Xin chúc mừng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - VNSC sau 13 năm được thành lập theo Quyết định 1611/Ttg của thủ tướng chính phủ. Đây là dự án khoa học - công nghệ (KH-CN) lớn nhất từ trước tới nay được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản. Dự án chuẩn bị kết thúc nghiệm thu vận hành hoàn toàn vào năm 2025.
Tôi có cơ duyên với VNSC ngay từ năm 2007, đồng hành cùng GS-VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn, PGS-TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc VNSC… Chúng tôi đã đi Nhật nhiều lần, sang NASA (Mỹ), tới Viện Vũ trụ (Đại học Quốc gia Mexico) để tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu… Nhiều khó khăn trắc trở đến mức có lúc phải tạm dừng.
Ngày 19.9.2012 tại Hòa Lạc diễn ra lễ khởi công dự án với sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và hàng chục đoàn đại diện cho các trung tâm vũ trụ của những cường quốc về lĩnh vực này như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ… Rồi mọi việc dần trôi chảy, thuận lợi, đang tới thành công.
Với hạ tầng kỹ thuật ở Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các chi nhánh, cơ sở tại TP.HCM, Nha Trang, VNSC như cơ thể ngày càng khỏe mạnh, trưởng thành. Đội ngũ tinh chất với 124 cán bộ khoa học, trong đó 15 tiến sĩ, 61 thạc sĩ và nhiều kỹ sư công nghệ, công nghiệp từ các đại học Nhật Bản, nhất là từ Trung tâm Vũ trụ Tsukuba, các nước do JAXA tài trợ đỡ đầu… đang phát huy tác dụng của 3 vệ tinh công nghệ cảm ứng rada. Chỉ riêng điều ấy chứng minh các nhà khoa học Việt Nam đã có thể làm chủ, nắm bắt công nghệ vũ trụ viễn thám để phục vụ cho quan trắc Trái đất, nhất là theo dõi biến đổi khí hậu từng phút từng giờ.
Việt Nam có quyền tự hào đã xây dựng được trung tâm vũ trụ hàng đầu Đông Nam Á, là một trong 20 quốc gia đã có phương tiện sở hữu khoảng không vũ trụ.
Nhớ lại buổi đầu chập chững, vào ngày 19.4.2008, Việt Nam từng tham gia đưa vệ tinh địa tĩnh VINASAT-1 tại sân bay Kourou ELA-3 trên hòn đảo cửa sông Amazon thuộc Pháp. Sau VINASAT-1 ít năm, VNPT lại phóng VINAST-2. Hai vệ tinh này đang được khai thác có hiệu quả. Khi đó VNPT đã ký với công ty Lockheed Martin (Mỹ) để chế tạo hai vệ tinh địa tĩnh này.
Mới đây thôi, nhà khoa học Phạm Gia Vinh cùng cộng sự (có sự hợp tác quốc tế) đã chế tạo vật thể bay không người lái, chở được 600kg, trần bay 30 - 50km. Công ty GREMSY đặt tại TP.Thủ Đức, Khu công nghệ cao TP.HCM là đơn vị sản xuất máy bay không người lái sớm ở nước ta (từ hơn 15 năm trước) hiện là công ty sản xuất thiết bị chống rung camera và vật thể bay Gimbal được hàng chục nước uy tín hàng đầu về công nghệ này trên thế giới nể phục, đặt mua hàng trăm hàng ngàn bộ mỗi năm.
Tập đoàn Vietel cũng nghiên cứu thành công chế tạo UAV. Tập đoàn FPT đã nghiên cứu chế tạo vệ tỉnh nhỏ… Nếu các đơn vị trong và ngoài nước được kết nối chặt chẽ, có chính sách đầu tư dẫn dắt, Việt Nam đầy hy vọng làm nên chuyện trong lĩnh vực công nghệ cao này. Nếu những đơn vị chủ công như Viettel, FPT, GREMSY… được tiếp sức và hợp tác với VNSC thì tuyệt vời!
Chúng ta chờ mong LOTUSat-2 do VNSC thiết kế, chế tạo, sử dụng công nghệ cảm ứng rada sang năm 2025 được phóng lên quỹ đạo vũ trụ.
Chúc mừng PGS-TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các cộng sự nhân 13 năm ngày thành lập VNSC.
TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ