Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một số ca bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae). Đáng lưu ý là nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Hoàng Hải của Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm này, tỷ lệ bệnh nhân mắc M.pneumoniae chiếm 30-40% số bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện điều trị tại trung tâm. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn M.pneumoniae - một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em và có biểu hiện một số bệnh lý ở các cơ quan khác ngoài phổi.
Bệnh phổ biến nhất ở trẻ trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Theo bác sĩ Hải, loại viêm phổi này còn được gọi là viêm phổi không điển hình bởi vì các triệu chứng của nó khác với các triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn thông thường. Bệnh này có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu.
Viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa, phát tán qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi.
Viêm phổi do M.pneumoniae có thể từ từ và bán cấp, trẻ có thể sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần. Khởi đầu trẻ có thể có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh có thể tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở, một số trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc có thêm các triệu chứng khác không điển hình như: đau đầu, đau cơ, đau ngực…
“Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang”, bác sĩ Đỗ Hoàng Hải khuyến cáo.
Biến chứng nguy hiểm của viêm phổi do Mycoplasma
Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong.
Nhiễm trùng máu: nhiễm trùng ở phổi có thể lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể.
Tràn dịch màng phổi: việc tích tụ dịch quá nhiều dễ gây ra tràn dịch màng phổi. Điều này sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở.
Áp xe phổi: các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe.
Hội chứng suy hô hấp cấp: những người bị viêm phổi cả hai thùy rất dễ gặp phải tình trạng này.
Suy hô hấp: dưới sự tác động của vi khuẩn, tình trạng viêm phổi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cơ quan khác, chẳng hạn như giảm huyết áp, nhịp tim hoặc thậm chí là mất nhận thức.
Để phòng tránh bị viêm phổi, bác sĩ Hải lưu ý việc duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ và người chăm sóc là rất quan trọng. Để đảm bảo, cha mẹ có thể thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, tạo môi trường sống cho trẻ trong một không gian sạch sẽ và thoáng mát, tránh tiếp xúc với những trẻ có triệu chứng ho và sốt.
Cha mẹ nên cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng cường hệ miễn dịch. Cha mẹ nên đảm bảo rằng trẻ được tiêm các vắc xin theo lịch trình vì viêm phổi do M.pneumoniae có thể kết hợp với vi khuẩn khác như Streptococcus pneumoniae hoặc Haemophilus influenzae.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải khuyến cáo, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu viêm phổi như viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho khó thở, nhất là ở trẻ lớn từ 4 - 10 tuổi, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành khám và xét nghiệm chẩn đoán sớm, từ đó điều trị kịp thời và tránh nguy cơ biến chứng suy hô hấp nguy hiểm.