Trước sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, FiinRatings dự báo nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024.
Tài chính và đầu tư

Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024

Lam Thanh 25/06/2024 10:20

Trước sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, FiinRatings dự báo nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024.

Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm ở mức rất thấp và thanh khoản ngành ngân hàng đang dồi dào, tín dụng vẫn tăng chậm từ năm 2023 đến nay. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, dẫn tới đầu ra thấp ở phía các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư TPDN.

Tuy nhiên, trước sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, FiinRatings dự báo nhu cầu đi vay và phát hành TPDN của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi, dẫn tới nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất cải thiện.

Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong đó bao gồm đầu tư TPDN bất động sản bởi các ngân hàng thương mại hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Ngoài ra, các luật mới được thông qua được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

tpdn.jpg
Nhu cầu phát hành TPDN sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024

Để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng trong nửa cuối năm, FiinRatings cho rằng các TCTD sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành TPDN của các TCTD sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

“Là nhóm nhà đầu tư TPDN lớn nhất, việc các TCTD đẩy mạnh đầu ra qua kênh đầu tư TPDN là yếu tố quan trọng giúp thị trường TPDN sôi động hơn trong nửa cuối năm nay”, FiinRatings nêu.

FiinRatings cũng cho hay, Việt Nam nhập siêu lần đầu tiên sau gần 2 năm ở mức 1 tỉ USD. Trong đó, nhập khẩu tăng chủ yếu ở các mặt hàng tư liệu sản xuất, trong khi nhập khẩu các loại vật phẩm tiêu dùng giảm. Các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất chủ chốt như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, vải và kim loại đều tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ năm trước.

“Nhập khẩu mạnh nguyên liệu đầu vào cho thấy tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất nói chung cũng như nhu cầu huy động vốn doanh nghiệp sản xuất nói riêng. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp yếu đi đáng kể trong năm 2023 do thiếu đơn hàng, dẫn tới nhu cầu vay vốn suy giảm. Lĩnh vực sản xuất phục hồi trong năm nay sẽ cải thiện mức độ hấp thụ vốn và tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế”, FiinRatings nhận định.

Cũng theo đơn vị này, tuy lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân đã tạo đáy từ tháng 4, nhưng mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh (nhóm Big4) vẫn đi ngang, do đó tạm thời chưa ảnh hưởng đến chi phí lãi đối với các trái phiếu có lãi suất thả nổi (neo theo mức tham chiếu là lãi suất tiết kiệm trung bình của nhóm ngân hàng Big4).

Theo thống kê của FiinRatings, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước.

Tuy nhiên, thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống cũng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới, gây rủi ro đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi.

Trái chủ của các trái phiếu này sẽ phải đối mặt với chi phí lãi cao hơn và cần cân đối dòng tiền để trả lãi. Xu hướng lãi suất đảo chiều cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kế hoạch huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp trong năm nay.

Ở chiều ngược lại, đây sẽ là yếu tố thúc đẩy việc phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định trên nền lãi suất còn thấp như hiện nay, đặc biệt là các trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế uy tín hoặc những lô trái phiếu bởi các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao được chào bán cho các nhà đầu tư phi ngân hàng.

Tựu trung lại, FiinRatings dự báo ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hiện đang có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có TPDN.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024