Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc chia sẻ, trên con đường đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, nền kinh tế của chúng ta đã chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm?

Nhiều công chức đã quên chữ ‘đồng' khi đồng hành với dân

Trí Lâm | 29/07/2016, 17:58

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc chia sẻ, trên con đường đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, nền kinh tế của chúng ta đã chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm?

Chưa giải quyết được vấn đề lớn của kinh tế

Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội sáng 29.7,kinh tế Việt Nam hiện đối mặt với rất nhiều thách thức như: tình hình nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%; việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; bội chi ngân sáchliên tục ở mức cao trong nhiều năm; thu ngân sách khó khăn; hoạt động doanh nghiệp nhà nước yếu kém...

Theo ông Vũ Tiến Lộc, báo cáo này của Chính phủ đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránhkhi đề cập tới những vấn đề lớn, còn trì trệ của đất nước và của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực trạng kinh tế, ông Lộc cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa ra khỏi được giai đoạn khó khăn và sự phục hồi bước đầu của nền kinh tế năm 2015 là không bền vững, vẫn phải dựa trên việc tăng sản lượng của một số ngành khai thác tài nguyên...

“Câu hỏi đặt ra là tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, chúng ta đã chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm?” – ông Lộc nêu thắc mắc.

Lý giải vấn đề này ngay sau đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nguyên nhân là chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế.

Đó là việc cắt giảm biên chế và chi tiêu Chính phủ chưa có chuyển biến đáng kể. Tình trạng thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán mà Quốc hội thông qua. Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay.

“Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC chứ chưa được mua-bán, sang tên đổi chủ bằng tiền tươi thóc thật. Con số tăng trưởng tín dụng có lẽ cũng không thực chất” – ông Lộc nói.

Lý do tiếp theo, vị đại biểu này cho rằng công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóadiễn ra rất chậm. Tỷ lệ doanh nghiệp được cổ phần hóakhông những không đạt kế hoạch, mà quy mô thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp cũng chỉ ở mức tượng trưng, không đủ để tạo nên những thay đổi về quản trị cũng như hiệu quả…

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo.

“Tôi nghĩ, rất cần tập trung hóa giải các nút thắt: chi tiêu chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính… Tôi đề nghị Quốc hội tạo điều kiện cho Chính phủ giải quyết thực chất các vấn đề này” – ông Lộc nói.

Mấu chốt là thể chế

Phát biểu tại Quốc hội, theo ông Lộc, trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Chỉ còn chữ "hành".

Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp và chương trình hành động rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức.

“Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ” – ông Lộc nói.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nhân tố cơ bản hàng đầu để phát triển của mỗi quốc gia là thể chế. Ở nước phát triển thì thể chế tốt, nước kém phát triển thì có một thể chế kém. Ở nước ta, thể chế còn đan xen nhiều yếu tố trì trệ bên cạnh tích cực, vàđáng lo là những yếu tố trì trệ có phần đang phình ra.

Bởi vậy, vấn đề cải thiện và hoàn thiện thể chế là vấn đề bức xúc nhất. Trong 3 đột phá chiến lược, Chính phủ xác định cải cách thể chế là đột pháđầu tiên. Chính phủ cũng đang có nhiều nỗ lực trong việc này.

Để xu hướng này phát triển, ngăn chặn những nhũng nhiễu, rủi ro trong kinh doanh, ông Tám đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định về đầu tư kinh doanh, ngăn chặn tình trạng ra giấy phép con mới, ngăn chặn việc nâng thông tư thành nghị định, có trách nhiệm xử lý chủ thể ra giấy phép con…

Nêu vấn đề cụ thể, ông Tám thông tin rằng cử tri mong muốn Chính phủ nhanh chóng rà soát, kiểm tra các công trình đầu tư hàng nghìn tỉ đồng kém hiệu quả. Đầu tư không hiệu quả từ tiền thuế của dân là có lỗi lớn với dân, giảm niềm tin của dân.

“Thử so sánh hàng ngàn tỉ đồng đầu tư không hiệu quả trong khi hàng vạn người dân đang nhọc nhằn mưu sinh hằng ngày và chỉ cần có vài trăm ngàn/tháng là có cơ hội cải thiện cuộc sống. Qua đó cần xem lại quá trình đầu tư, lấp những lỗ hổng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm pháp lý của từng cá nhân, tập thể để xử lý thỏa đáng” – ông Tám nói.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều công chức đã quên chữ ‘đồng' khi đồng hành với dân