Nhiều ngân hàng đề nghị được tăng vốn điều lệ do vốn điều lệ ở mức thấp, không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng.

Nhiều ngân hàng xin tăng vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn

Tuyết Nhung | 28/12/2022, 17:38

Nhiều ngân hàng đề nghị được tăng vốn điều lệ do vốn điều lệ ở mức thấp, không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023 ngày 28.12, nhiều ngân hàng thương mại đã đề xuất tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc này chắc chắn không ảnh hưởng đến công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.

hoi-nghi.png
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023 ngày 28.12

Ông Dũng cũng kiến nghị tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển, cũng như chuẩn mực quốc tế.

Liên quan đến vốn điều lệ, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ, do vốn điều lệ thấp nên theo quy định hiện tại, ngân hàng không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng. Vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

"Vì vậy, việc cấp vốn điều lệ cho ngân hàng là việc rất cấp thiết để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 để phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông. Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho ngân hàng trong năm 2023", Chủ tịch Agribank cho hay.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ông Tú cho biết, theo thống kê, hệ số CAR đến tháng 10.2022 các ngân hàng thương mại nhà nước là 9,04%, ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%, mức này đang rất thấp so với các nước trong khu vực (Philippines 16,29%; Singapore 17,2%; Malaysia 18,3%; Thái Lan 19,3%; Indonesia 23,3%). Các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, trong khi Việt Nam mới thực hiện Basel 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, một loạt bài toán khó đặt ra cho ngành ngân hàng như làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, đồng USD tăng giá mạnh...

Trong kỳ báo cáo tháng 11, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kết quả năm 2022 cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải các bài toán khó.

Tính đến ngày 21.12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến 30.11 đạt khoảng 279.732 tỉ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rằng trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bảo đảm tập trung tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, một số tồn tại cần khắc phục như phản ứng chính sách nhiều khi chưa kịp thời; công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra của ngân hàng còn yếu kém; phối hợp giữa các chính sách và giữa các ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế...

Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu năm 2023, ngành ngân hàng bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát.

"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tín dụng phải được tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, có nơi giảm đến 3,5%/năm
Đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5- 3,0%/năm, cá biệt có ngân hàng cam kết giảm đến 3,5%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ngân hàng xin tăng vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn