Với kinh phí 150 triệu USD (tương đương 3.150 tỉ đồng), "The Great Wall" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là bộ phim đắt đỏ nhất từ trước đến nay về Vạn Lý Trường Thành.
Trương Nghệ Mưu được xem là một trong những đạo diễn tài giỏi nhất trên thế giới. Xuyên suốt sự nghiệp kéo dài gần 4 thập kỉ, ông đã cống hiến cho ngành nghệ thuật thứ 7 của châu Á nói riêng và thế giới nói chung hàng loạt bộ phim để đời.
Ngay từ tác phẩm đầu tay, Cao Lương Đỏ (1987), Trương Nghệ Mưu đã tạo được tiếng vang lớn. Ông từng được 3 lần đề cử giải Oscar và 5 đề cử giải Quả Cầu Vàng. Thành công nối tiếp thành công với Cúc Đậu, Đèn Lồng Đỏ Treo Cao, Anh Hùng, Thập Diện Mai Phục và Hoàng Kim Giáp.
Với bất cứ đề tài nào, bàn tay kì diệu của người nghệ sĩ họ Trương đều biến chúng trở nên chân thực, sống động, đầy cảm xúc và giàu tính nghệ thuật trên màn ảnh. Những thước phim mộc mạc, dung dị của Thu Cúc đi kiện hay Đường về nhà đã chạm tới trái tim khán giả. Những cảnh quay hành động mãn nhãn, ước lệ trong Anh hùng hay Thập diện mai phục khẳng định rằng ông không chỉ giỏi khai thác tâm lý nhân vật mà còn biết cách mĩ hóa chúng, từ hình ảnh cho đến tinh thần tác phẩm.
Tử chiến trường thành là tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu. Đây là bom tấn có kinh phí cao nhất trong lịch sử về kì quan thế giới Vạn Lý Trường Thành. Đồng thời đây còn là tác phẩm châu Á có quy mô lớn nhất từ trước đến nay từng được sản xuất. Với tư cách là đạo diễn, Trương Nghệ Mưu hào hứng cho biết: "Đây là một bộ phim kể về lịch sử của Vạn Lý Trường Thành, được quay hoàn toàn tại châu Á. Điều khiến tôi cảm thấy hào hứng với bộ phim này nhất chính là việc nó mang đậm màu sắc văn hoá Á Châu. Dù trong phim có sự xuất hiện của những quái thú vô cùng khát máu, nhưng trên tất cả, người xem vẫn sẽ được thưởng thức một câu chuyện thú vị, giúp mang lại cho họ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau".
Mặc dù là đạo diễn quốc tế tiếp xúc nhiều với nền văn hóa Hollywood nhưng Trương Nghệ Mưu luôn giữ được bản sắc riêng trong các tác phẩm của mình. Những dấu ấn ấy tiếp tục được thể hiện rõ trong Tử chiến trường thành. Những phân đoạn trống dồn dập gợi nhớ đến hình ảnh lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh mà ông từng đạo diễn vào năm 2008. Bên cạnh đó, rừng tên và tạo hình ấn tượng của cánh quân Hạc Phi cùng các nữ chiến binh nhảy từ trên cao lại có nét giống với kinh kịch Trung Quốc. Ông tiếp tục mang đến những thước phim mang đậ tính thẩm mĩ, phối trộn màu sắc một cách sống động.
Từng chi tiết nhỏ trong phim đã được Trương Nghệ Mưu dành nhiều thời gian nghiên cứu để có kết quả hoàn hảo nhất. Thậm chí, ông còn gửi đến nhà thiết kế sản xuất của bộ phim John Myhre hai chiếc thùng lớn chứa đầy những cuốn sách và tranh ảnh về thời kì 1.100 năm sau Công Nguyên (bối cảnh trong phim) để John có thể hiểu thêm về bối cảnh thời gian cũng như khắc hoạ một cách chân thực và ấn tượng về Vạn Lý Trường Thành trên màn ảnh rộng.
Đoàn làm phim nhận thấy rằng không còn bất cứ đoạn tường nào của bức Trường Thành còn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu. Vì vậy họ đã đi tới rất nhiều đoạn khác nhau của Trường Thành và chụp lại những chi tiết nhỏ nhất còn sót lại. Dưới sự chỉ đạo của Trương Nghệ Mưu, đoàn làm phim đã dùng hơn 200.000 viên gạch để dựng nên bức tường thành phục vụ cho cảnh quay. Bức tường được dựng bằng đá, gạch và đất, hệt như cách người ta đã xây dựng nên Vạn Lý Trường Thành ở thế kỷ thứ 12.
Màu sắc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ phim. Người đảm nhận vai trò thiết kế phục trang trong phim lần này là nhà thiết kế kì cựu Mayes Rubeo, người đã góp phần làm nên thành công cho những bom tấn đình đám như Avatar, Apocalypto và Warcraft.
Rubeo đã dành rất nhiều thời gian để bàn bạc về ý nghĩa của từng gam màu trước đi đưa ra quyết định về việc lựa chọn màu sắc nào cho trang phục của các diễn viên. Nhà thiết kế này cho biết: "Bộ phim lấy bối cảnh thời kỳ Bắc Tống ở thế kỷ 12. Chính vì thế nhiều mẫu trang phục đã được thiết kế lấy cảm hứng từ thời kỳ lịch sử này. Cùng với những loại vải vóc châu Á, tôi cũng đã sử dụng rất nhiều loại vải được đưa tới từ châu Âu, Pháp và Ý rồi sử dụng những kỹ thuật may vá và thêu thùa châu Á để làm nên những bộ trang phục đẹp mắt trong phim".
Công chiếu tại Trung Quốc vào ngày 15.12.2016, Tử chiến trường thành đã thu về hơn 200 triệu USD. Dự kiến bộ phim sẽ được chính thức ra mắt khán giả Bắc Mỹ vào ngày 17.2 và tại Việt Nam là sớm hơn 2 tuần (3.2.2017, tức mùng 4 Tết).
Mai Thảo