Các thảm họa thiên nhiên như động đất, bão, sóng thần và phun trào núi lửa làm tăng nguy cơ tuyệt chủng đối với động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư. Những sự kiện này còn có thể tương tác với các mối nguy hiểm liên quan đến con người, có khả năng làm tăng cường tác động của chúng.
Kiến thức - Học thuật

Nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì thảm họa thiên nhiên

Anh Tú 08:44 16/09/2024

Các thảm họa thiên nhiên như động đất, bão, sóng thần và phun trào núi lửa làm tăng nguy cơ tuyệt chủng đối với động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư. Những sự kiện này còn có thể tương tác với các mối nguy hiểm liên quan đến con người, có khả năng làm tăng cường tác động của chúng.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS, các nhà nghiên cứu được ước tính rằng hơn 3.000 loài động vật có xương sống trên cạn đang bị đe dọa tuyệt chủng do các thảm họa thiên nhiên như động đất, bão, sóng thần và phun trào núi lửa.

Các tác giả đã chọn tất cả các loài lưỡng cư, chim, động vật có vú và bò sát có quy mô quần thể tối đa là 1.100 cá thể trưởng thành với phạm vi địa bàn 2.500 km vuông trở xuống (điều ngày khiến việc sinh sản trở nên khó khăn và khả năng phục hồi khả năng sống của quần thể là không thể). Họ nhận thấy các loài có nguy cơ tuyệt chủng nếu phạm vi của chúng chồng lấn với các khu vực mà bất kỳ trong 4 thảm họa thiên nhiên nêu trên (động đất, bão, núi lửa, sóng thần) từng xảy ra.

Fernando Gonçalves, tác giả sơ thảo của báo cáo cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng 8.813 loài ( gồm cả lưỡng cư, chim, động vật có vú và bò sát) trên toàn thế giới có quần thể rất nhỏ với phạm vi địa bàn hạn chế. Theo ước tính của chúng tôi, 42% loài (tương ứng với 3.722) nằm ở những khu vực đã xảy ra một hoặc nhiều sự kiện nguy hiểm trong số 4 thảm họa nêu trên trong 50 năm qua – những thảm họa đe dọa đáng kể đến tương lai của những loài động vật này”. Một phần của nghiên cứu của Gonçalves được tiến hành khi ông là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học Sinh học (IB-UNESP) thuộc Đại học bang São Paulo ở Rio Claro (Brazil) với học bổng từ FAPESP (quỹ Nghiên cứu bang Sao Paulo - Fundação de Amparo à Pesquisa do Estado de São Paulo).

Hầu hết trong số 26 tác giả của báo cáo là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu về Biến động Đa dạng sinh học và Biến đổi Khí hậu (CBioClima). Đây là một Trung tâm Nghiên cứu, Đổi mới và Phổ biến (RIDC) do FAPESP tài trợ.

Tác động đến các loài trên đảo và các mối đe dọa trong khu vực

Hơn hai phần ba số loài bị đe dọa bởi các hiện tượng tự nhiên (70%) sống trên các đảo, tức là môi trường có tính biệt lập, cách ly cao. Xét về các khu vực trên thế giới, 34% sinh sống ở vùng Tân nhiệt đới, một khu vực sinh học địa lý trải dài trên phần lớn châu Mỹ, từ miền nam Mexico đến miền bắc Argentina.

Ở vùng Caribe và Vịnh Mexico, chúng chủ yếu dễ bị ảnh hưởng bởi bão, trong khi núi lửa, động đất và sóng thần là những mối nguy hiểm lớn nhất ở vùng gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là vành đai núi lửa và là ranh giới mảng kiến ​​tạo hoạt động địa chấn bao quanh lưu vực Thái Bình Dương và gồm cả dãy Andes, miền tây nước Mỹ và Canada.

Mauro Galetti tác giả hoàn thiện báo cáo và là Giáo sư chính thức tại IB-UNESP (Viện Sinh học thuộc Trường đại học Sao Paulo) cho biết: “Nhiều loài trong số này sống ở những nơi có nguy cơ xảy ra thảm họa cao vì môi trường sống trong rừng của chúng đã bị con người khai thác, hủy hoại”.

Một ví dụ là loài ếch tên lửa Quito (Colostethus jacobuspetersi), từng phân bố khắp dãy Andes phía bắc và trung tâm nhưng hiện chỉ giới hạn ở các khu vực xung quanh núi lửa Cotopaxi của Ecuador, nơi đã phun trào hơn 50 lần kể từ năm 1738.

Tìm cách bảo vệ

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng 2.001 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vì ít nhất một phần tư phạm vi phân bố của chúng phải chịu một hoặc nhiều mối nguy hiểm tự nhiên lớn được nêu trong nghiên cứu. Ngoài ra, 16% trong số các loài có nguy cơ cao này nếu địa bàn của chúng chồng lấn với các khu vực thường xuyên xảy ra hai hoặc nhiều mối nguy hiểm.

Một phát hiện đáng báo động khác là 30% loài sống ở những địa điểm hoàn toàn nằm ngoài các khu vực được bảo vệ. Ngược lại, chỉ có 15% loài được bảo vệ theo một kế hoạch bảo tồn cụ thể.

kynhong(1).jpg
Kỳ nhông cây Lutz (Liolaemus lutzae), một loài bò sát cực kỳ nguy cấp

Chỉ có hai loài được liệt kê trong nghiên cứu sống ở Brazil. Thứ nhất là Kỳ nhông cây Lutz (Liolaemus lutzae), một loài bò sát cực kỳ nguy cấp, sống trên đồng bằng ven biển nhiều cát (restinga) ở bang Rio de Janeiro. Kỳ nhông cây Lutz được đưa vào danh sách này vì bị ảnh hưởng nặng về số lượng sau một cơn bão năm 2004 gây ra sóng thần cấp độ 1.

coc(1).jpg
Cóc bụng đỏ Brazil đứng đầu sách đỏ sau khi chịu thảm họa bão cấp số 2

Thứ hai là Cóc bụng đỏ Brazil (Melanophryniscus cambaraensis) sống ở Santa Catarina và Rio Grande do Sul. Loài cóc bụng đỏ phải chịu những mối nguy hiểm mà điển hình là cơn bão cấp 2 (Thang bão Saffir–Simpson) đã đổ bộ vào khu vực này 20 năm trước.

Trong 4 mối nguy hiểm tự nhiên được đưa vào nghiên cứu, chỉ có bão có liên quan trực tiếp đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã dự đoán rằng tần suất của những sự kiện cực đoan này và các sự kiện khác sẽ tăng lên.

Gonçalves, hiện là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, cho biết “Các loài sống sót sau thảm họa thiên nhiên có nhiều khả năng hơn để chống chọi với các sự kiện tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, các khả năng thích nghi từng giúp chúng, chẳng hạn như có chế độ ăn tạp cao, khả năng phân tán cao và nhiều con non… có thể vẫn không đủ để giúp chúng sống sót trước sự tương tác giữa các sự kiện tự nhiên và ảnh hưởng từ hoạt động của con người”.

Để giảm thiểu tác động đến các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, các tác giả khuyến nghị tạo ra các hành lang sinh thái kết nối các quần thể biệt lập, di dời quần thể đến các khu vực an toàn và thắt chặt bảo vệ trong các khu vực được bảo tồn. Thậm chí với một số cá thể sống và sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, phải lưu trữ gien để đảm bảo có thể được đưa trở lại tự nhiên trong trường hợp bên ngoài tuyệt chủng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì thảm họa thiên nhiên