Từ tháng 4.2019 đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía Trung Quốc. Tuy nhiên quá trình làm việc của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt với tổng thầu chưa đạt được kết quả.

Những hạng mục dang dở khiến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể vận hành

28/09/2019, 15:04

Từ tháng 4.2019 đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía Trung Quốc. Tuy nhiên quá trình làm việc của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt với tổng thầu chưa đạt được kết quả.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ rất nhiều so với kế hoạch ban đầu - Ảnh: Internet

Bộ GTVT vừa thông tin về tình hình thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10.2008 với tổng mức đầu tư 8.769 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD).

Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với trị giá là 669,6 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,4 triệu USD. Từ năm 2008 đến tháng 8.2014, Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (Cục ĐSVN) làm chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN là đại diện chủ đầu tư.

Thực hiện tái cơ cấu các Ban Quản lý dự án, tháng 8.2014, Bộ GTVT đã chuyển chủ đầu tư dự án từ Cục ĐSVN về Bộ GTVT và giao cho Ban QLDA đường sắt thuộc Bộ làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), trong đó Tổng thầu là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thỏa thuận hợp đồng được Cục Đường sắt Việt Nam ký với tổng thầu vào tháng 2.2009, các điều khoản hợp đồng được các bên hoàn tất và ký vào tháng 5.2010. Dự án chính thức được khởi công vào tháng 10.2011 và tiến độ dự kiến hoàn thành trong 48 tháng kể từ ngày chủ đầu tư bàn giao mặt bằng sạch cho tổng thầu.

Đến nay, dự án đã xong phần xây dựng hạ tầng, gồm: 13,05km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể depot và cảnh quan cây xanh; đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống và đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.

Đang hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì, hệ thống quy trình quản lý an toàn vận hành; đánh giá an toàn hệ thống cơ bản hoàn thành cho phần xây dựng, đang tiếp tục đánh giá các hạng mục còn lại.

Dự án cũng đã hoàn thành đào tạo lý thuyết và phần thực hành các chuyên ngành vận hành, đang hướng dẫn duy tu bảo dưỡng cho từng loại thiết bị cụ thể tại hiện trường.

Thành phố Hà Nội đã thành lập công ty tiếp nhận, vận hành sau bàn giao và đã có kế hoạch điều chỉnh các tuyến xe buýt khi tiến hành khai thác thương mại để thuận tiện kết nối; Bộ GTVT và thành phố Hà Nội đã thống nhất nguyên tắc bàn giao, vận hành ngay khi đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, khi thực hiện có nhiều yếu tố tác động như giải phóng mặt bằng (động thổ từ năm 2010 và đến cuối tháng 4.2015 mới có mặt bằng sạch), công địa khảo sát để thiết kế, quy trình thủ tục có sự khác biệt (giữa Việt Nam và Trung Quốc) nên thời gian thực hiện dự án đã bị kéo dài.

Trên cơ sở cam kết của tổng thầu, Bộ GTVT đã báo cáo và được sự đồng ý của Chính phủ, dự án điều chỉnh hoàn thành trong quý 4/2018 và vận hành chạy thử từ 3 - 6 tháng đến hết tháng 3.2019.

Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại chính chưa được hoàn thiện, gồm: Chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu; các thiết bị đã lắp đặt tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ.... để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.

Cùng với đó, chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé...) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành; chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng…

Từ tháng 4.2019 đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía Trung Quốc. Tuy nhiên quá trình làm việc của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt với tổng thầu chưa đạt được kết quả, đặc biệt là công tác tập hợp hồ sơ của tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu.

“Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi, Bộ đang yêu cầu tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất”, Bộ GTVT nêu.

Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước khi tiến hành kiểm toán dự án từ tháng 9.2018 đến tháng 11.2018, Bộ GTVT cho biết tính chất của dự án và các điều kiện khách quan như quy định của Việt Nam về hợp đồng trọn gói EPC khác biệt với thông lệ quốc tế; sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến không thể thực hiện hoàn thành công tác khảo sát thiết kế, lập tổng dự toán để làm cơ sở xác định giá trị trọn gói ngay từ đầu.

Vì vậy, từ khi khởi công dự án đến cuối năm 2015, chủ đầu tư phải thực hiện hình thức duyệt, tạm duyệt dự toán để có cơ sở cho việc thực hiện một số hạng mục xây lắp và để tạm thanh toán giá trị khối lượng cho tổng thầu để thúc đẩy tiến độ dự án trong giai đoạn này.

Bộ GTVT cũng cho biết đã có báo cáo giải trình với Kiểm toán Nhà nước và sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận được nêu ra, đồng thời sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền.

Bộ GTVT cũng cho biết đã và đang rà soát, xác định trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến những nội dung theo kiến nghị kiểm toán và tiếp tục thực hiện công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những hạng mục dang dở khiến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể vận hành