Nhận thấy nhiều điểm bất cập trong chính sách cũng như hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Nhiều điểm bất thường trong xuất khẩu gạo: Lập đoàn kiểm tra liên ngành

18/04/2020, 07:01

Nhận thấy nhiều điểm bất cập trong chính sách cũng như hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Bộ Công Thương nhận thấy nhiều điểm bất cập trong xuất khẩu gạo - Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, nhằm phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, nguyên nhân của việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành là thời gian qua, Bộ Công Thương nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan xuất hiện một số điểm bất thường.

Những điểm bất thường cụ thể là thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống...

Đoàn kiểm tra liên ngành lần này sẽ do Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh, làm trưởng đoàn. Các đơn vị có đại diện tham gia đoàn gồm: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an), Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Được biết đoàn kiểm tra liên ngành sẽ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng. Trên cơ sở đó, đoàn sẽ xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4.2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5.2020.

Trước đó, ngày 10.4, Bộ Công Thương đã ra quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4 là 400.000 tấn. Ngày 11.4, Tổng cục Hải quan nhận được quyết định của Bộ Công Thương và đã khẩn trương thiết lập hệ thống khai báo hải quan. 0 giờ ngày 11.4, hệ thống đã mở và chỉ trong vài tiếng đồng hồ 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu đã được đăng ký hết. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không kịp trở tay với quyết định này nên đã "cầu cứu" lên tới Thủ tướng vì cho rằng việc mở tờ khai hải quan vào lúc 0 giờ là "có vấn đề".

Ngày 15.4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng có báo cáo gửi Thủ tướng nêu một số bất cập trong việc mở tờ khai hạn ngạch xuất khẩu. Trong đó, việc đăng ký tờ khai bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày Chủ nhật mà không có một thông tin chính thức nào trước đó khiến các thương nhân hoàn toàn bị động.

Một số thương nhân đã gặp phải tình huống sau: các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0 giờ ngày 11.4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ. Tuy nhiên, đến ngày 13.4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10.4.2020.

Trả lời báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết đã đề nghị Chính phủ điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi trong chính sách xuất khẩu gạo.

Trước sự việc trên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo. Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo theo chỉ thị tại Văn bản số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

"Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", văn bản của Bộ Tài chính nêu. Do có nhiều ý kiến và dư luận, Chính phủ đã yêu cầu cả hai bộ Công Thương và Tài chính báo cáo về sự việc này cho Thủ tướng trước ngày 18.4.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều điểm bất thường trong xuất khẩu gạo: Lập đoàn kiểm tra liên ngành