Những chuyến phiêu lưu về miền hoang dã bao giờ cũng đòi hỏi ở bạn nhiều hơn những chuyến đi du lịch thuần tuý. Bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hành trang, có sức khỏe, một đôi chân dẻo dai và một tinh thần hào hứng khám phá trong bất kỳ tình huống hay thời tiết nào. Nhưng bạn cũng cần biết những giới hạn của mình và thận trọng trong những quyết định để không mất đi niềm đam mê xê dịch. Cách đi cũng không khác cách sống là mấy.

Nhật ký lữ hành Argentina: Ngày cuối cùng ở nơi tận cùng thế giới

24/05/2019, 12:16

Những chuyến phiêu lưu về miền hoang dã bao giờ cũng đòi hỏi ở bạn nhiều hơn những chuyến đi du lịch thuần tuý. Bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hành trang, có sức khỏe, một đôi chân dẻo dai và một tinh thần hào hứng khám phá trong bất kỳ tình huống hay thời tiết nào. Nhưng bạn cũng cần biết những giới hạn của mình và thận trọng trong những quyết định để không mất đi niềm đam mê xê dịch. Cách đi cũng không khác cách sống là mấy.

Đi Patagonia có nghĩa là đã xác định đi bộ rất nhiều, leo núi hàng chục km mỗi ngày từ sáng tới tối, chưa kể nơi đây còn có rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm cho những ai sẵn sàng dấn thân: đi bộ trên núi, xe đạp leo núi, đi xe địa hình vào những vùng hiểm trở, bay trực thăng lên đỉnh núi băng đi xe chó kéo, cưỡi ngựa, bơi thuyền vượt thác….
Hành trình tuy có gian nan, nhưng những gì bạn trải qua, những cảm xúc bạn nhận lại từ Thiên nhiên nơi đây, đáng giá đến từng phút giây và không tiền bạc nào sánh nổi. Âu cũng là sự đền đáp của Tạo hoá cho những nỗ lực của con người.

Ngày cuối ở vùng đất tận cùng thế giới của tôi bắt đầu bằng chuyến leo núi chinh phục đỉnh Susana cao hơn 600m so với mực nước biển. Rời khỏi khu nghỉ nằm ngay dưới chân núi, chúng tôi sẽ phải mất tới 5-6 tiếng leo trèo qua những mỏm đá ven biển, đi vòng quanh núi, rồi theo con đường mòn dốc ngược 45 độ, để chinh phục 8km đường rừng. Buổi sáng mặt biển trong và phẳng lặng như một hồ nước. Những bờ đá trơn trượt phủ đầy rêu xanh rêu vàng lúc lùi sâu vào bờ, lúc chạy ra sát biển. Đôi khi con đường đá bị che lấp sau những bụi cây và cỏ lúp xúp khiến tầm nhìn bị khuất, rồi vịnh biển lại hiện ra với bờ biển đầy sỏi nhỏ. Vỏ ốc vỏ sò kêu lạo xạo dưới chân.

Cơn mưa thu đêm qua khiến bờ biển và đất đá lầy lội, càng lên cao đường càng khó đi. May mắn thay là hôm nay có chút nắng le lói và gió yếu. Nhưng cái lạnh của vùng cực nam thế giới thì đúng là không đùa được, mới đi một lát mà đã tê cóng những ngón tay dù có đi găng. Càng lên cao càng lạnh muốn rụng tai luôn. Những rừng dẻ gai (Lenga) đang đổi màu hoà cùng những cây sồi Magellan (Guindo) xanh mướt mang lại cho ngôi làng nhỏ nằm bên vịnh biển một cảnh sắc đẹp hiếm có. Làng dưới chân núi thực ra chỉ có vài căn nhà nép mình bên biển và nằm giữa rừng dẻ gai rộng lớn, ngăn cách nhau bằng những hàng rào gỗ tượng trưng.

Thoát ra khỏi bở biển, con đường bắt đầu lên cao dần. Càng lên cao càng lạnh muốn rụng tai luôn. Vòng cung eo biển giữa những ngọn núi băng và khu rừng lá vàng hiện ra sau khúc quanh, đẹp như trong một bức tranh cổ điển.

Chỉ một tháng nữa thôi, những sắc vàng kia sẽ đồng loạt chuyển sang đỏ và khi nhiệt độ xuống tới 0 thì những con đường dẫn từ trên núi xuống Ushuaia sẽ biến thành đường trượt tuyết, xe hơi trở thành vô dụng. Vào mùa đông, nhiệt độ ở đây xuống âm, băng tuyết mênh mông và nhất là những cơn gió lên tới hàng trăm km/ giờ có thể cuốn theo bất kỳ thứ gì trên đường đi của chúng. Tôi không sao hình dung nổi mình có sống được ở đây không, khi ngày nào cũng phải chịu đựng những cơn bão cấp 10 tới cấp 12 như vậy. Người dẫn đường của chúng tôi nói, ngay cả người Argentina cũng khâm phục những cư dân quả cảm chọn sống ở nơi tận cùng thế giới trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy.

Theo những bước chân là những hòa sắc khác nhau của các màu lá. Làng nhỏ dần lùi lại phía sau. Sự mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng. Dù đã từng ở nhiều quốc gia khác vào mùa thu, lội bộ nhiều giờ trong những cánh rừng Thuỵ sĩ, Áo và miền nam nước Đức, đã nhiều ngày lang thang ở Úc theo cánh lá vàng, nhưng tôi thấy mùa thu ở vùng cực nam của trái đất này thật đặc biệt. Sự chuyển sắc của lá trên một thân cây, một vạt rừng hay cả một quả núi thật diệu kỳ.

Từ xanh sang vàng, từ vàng sang cam, từ cam sang hống, đỏ nhạt, đỏ thẫm rồi đỏ tía, đó là một sự chuyển sắc tinh tế và ngọt ngào đến đê mê mà chỉ có Thiên nhiên mới vẽ được trong một bức họa tuyệt bích. Sau mỗi con dốc nhỏ xíu, trơn trượt, phải bám lấy cây mà đi, là một cánh rừng. Sau mỗi cánh rừng là một trảng cỏ mênh mông với những bụi cây lúp xúp ngang người. Quang cảnh hệt như trong những bộ phim thám hiểm bom tấn của Hollywood. Những bụi cỏ nở đầy hoa trắng, những bông lau nhỏ mềm mại uốn theo chiều nắng. Hoa chân vịt, cúc dại trắng và vàng, vebera tím, và vô số loài cỏ không thể nhớ hết tên, có ở khắp nơi. Theo những bức chân là muôn vàn màu lá.

Không chỉ có cây lớn đổi màu khi thu về mà cả những bụi cỏ cao, cây dại và những loài địa y nơi đây cũng đang chuyển sắc cùng mùa. Nấm trắng lấp ló trong đám lá vàng, nấm nâu to gần bằng bàn tay em bé mọc thành từng đám dưới đám thân cây đổ nằm ngổn ngang trong rừng. Một cây cổ thụ bật tung bộ rễ đen có đường kính phải vài mét, nổi bật trên nền lá vàng. Bỗng đâu có cảm giác là sẽ có con khủng long nào đó hiện ra sau những gốc cây ngổn ngang kia. Ký ức về những cánh hoa dại nơi thảo nguyên Mông cổ, mùi hoang hoải của những bụi lau khổng lồ vùng New South Wales nước Úc và những tháng ngày rong ruổi theo dấu sư tử, báo Cheeta ở Sherengeti, Tanzania lại ùa về mạnh mẽ. Dưới chân tôi là eo biển Beagle huyền thoại, nơi nhà bác học Darwin đã ở trên con tàu cũng tên trong hành trình nghiên cứu động vật của mình. Nơi tôi đứng có thể là nơi họ đã hạ trại và sống trong thiếu thốn nhiều năm liền để thực hiện những cuộc nghiên cứu của mình.

Xa hơn nữa là Ushuaia “Fin del mundo“ - vùng đất tận cùng thế giới được nhà thám hiểm Magellan khám phá vào năm 1520. Những con người vĩ đại ấy, những con người phi thường ấy đã hít thở bầu không khí này, nhìn ngắm thiên nhiên này như chúng tôi hôm nay.

Bên kia eo biển là dãy núi băng quanh năm bao phủ thuộc Chi lê. Bên phải tôi là rặng Martial trùng trùng điệp điệp đỉnh phủ tuyết trắng xóa. Mùa của lá thu trên nền tuyết trắng và biển xanh, mang lại cho tôi một cảm nhận chưa từng có. Khí chất của những con người quả cảm năm xưa như còn vương vấn đâu đây, hoà vào hương thu, hoà vào khí biển, ở lại nơi hoang dã, ở lại trong từng con người, nếp nhà vùng cực nam trái đất. Nơi heo hút ấy đã mang lại cho tôi những ngày không thể nào quên, mang lại cho tôi những cảm nhận chưa từng có. Một cảm giác được ôm ấp, được vỗ về, được sống trong bao dung, sống không phán xét hay bị phán xét, được thấy mình là một phần của thiên nhiên và vũ trụ bao la, thật rõ và thật gần.

Hành trình khám phá Patagonia của tôi mới chỉ bắt đầu được một tuần. Mỗi ngày đã và sẽ là một khởi đầu mới, đúng như tinh thần của Ushuaia và tinh thần của “ Đi như tờ giấy trắng”.

Bài - ảnh: HS Trần Thùy Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật ký lữ hành Argentina: Ngày cuối cùng ở nơi tận cùng thế giới