Sau khi có chỉ thị từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, một số ngân hàng đã “mạnh tay” khi giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây đã “bất ngờ” điều chỉnh lãi suất cho vay. Cụ thể, từ ngày 15.10, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được “ông lớn” này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm 1%/năm so với hiện nay.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank sẽ được ngân hàng này xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn.
Cũng từ ngày 15.10, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) điều chỉnh hạ lãi suất cho vay với mức giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết đã giảm lãi suất cho vay, tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, tức giảm 1%/năm. Chưa kể, ngân hàng này cũng mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỉ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, bên cạnh một số ngân hàng quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thì một số nhà băng khác lại chọn cách hỗ trợ khách hàng bằng nhiều chương trình ưu đãi khác nhau.
Đơn cử như Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã công bố áp dụng lãi suất vay ưu đãi từ 6,99%/năm cho các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng và tặng ngay 2 triệu đồng vào tài khoản cho 150 khách hàng giải ngân sớm. Đây là ưu đãi sớm được áp dụng trong chương trình “Đón Giáng sinh, ai cũng có quà” được VIB triển khai từ 6.10 dến 31.12.2016.
Cụ thể, khi tham gia chương trình, khách hàng của nhà băng này sẽ có thể chọn lựa lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm khi vay mua ô tô và từ 7,49%/năm khi vay mua/xây dựng/sửa chữa nhà, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, vay cá nhân kinh doanh và vay du học. Lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,99%/năm.
Hay ngân hàng Agribank cũng sẽ dành 50.000 tỉ đồng từ 1.11 để cho các đối tượng vay là doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia chuỗi sản xuất quy mô lớn với lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với lãi suất thông thường.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng để giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 4 chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Bên cạnh lãi suất cho vay, từ hồi cuối tháng 9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.
Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Phan Diệu