lời hặc tội của Thị ngự sử Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích năm Đinh Tỵ (1437) về sự chuyên quyền, lấn át cả vua Lê Thái Tông của Đại tư đồ Lê Sát mà sau đó Lê Sát bị xét xử và khép vào tội chết cho thấy tiếng nói của ngôn quan có trọng lượng lớn đối với triều đình. Thậm chí Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật vì lòng trung khi không thay đổi di chiếu dù mẹ nuôi Lê Tuấn (sau này là Lê Uy Mục) đút lót để mong Lê Tuấn được làm vua, sau bị hại nhưng vẫn là một tấm gương trung tín truyền cho đời sau.
Trần Đình Ba

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những quan chức không sợ quyền thế, không im lặng trước cái sai