Sau năm 1975, tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến thời kỳ Đổi mới năm 1986, nhận thấy thực trạng “tỉnh dài, huyện rộng, xã to” không còn phù hợp, địa phương đã có ý kiến đề nghị chia tách trở lại nhưng Trung ương chưa đồng ý.

Những ngày xưa thân ái... khi Đà Nẵng và Quảng Nam tách tỉnh

25/03/2017, 07:20

Sau năm 1975, tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến thời kỳ Đổi mới năm 1986, nhận thấy thực trạng “tỉnh dài, huyện rộng, xã to” không còn phù hợp, địa phương đã có ý kiến đề nghị chia tách trở lại nhưng Trung ương chưa đồng ý.

Ông Nguyễn Hạnh Kiểm báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công an, do Thượng tướng Lê Minh Hương - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đến thăm và làm việc tại Quảng Nam năm 1998.

Mãi tới đầu tháng 10.1996, Bộ Chính trị mới có ý kiến cho Quảng Nam - Đà Nẵng tách ra thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Chính trị chỉ đồng ý về chủ trương chung còn chia tách cụ thể như thế nào phải do địa phương bàn bạc, có phương án báo cáo Trung ương xem xét quyết định. Nếu kịp sẽ trình Quốc hội khóa IX thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tổ chức vào đầu tháng 11.1996. Trường hợp chưa đạt được sự thống nhất cao của địa phương và các cơ quan chức năng của Trung ương thì việc chia tách sẽ để lại giải quyết sau.

Cái gì tốt thì dành cho Quảng Nam nhưng lại có nhiều chuyện như đùa
Ngay khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Trung ương về chủ trương chia tách tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã tích cực tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng phương án triển khai thực hiện. Mọi việc đều khẩn trương, nhiều vấn đề bàn luận rất sôi nổi, quyết liệt vì thời gian quá gấp. Khó khăn, phức tạp nhất là địa giới phân định như thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng, “nói chia thì phải chia cho đều, không thể để một bên nạc, một bên xương, còn nếu tách thì phải tách ra từ vết cũ khi nhập Quảng Nam - Quảng Đà”. Phần Đà Nẵng nếu mở rộng ra nhiều vùng trung du miền núi, hoặc chỉ lấy riêng thành phố trực thuộc tỉnh với 28 phường thì cũng không đủ điều kiện để xây dựng - phát triển thành một đô thị lớn làm động lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Về kinh tế, truyền thống văn hóa chia tách ra làm sao cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Những việc như chọn nhạc hiệu cho Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, vị trí tỉnh lỵ Quảng Nam sau khi chia tách đặt tại đâu, nhập huyện Hòa Vang vào Đà Nẵng phải phân định ranh giới, đặt tên cho các quận huyện là gì. Và nhiều việc cụ thể khác cũng được bàn luận rất hăng say, tâm huyết. Cá biệt cũng có các ý kiến tranh cãi quyết liệt nhưng thành phần chỉ giới hạn trong nội bộ lãnh đạo nên quá trình bàn bạc thảo luận sôi nổi cho đến khi chủ tọa kết luận thì tất cả đều thông suốt, nhất trí cao. Sở dĩ có được sự thông suốt, nhất trí cao là vì cái chung của một Quảng Nam - Đà Nẵng hiện tại và vì một tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương sẽ phát triển trong tương lai.

Sau khi có kết luận của Tỉnh ủy, khoảng giữa tháng 10.1996, thường trực Ủy ban tỉnh trình ra kỳ họp HĐND. Và đến ngày 6.11 khi có nghị quyết của Quốc hội về việc chia, điều chỉnh địa giới một số tỉnh trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng thì tình hình phức tạp trở lại. Cũng chung quanh những nội dung cũ như ranh giới, kinh tế, văn hóa xã hội… nhưng nóng nhất lúc bấy giờ lại là vấn đề cán bộ và điều kiện, phương tiện làm việc cho Quảng Nam. Về quan điểm, tất cả đều nhất trí “cái gì tốt dành cho Quảng Nam” nhưng đi vào cụ thể thì không đơn giản, nhiều việc có thật nhưng bây giờ nhớ lại tưởng như đùa. Ví dụ có nơi không phân chia được phải tổ chức bốc thăm cho từng chiếc ô tô, từng bộ bàn vi tính… Không chia được không phải vì tính toán hơn thua mà bên nào cũng ngại mang tiếng “giành nhận hết phần tốt về mình”. Ngay đến cán bộ cũng vậy, có trường hợp bốc trúng thăm rồi vẫn tiếp tục trình bày hoàn cảnh xin đổi trở lại v.v. và v.v.

“Như chưa hề có cuộc chia ly”
Lúc đó tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công an Quảng Nam - Đà Nẵng. Với chức trách của mình tôi có rất nhiều việc cần phải giải quyết. Phần chung của tỉnh có việc không liên quan gì đến nhiệm vụ của công an nhưng xét thấy có tính “phức tạp” thì được thường trực giao cho giám đốc chỉ đạo giải quyết. Trách nhiệm riêng của ngành phải giữ vững an ninh - trật tự và chỉ trong vòng 2 tháng lo sắp xếp tổ chức bộ máy hơn 60 phòng ban của 2 đơn vị; lo nơi ăn ở và làm việc cho hơn 300 cho cán bộ đi Quảng Nam, giải quyết tư tưởng cho người ra đi, vợ con và gia đình ở lại. Riêng việc chỉ đạo khắc đủ con dấu cho các đơn vị địa phương vừa hình thành sau chia tách cũng rất khẩn trương mới kịp. Công việc bề bộn, nhiều ý kiến trái chiều tưởng chừng không xử lý nổi, thế nhưng khi đã có quyết định chính thức của tổ chức thì ai cũng phục tùng, tất cả mọi việc đâu cũng vào đấy.

Đúng thời gian quy định của Trung ương, bắt đầu từ ngày 1.1.1997, hai địa phương - tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương - đã hoạt động độc lập. Lúc đầu các cơ quan của tỉnh Quảng Nam vẫn làm việc tạm tại Đà Nẵng, Công an tỉnh làm việc và đón giao thừa tại số 20 Lê Lợi. Tôi đã đề nghị sử dụng địa điểm số 5 Yên Bái làm nhà khách và “văn phòng đại diện” nhằm tạo điều kiện cho anh em và khách của Công an Quảng Nam đi về công tác có chỗ dừng chân. Đến ngày 21.2.1997, các cơ quan đơn vị của Quảng Nam (trong đó có công an) chính thức rời Đà Nẵng đi vào làm việc tại Tam Kỳ - tỉnh lỵ Quảng Nam.

Về với Quảng Nam gặp ngày trời nắng ráo, các cơ quan đơn vị được tổ chức đưa - đón nồng nhiệt, tình cảm chân thành như “chưa hề có cuộc chia ly”. Thế nhưng tâm trạng của anh em ra đi vui - buồn lẫn lộn. Vui vì Đà Nẵng với Quảng Nam có điều kiện cùng phát triển vươn lên; buồn vì anh em công an đi Quảng Nam nhiệm vụ khó khăn phức tạp nhưng trần cấp bậc hàm thấp hơn so với một số nơi khác. Có nhiều nỗi lo: tiền lương, phụ cấp không tăng mà phải phân chia làm “2 bếp”, cha mẹ già, con nhỏ ở nhà ai chăm sóc, có được ăn học bằng anh bằng chị hay không. Và buồn vì: “Vì sao nó lại thế này mà không phải là thế kia”…


Thương nhau ngày khó
Trong quá trình chuẩn bị, nhiều ý kiến đề nghị lấy trụ sở Công an thị xã Tam Kỳ cho Công an tỉnh làm việc tạm nhưng tôi không đồng ý, và chỉ đạo anh em trên tinh thần: dù có khó khăn đến đâu các đơn vị phòng ban thuộc Giám đốc Công an tỉnh cũng phải tự khắc phục, không được điều động, không làm gì xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công an các địa phương. Kể cả Hòa Vang và Đà Nẵng lúc đó cũng vậy, phải đảm bảo nguyên trạng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động tốt hơn. Nhờ ổn định được tổ chức và tư tưởng, anh em cán bộ chiến sĩ công an các huyện thị mới yên tâm - phấn khởi, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở. Các phòng ban của tỉnh ban đầu tuy có khó khăn nhưng đã từng bước vượt qua, làm tốt chức năng tham mưu giúp Giám đốc chỉ đạo toàn diện các mặt công tác xây dựng lực lượng và phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Một số đơn vị như phòng PA25 đã phối hợp với Công an Đại Lộc - Duy Xuyên… điều tra khám phá vụ án mua bán trái phép cổ vật, thu được tượng thần Siva bằng vàng ròng quý hiếm, đưa ra trưng bày, báo công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi chia tách tỉnh, nhiều đại biểu cũng là lần đầu mục kích tượng thần Siva, cổ vật quý hiếm ở Quảng Nam.

Khi mới vào, do chưa bố trí được địa điểm nên chúng tôi phải sử dụng phần đất trống xung quanh khuôn viên Trại tạm giam thuộc Công an thị xã Tam Kỳ để xây dựng một số dãy nhà cấp 4 làm chỗ ở - làm việc tạm thời. Lúc đó nơi đây chưa có tên đường, ai muốn đến cơ quan Công an tỉnh phải hỏi lối vào Trại tạm giam. Gần 30 đơn vị thuộc lực lượng An ninh - Cảnh sát - Xây dựng lực lượng - Hậu Cần sống và làm việc chung với nhau. Phần tôi ở một dãy với các đơn vị phòng ban trực thuộc. Là Giám đốc nên được bố trí riêng một phòng khoảng 20m2, phía trước để làm việc, ở giữa kê một chiếc tủ làm bằng ván ép mang từ Đà Nẵng vào đựng tài liệu, tư trang kết hợp làm vách ngăn cho giường ngủ phía sau, bếp ăn và nhà vệ sinh chung. Kể ra lúc đó như vậy cũng tạm được. Một số anh em tình nghĩa ở quanh khu vực thị xã và tận ngoài Đà Nẵng nghe tin chúng tôi vào Quảng Nam rất khó khăn, thỉnh thoảng rủ nhau mua ít thực phẩm tươi ngon mang vào thăm, gặp nhau rất mừng và cảm thấy thương thương cho cảnh chúng tôi đang phải ở chen chúc nhau trong khu nhà tạm. Thời gian này bão lũ liên miên, phải mất hơn 2 năm mới xây dựng xong trụ sở, tôi và đơn vị rời khỏi khu vực Trại tạm giam về ở nhà công vụ và làm việc tại cơ quan Công an tỉnh trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Hưng Đạo - Tam Kỳ như ngày nay.

*

* *


Năm 2002, khi Quảng Nam tạm thời ổn định, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh được Ban Bí thư quyết định điều động tăng cường cho các bộ ngành Trung ương. Tôi được bầu bổ sung và phân công làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho đến hết nhiệm kỳ thì nghỉ hưu. Từ một tỉnh nghèo với muôn vàn khó khăn của hai mươi năm trước, đến nay Quảng Nam vươn lên đuổi kịp và vượt một số địa phương về nhiều mặt. Riêng Công an Quảng Nam từ chỗ thiếu quân số, trần bậc hàm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thấp hơn nơi khác, nay đã trưởng thành, có được những sĩ quan cấp tướng, lực lượng xây dựng vững mạnh đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ, giữ vững an ninh - trật tự để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Thời gian trôi qua mọi thứ đi vào dĩ vãng, nhưng những giá trị văn hóa tốt đẹp cùng truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Quảng Nam ngày càng sáng rõ lên.
Nguyễn Hạnh Kiểm (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy)

*bài viết trên báo Quảng Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công điện của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27.11.2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ngày xưa thân ái... khi Đà Nẵng và Quảng Nam tách tỉnh