Nhật Bản mới đây đã cáo buộc Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước tập trung đối phó với COVID-19 để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nghi ngờ Bắc Kinh truyền bá và tuyên truyền thông tin sai lệch khi cung cấp viện trợ y tế cho các quốc gia chống lại dịch bệnh.

Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc lợi dụng COVID-19 thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông

14/07/2020, 15:29

Nhật Bản mới đây đã cáo buộc Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước tập trung đối phó với COVID-19 để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nghi ngờ Bắc Kinh truyền bá và tuyên truyền thông tin sai lệch khi cung cấp viện trợ y tế cho các quốc gia chống lại dịch bệnh.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua sách trắng về quốc phòng trong đó chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc - Ảnh: Japan Times

Theo Reuters, trong sách trắng về quốc phòng đã được chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe thông qua ngày 14.7, Nhật Bản đã cáo buộc “Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Tài liệu này mô tả sự xâm nhập "không ngừng" ở vùng biển xung quanh nhóm đảo nhỏ mà hai quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó ở Biển Đông, Bắc Kinh đang khẳng định yêu sách lãnh thổ bằng cách thiết lập các khu hành chính xung quanh các đảo tranh chấp.

Theo sách trắng về quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc đang cố gắng "tuyên truyền" và "thông tin sai lệch" trong bối cảnh dịch bệnh, gây ra "những bất ổn và hoang mang trong xã hội" như những thuyết âm mưu rằng dịch bệnh được mang tới Trung Quốc từ quân đội Mỹ hay thông tin thảo dược Trung Quốc có thể trị được COVID-19.

Động thái chỉ trích Trung Quốc từ Nhật Bản có những điểm tương đồng với các bình luận của Mỹ trước đó, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng trong hàng loạt vấn đề như về Hồng Kông, Đài Loan, tranh chấp thương mại.

Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13.7 chính thức phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đánh dấu một bước ngoặt từ Washington khi công kích trực tiếp tham vọng của Bắc Kinh. Ông khẳng định Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý nào" cho yêu sách "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.

Tuyên bố trên được đăng lên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hồi năm 2016, theo đó vô hiệu hóa các yêu sách hàng hải của Trung Quốc, xem các yêu sách này là không có cơ sở trong luật quốc tế. "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình", Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong một thông báo được đưa ra hôm 12.7 nhân dịp kỷ niệm 4 năm phán quyết của PCA về Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cũng tái khẳng định lập trường không thỏa hiệp và kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ phán quyết này.

Philippines đầu năm 2013 nộp hồ sơ kiện "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 12.7.2016, PCA ra phán quyết khẳng định "đường 9 đoạn" không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc từ chối tham gia vào tiến trình của vụ kiện và từ đó tới nay vẫn ngang ngược bác bỏ phán quyết. Bắc Kinh phớt lờ phán quyết bằng cách gia tăng các hành động khiêu khích với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong vài tháng qua, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách lập đơn vị hành chính tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc lợi dụng COVID-19 thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông