Mark Zuckerberg từng là người giàu thứ ba thế giới. Hiện tỷ phú công nghệ đã tụt xuống vị trí thứ 10 nhưng vẫn có tài sản ròng trị giá 113 tỉ USD, theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index.

Nhận lương 1 USD/năm, Mark Zuckerberg có tài sản ròng đến 113 tỉ USD

Sơn Vân | 15/09/2023, 19:42

Mark Zuckerberg từng là người giàu thứ ba thế giới. Hiện tỷ phú công nghệ đã tụt xuống vị trí thứ 10 nhưng vẫn có tài sản ròng trị giá 113 tỉ USD, theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index.

Mark Zuckerberg là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, Instagram, WhatsApp, Threads cùng với Reality Labs - bộ phận chứa các đơn vị metaverse và VR (thực tế ảo).

Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú như thế nào?

Mark Zuckerberg là người mê máy tính từ khi còn nhỏ. Khi còn học tại Đại học Harvard, ông bắt đầu sử dụng mạng xã hội The Facebook với một số bạn bè vào năm 2004 như một cách để kết nối sinh viên.

Nhà đầu tư thiên thần Peter Thiel đã tài trợ cho ông 500.000 USD vào năm 2004. Đến cuối năm đó, Facebook đã có gần 1 triệu người dùng. Mark Zuckerberg bỏ học ở Đại học Harvard vào năm 2005 để dành toàn thời gian cho dự án này.

Năm 2005, hãng đầu tư mạo hiểm Accel Partners đầu tư 12,7 triệu USD vào Facebook, định giá công ty mạng xã hội ở mức 87,5 triệu USD. Năm tiếp theo, Mark Zuckerberg từ chối lời đề nghị bán Facebook cho Yahoo với giá 1 tỉ USD.

Các nhà đầu tư khác đã đổ tiền vào Facebook, bao gồm cả Microsoft và Goldman Sachs. Mark Zuckerberg sau đó đưa Facebook lên sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) vào tháng 5.2012. Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Facebook đã huy động được 16 tỉ USD, trở thành đợt IPO công nghệ lớn nhất từ trước đến nay và đưa Mark Zuckerberg lên bảng xếp hạng những người giàu có. Ông trở thành người giàu thứ 29 trên thế giới vào thời điểm đó.

Facebook đã xây dựng đế chế của mình bằng một loạt thương vụ mua lại lớn trong những năm 2010, gồm cả trả 1 tỉ USD cho Instagram vào năm 2012, 19 tỉ USD cho WhatsApp vào năm 2014 và 2 tỉ USD cho Oculus.

Hồi tháng 7, Mark Zuckerberg đã công bố thành viên mới nhất trong nhóm ứng dụng của Meta Platforms là Threads - đối thủ của Twitter (hiện được gọi là X) do Elon Musk làm chủ.

Vận may của Mark Zuckerberg phần lớn gắn liền với cổ phiếu Meta Platforms và tài sản của ông cũng tăng giảm theo đó. Theo ước tính của Bloomberg, ông từng trở thành người giàu thứ ba thế giới.

Tính đến tháng 3, Mark Zuckerberg sở hữu 15,8% cổ phiếu loại A của Meta Platforms và 99,8% cổ phiếu loại B. Ông kiểm soát 61,1% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

nhan-luong-1-usd-nam-mark-zuckerberg-co-tai-san-rong-113-ti-usd.jpg
Tài sản ròng của Mark Zuckerberg phần lớn gắn liền với cổ phiếu Meta Platforms - Ảnh: Getty Images

Mức lương của Mark Zuckerberg là bao nhiêu?

Mark Zuckerberg nhận được mức lương cơ bản chỉ 1 USD/năm từ Meta Platforms. Tỷ phú 39 tuổi người Mỹ cũng không nhận được tiền thưởng hoặc phần thưởng cổ phần từ công ty.

Thay vào đó, tổng số tiền bồi dưỡng cho ông từ Meta Platforms trong năm 2022 là 27,1 triệu USD, gồm cả các chi phí liên quan đến an ninh cá nhân và việc sử dụng máy bay riêng của cá nhân, công ty cho biết trong tuyên bố ủy quyền gần đây.

Meta Platforms đã chi khoảng 14,83 triệu USD cho vấn đề an ninh cá nhân của Mark Zuckerberg tại nơi ở của ông và trong chuyến du lịch cá nhân vào năm 2022.

Ngoài ra, Meta Platforms cũng trả cho Mark Zuckerberg khoản trợ cấp trước thuế hàng năm trị giá 10 triệu USD để "trang trải các chi phí bổ sung" liên quan đến an ninh cá nhân và gia đình ông, bao gồm nhân viên, thiết bị, dịch vụ và cải thiện nhà ở, mà công ty đã bỏ phiếu tăng lên 14 triệu USD vào tháng 2.

Kể từ tháng 3.2022, Meta Platforms thuê một chiếc máy bay riêng do Mark Zuckerberg sở hữu hoàn toàn. Công ty đã trả khoảng 523.000 USD cho việc đi công tác trên máy bay vào năm 2022, bao gồm cả một số khoản sử dụng của các lãnh đạo Meta Platforms khác, cùng với khoảng 2,28 triệu USD cho việc Mark Zuckerberg sử dụng máy bay vì mục đích cá nhân.

Các tỷ phú giàu hơn Mark Zuckerberg 

Tại thời điểm viết bài, Mark Zuckerberg là người giàu thứ 10 thế giới, theo ước tính của Bloomberg.

Người giàu nhất thế giới hiện là Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, với tài sản ròng ước tính là 248 tỉ USD, vượt xa ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault (Pháp) 75 tỉ USD.

Ngoài Bernard Arnault và nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, tất cả những người giàu hơn MarkZuckerberg trong danh sách Bloomberg Billionaires Index đều kiếm tiền từ ngành công nghệ.

Mark Zuckerber và Elon Musk tránh chạm mặt trong cuộc họp AI

Hôm 13.9, Elon Musk, Mark Zuckerberg, Sundar Pichai (Giám đốc điều hành Alphabet) và giám đốc điều hành các hãng công nghệ khác gặp gỡ các nhà làm luật tại Đồi Capitol để thảo luận quy định về AI.

Elon Musk và Mark Zuckerberg có lẽ không muốn chạm mặt nên ngồi rất xa nhau trong cuộc họp về AI do chính phủ Mỹ chủ trì. Reuters cho biết cả hai thậm chí không chạm mặt hay nói chuyện với nhau.

nhan-luong-1-usd-nam-mark-zuckerberg-co-tai-san-rong-113-ti-usd-.jpg
Elon Musk và Mark Zuckerberg ngồi rất xa nhau trong cuộc họp về AI - Ảnh: Reuters

Các nhà làm luật Mỹ đang tìm cách giảm thiểu mối nguy hiểm của công nghệ mới nổi, vốn đã bùng nổ về mức độ đầu tư và mức độ phổ biến với người tiêu dùng kể từ khi OpenAI phát hành chatbot AI ChatGPT.

Elon Musk cho biết cần có cơ quan quản lý để đảm bảo việc sử dụng AI an toàn. “Điều quan trọng với chúng tôi là phải có trọng tài”, tỷ phú giàu nhất thế giới nói với các phóng viên và so sánh nó với thể thao. Ông chủ mạng xã hội X nói thêm rằng cơ quan quản lý sẽ “đảm bảo rằng các công ty thực hiện các hành động an toàn và vì lợi ích của công chúng”.

Elon Musk cho biết cuộc họp này là "sự phục vụ cho nhân loại" và "có thể đi vào lịch sử vì rất quan trọng với tương lai của nền văn minh". Ông xác nhận đã gọi AI là “con dao hai lưỡi” trong phiên diễn thuyết.

Mark Zuckerberg cho biết: “Quốc hội Mỹ nên tương tác với AI để thúc đẩy sự đổi mới và thiết lập các biện pháp bảo vệ trong lĩnh vực này. Đây là một công nghệ mới nổi, có các yếu tố quan trọng cần cân nhắc, và chính phủ cuối cùng chịu trách nhiệm về điều đó”. Ông nói thêm rằng "tốt hơn là tiêu chuẩn được đặt ra bởi các công ty Mỹ có thể hợp tác với chính phủ để định hình các mô hình này về các vấn đề quan trọng".

Hơn 60 thượng nghị sĩ đã tham gia cuộc họp. Các nhà làm luật Mỹ cho biết đã có sự đồng thuận chung trong sự cần thiết phải có quy định của chính phủ về AI.

Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - người tổ chức cuộc họp, nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang bắt đầu thực sự giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất mà thế hệ tiếp theo phải đối mặt. Chúng tôi đã có một khởi đầu tuyệt vời cho vấn đề đó ngày hôm nay và có một chặng đường dài để đi".

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young, người đồng chủ trì cuộc họp, tin rằng Thượng viện đang "tiến đến mức mà tôi nghĩ các ủy ban thẩm quyền sẽ sẵn sàng bắt đầu quá trình xem xét luật của họ".

Thế nhưng, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rounds cảnh báo rằng sẽ cần thời gian để Quốc hội hành động. Ông nói: “Chúng ta đã sẵn sàng ra ngoài và viết luật chưa? Hoàn toàn không. Chúng ta chưa ở đó”.

Các nhà làm luật muốn có biện pháp bảo đảm chống lại công nghệ deep fake có tiềm năng gây hại như video giả mạo, can thiệp vào bầu cử và tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Những người khác tham dự cuộc họp gồm Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia – hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới), Satya Nadella (Giám đốc điều hành Microsoft), Arvind Krishna (Giám đốc điều hành IBM), Bill Gates (cựu Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập Microsoft), Sam Altman (đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành OpenAI) và Liz Shuler (Chủ tịch liên đoàn lao động AFL-CIO).

Bài liên quan
Meta cung cấp miễn phí mô hình AI nguồn mở, hợp tác với Microsoft và Qualcomm
Meta Platforms đã xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn để cạnh tranh với OpenAI và Google, nhưng đang thực hiện cách tiếp cận khác là phát hành miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận lương 1 USD/năm, Mark Zuckerberg có tài sản ròng đến 113 tỉ USD