Sáng 9.11, bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 160km. Hiện các tỉnh miền Trung đang tích cực chuẩn bị các biện pháp phòng chống trước khi bão số 6 đổ bộ.
Tại tỉnh Phú Yên có 298 tàu với 1.745 lao động đang hoạt động trên biển. Đến 14 giờ ngày 7.11, có 242 tàu cá với 1.502 lao động đang neo đậu tại các đảo và hoạt động ở các vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa (nằm ngoài khu vực nguy hiểm); 56 tàu cá với 243 lao động đang khai thác thủy sản gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận.
Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến bão số 6 (bão Nakri) trên Biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc được về gia đình và với bộ đội biên phòng.
Tỉnh này có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 675ha với khoảng 91.100 ô lồng nuôi trồng thủy sản; có 162 hộ chăn nuôi gia súc dọc sông Ba (nằm trong vùng nguy hiểm khi xả lũ)… Các địa phương, sởngành đã báo cáo về công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện và sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 6.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục liên lạc kêu gọi các phương tiện trên biển biết diễn biến của bão, chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm để tìm nơi trú tránh an toàn; duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý khi có tình huống xảy ra.
Các địa phương cần xác định rõ 3nhóm người (lao động trên lồng bè nuôi thủy sản, sinh sống ở vùng xung yếu do triều cường, vùng trũng thấp); kiên quyết áp dụng các biện pháp sẵn sàng sơ tán, thậm chí cưỡng chế di dời người dân trong những nhóm này đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai.
Đồng thời, các địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi bão vào đất liền; thực hiện chằng chống nhà ở, công trình, trường học; cơ số thuốc, thực phẩm hỗ trợ người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Tại tỉnh Bình Định, đến trưa 8.11, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão. Có 4 tàu cá/21 lao động nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 6 và tăng tốc chạy ra khỏi vùng nguy hiểm; có 1 tàu với 5 lao động đang trên đường chạy vào bờ, 3 tàu cá với 16 lao động đang đi xuống phía nam quần đảo Trường Sa để tránh bão.
Tỉnh này yêu cầu các đơn vị mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão.
Lực lượng BĐBP tỉnh đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để giúp dân, cứu dân khi cần, phân công cán bộ bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương trong phòngchống bão; chỉ đạo các trạm kiểm soát biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện khi thời tiết xấu, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển.
Sở GD-ĐT Bình Định ngày 8.11 cũng có công văn thông báo học sinh, học viên được nghỉ học vào thứ 2 (ngày 11.11). Sau ngày 11.11, hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông căn cứ vào tình hình mưa lũ sau bão và thực tế ở địa phương để quyết định thời gian đi học lại, đề phòng tai nạn xảy ra trên đường đến trường do bị nước lũ chia cắt, cây xanh, tường rào đổ sập, rò rỉ điện.
Theo thông báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 4 giờ ngày 9.11, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 12,6 độ vĩ bắc; 114,9 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 160km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ),giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6,giật từ cấp 8trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới,bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờđược 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 10.11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ vĩ bắc; 112,1 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 290km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ),giật cấp 15.
Tin, ảnh: Thạch Châu