Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thông tin nhìn “hai chữ cái đầu dãy xêri” để phân biệt tiền thật tiền giả là không chính xác. Để phân biệt chính xác, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra nhiều yếu tố phân biệt.

NHNN ‘mách nước’ cách phân biệt tiền thật, tiền giả

Phan Diệu | 20/05/2016, 06:03

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thông tin nhìn “hai chữ cái đầu dãy xêri” để phân biệt tiền thật tiền giả là không chính xác. Để phân biệt chính xác, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra nhiều yếu tố phân biệt.

Sau thông tin dùng yếu tố “hai chữ cái đầu dãy xêri” để phân biệt tiền thật tiền giả lan trên mạng xã hội những ngày gần đây, ngày 18.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM đã ra thông báo khẳng định đây là thông tin không chính xác.

Để phân biệt chính xác, cơ quan này đã hướng dẫn người tiêu dùng cách kiểm tra nhanh một số yếu tố bảo an để phân biệt tiền thật, tiền giả.

Theo đó, người dân có thể kiểm tra nhanh, cơ bản một số yếu tố bảo an để phân biệt tiền thật, tiền giả như đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn (dây bảo hiểm).

Nếu tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền có hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh.

Còn tiền giả không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.

Thứ hai, người dân có thể dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi tại các vị trí như dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...).Tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này, còn tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

Thứ ba, chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) và yếu tố IRIODIN.Ở tiền thật yếu tố OVI có màu vàng đất khi nhìn thẳng và chuyển dần sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ tiền.

Ở tờ tiền giả sẽ không có yếu tố mực đổi màu, hoặc in giả màu vàng/xanh lá cây nên không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; không có dải màu vàng lấp lánh khi chao nghiêng tờ tiền.

Thứ tư, quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền và kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn. Ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo và kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ, hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng.

Còn tiền giả không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn (DOE) như tiền thật.

Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, các thông tin trên sẽ giúp người dân có thể tự kiểm tra đồng tiền trong giao dịch, mua bán hàng ngày

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phát hành tài liệu “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” đến các xã phường để tuyên truyền trong nhân dân về cách nhận biết tiền thật, tiền giả nhằm ngăn ngừa thiệt hại phát sinh liên quan đến vấn nạn tiền giả và bảo vệ đồng tiền Việt Nam.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NHNN ‘mách nước’ cách phân biệt tiền thật, tiền giả