Đến nay, nhiều quận huyện TP.HCM như 3, 4, 6, 7, 8, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè vẫn đang đóng cửa chợ truyền thống.
Chợ mở lại vẫn vắng người mua
Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 13.10, toàn thành phố đã có 47/234 chợ truyền thống mở cửa cho tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng tiêu dùng thiết yếu… hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tại một số quận như 3, 4, 6, 7, 8, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè thì nhiều chợ truyền thống vẫn đang đóng cửa.
Ngoài ra, với những chợ được phép mở cửa trở lại thì rơi vào tình trạng vắng vẻ, lượng người mua thưa thớt. Điển hình, tại chợ An Đông (Q.5), dù mở lại từ ngày 10.10 nhưng lượng khách đến chợ vẫn khá ít ỏi. Phần lớn tiểu thương mở lại chỉ để sắp xếp quầy kệ, hàng hóa sau nhiều tháng đóng cửa.
Thông tin từ Ban quản lý chợ An Đông cho biết lượng sạp mở bán trong ngày đầu chỉ đạt khoảng 10% trong tổng gần 2.300 sạp tại chợ. Chợ vắng do nhiều người bán chưa sẵn sàng hoạt động lại, trong khi đó nguồn khách chủ yếu là từ các tỉnh thì hiện nay gặp khó khăn trong đi lại.
Còn tại chợ Bến Thành (Q.1), trong những ngày đầu mở bán, lượng khách đến mua sắm vẫn hạn chế, đa phần người dân đến mua lương thực thực phẩm, chưa ghi nhận khách đến tham quan như trước đây.
Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 15.10, thành phố sẽ mở lại thêm 22 chợ. Đó là chợ Dân Sinh, Thái Bình (Q.1); Bàn Cờ, Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối (Q.3); Phùng Hưng, Tân Thành, Đồng Khánh (Q.5); Tân Mỹ (Q.7); Rạch Ông, Phạm Thế Hiển, Nhị Thiên Đường, Xóm Củi (Q.8); Bình Hưng Hòa, Da Sà, Khu phố 2, Bình Long, Kiến Đức (Q.Bình Tân); Phú Nhuận, Trần Hữu Trang, Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) và Phước Lộc (huyện Nhà Bè).
Trong khi đó, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Trung bình mỗi đêm khoảng 1.000 - 1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả lưu thông qua 3 chợ đầu mối.
Toàn bộ siêu thị trên địa bàn thành phố cũng đã hoạt động trở lại (106/106 siêu thị); 2.916 cửa hàng tiện lợi duy trì hoạt động (tăng 10 cửa hàng tiện lợi hoạt động trở lại so với ngày trước đó).
Không chủ trương mở lại chợ tự phát
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nói rằng việc mở cửa các chợ truyền thống phải tính toán để tăng nhanh số lượng, nhưng phải đảm bảo chất lượng và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Quan trọng là thành phố có những đổi mới, cách thức làm sao để hoạt động các chợ truyền thống được nâng cấp, văn minh hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nếu tiếp tục duy trì cách cũ, hoạt động nhếch nhác, chất lượng hàng hóa cũng chưa kiểm soát chặt chẽ, khó cạnh tranh với các hệ thống phân phối hiện đại và cả những điểm bán tự phát bên ngoài.
Trước đây, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Công Thương xây dựng đề án nâng cao chất lượng chợ truyền thống. Ông Phương nhìn nhận qua các đợt dịch COVID-19 cũng là dịp các chợ truyền thống tính toán, rà soát lại nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát các chợ và điểm bán hàng tự phát gần chợ. Điều đó vừa đảm bảo an ninh, trật tự, mỹ quan đô thị và phòng chống dịch bệnh, tránh tình trạng nhếch nhác, đông đúc dễ lây lan dịch bệnh
Đặc biệt, thành phố không có chủ trương cho các chợ tự phát hoạt động lại; đặc biệt nghiêm cấm các hành vi tự ý tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, không bảo đảm an toàn phòng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, thành phố mong người dân không ủng hộ, không mua sắm, cũng như không buôn bán tại các khu vực chợ tự phát.
Liên quan đến hoạt động tại các chợ truyền thống, ngày 12.10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đã phân loại 4 cấp độ dịch. Trong cả 4 cấp độ, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn vẫn được phép hoạt động trên cơ sở bảo đảm phòng chống dịch. Tuy nhiên, với vùng nguy cơ rất cao, UBND cấp tỉnh quy định các điều kiện cần thiết để hoạt động bảo đảm phòng chống dịch.