Hãng tin Deutsche Welle tổng hợp một số cách đối phó với hạn hán mà các địa phương trên thế giới đang thực hiện.

Những cách đối phó với hạn hán trên toàn cầu

Cẩm Bình | 28/06/2023, 13:00

Hãng tin Deutsche Welle tổng hợp một số cách đối phó với hạn hán mà các địa phương trên thế giới đang thực hiện.

Không ít quốc gia phải hứng chịu hạn hán kéo theo tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ vì Trái đất ấm lên, người dân nhiều nơi đã bắt đầu cố gắng thích nghi.

Năm 2018, thủ đô Cape Town của Nam Phi trở thành phố lớn đầu tiên trên thế giới đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nước. Có thời điểm, cư dân chỉ được cấp 50 lít nước/ngày - chưa đủ cho một lần sử dụng máy giặt.

Ingrid Coetzee, chuyên gia về đa dạng sinh học sống tại Cape Town chia sẻ: “Tôi còn nhớ rõ cuộc sống bị hạn chế lượng nước dùng mỗi ngày khó khăn như thế nào”.

nhu000.jpg
Trong cuộc khủng hoảng năm 2018, nhiều người dân Capte Town phải đi lấy nước tại điểm phân phối tập trung - Ảnh: AP

Cuối cùng thành phố cũng tránh được “ngày Zero” (thời điểm nước cạn kiệt hoàn toàn) nhờ áp dụng giới hạn dùng nước nghiêm ngặt với cá nhân lẫn doanh nghiệp. Cape Town tăng giá nước lẫn tiền phạt nếu sử dụng quá mức, đồng thời làm việc với ngành nông nghiệp tìm cách giảm lượng nước tiêu thụ và giữ ẩm cho đất.

Loại bỏ thực vật ngoại lai

Kể từ sau khủng hoảng năm 2018, Cape Town hợp tác với nhiều đơn vị (công lẫn tư) cùng cộng đồng địa phương nghĩ ra giải pháp khôi phục các khu vực lấy nước mặt và tầng ngậm nước.

“Loại bỏ thảm thực vật ngoại lai xâm lấn ở các khu vực lấy nước mặt, khôi phục các khu vực này được chứng minh là giải pháp hiệu quả mà lại tiết kiệm chi phí nhất”, chuyên gia Coetzee cho biết.

Thực vật ngoại lai như thông hay bạch đàn hấp thụ nhiều nước hơn cây bụi fynbos bản địa, làm giảm nguồn cung nước của thành phố.

Giải pháp trên cộng thêm mưa quay trở lại cùng một số biện pháp bảo tồn giúp làm đầy số đập cấp nước cho Cape Town đã tạm thời xoa dịu đi những lo ngại.

Ngăn chặn thất thoát nước

Giải pháp tiết kiệm nước được nhiều thành phố tập trung thực hiện. Ví dụ, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện và sửa chữa rò rỉ để cắt giảm đến một nửa lượng nước bị thất thoát trong giai đoạn 2002 - 2012.

Tại hạt San Diego, miền Nam nước Mỹ - nơi 20 năm qua hứng chịu nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng đã hạn chế dùng nước, giáo dục nâng cao nhận thức kết hợp lát kênh đào bằng bê tông ngăn rò rỉ giúp lượng nước dùng bình quân đầu người trong 3 thập kỷ qua giảm gần 50%.

Ngoài ra, việc áp dụng thêm giải pháp công nghệ như xây nhà máy khử mặn để biến nước biển thành nước uống giúp San Diego tự tin tuyên bố đủ sức đáp ứng nhu cầu nước trên địa bàn cho đến ít nhất là năm 2045.

nhdrought.jpg
Cư dân San Diego thay thế cỏ bằng thực vật cần ít nước - Ảnh: AP

Tái chế nước

Namibia rất giỏi tìm nguồn cung nước thay thế. Thủ đô Windhoek của quốc gia khô cằn này là thành phố đầu tiên trên thế giới xây dựng nhà máy tái chế nước (năm 1968). Một quy trình xử lý 10 bước biến nước thải thành nước uống an toàn. Nhà máy được nâng cấp năm 2000 tiếp tục cung cấp nguồn nước đáng tin cậy.

Tái chế nước và khử mặn rất phổ biến ở vùng khí hậu khô hạn như Trung Đông, Địa Trung Hải, Nam Á, nhưng ở Bắc Âu hãy còn xa lạ. Các quốc gia nơi đây không cần lo về nguồn cung nước cho đến hiện tại.

Bỉ và Hà Lan đang xem xét xây nhà máy xử lý nước tại Antwerp và The Hague. Một nhà máy tại cảng Antwerp dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 sẽ xử lý nước biển rồi sau đó là nước thải để cung cấp cho các khu công nghiệp gần đó.

Tại The Hague, Công ty cấp nước Dunea khởi động dự án thí điểm xử lý nước lợ lấy từ dưới đụn cát ven biển. Công nghệ thẩm thấu ngược - lợi dụng áp suất cao cùng màng lọc loại bỏ muối cùng nhiều khoáng chất khác - có thể giúp Dunea sản xuất tới 6 tỷ lít nước uống mỗi năm.

Trưởng dự án Gertjan Zwolsman cho biết: “Chúng tôi hướng tới mục tiêu tăng số lượng nguồn cung nhưng cũng muốn hạn chế nhu cầu. Chẳng hạn, chúng tôi hỗ trợ những công trình mới tiết kiệm nước và yêu cầu khách hàng sử dụng nước có trách nhiệm”.

Dùng cách cũ nhưng hiệu quả

Năm 2021, thành phố Istanbul áp dụng một giải pháp thời Byzantium và đế chế Ottoman: bắt buộc tất cả công trình xây trên diện tích đất hơn 1.000m2 phải có bể chứa ngầm để thu nước mưa sử dụng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhân rộng chính sách này ra toàn quốc.

Để đối phó với tình trạng sa mạc hóa, một số nông dân Senegal trồng vườn theo hình tròn - gọi là tolou keur - giúp cây chống chọi khí hậu khô nóng. Cây thuốc nằm ở trung tâm vườn, tiếp theo là rau củ, lớp ngoài cùng gồm cây cho quả, cây đậu, cây bao báp lớn. Rễ cây phát triển vào bên trong giúp giữ lại nước mưa.

Tại Chile và Morocco, người dân giăng lưới thu nước từ sương mù. Nhờ sử dụng công nghệ hiện đại cùng vật liệu mới cải thiện thiết kế lưới nên lượng nước thu được nhiều gấp 5 lần các vùng khô hạn khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cách đối phó với hạn hán trên toàn cầu