"Nhưng tôi không cặp với nhiều người cùng lúc. Hết yêu người này tôi mới đến với người kia".

Nhạc sĩ Vinh Sử: ‘Bao nhiêu bản nhạc, bấy nhiêu nhân tình!’

Một Thế Giới | 06/01/2016, 08:30

"Nhưng tôi không cặp với nhiều người cùng lúc. Hết yêu người này tôi mới đến với người kia".

Có lẽ vì bản tính ông đào hoa, cũng có lẽ vì trái tim nghệ sĩ trong ông dễ rung cảm trước nhiều bóng hồng nên những người phụ nữ đã cùng ông nên duyên cũng lặng lẽ rời xa. Nhạc của ông vì thế buồn càng chất chứa, sầu càng đong đầy.
Nhân dịp được vinh danh trong chương trình Sol Vàng vào ngày 9.1 tới trên VTV9, nhạc sĩ Vinh Sử đã phân trần về thói trăng hoa với bốn bà vợ và những câu chuyện về cuộc sống lúc thăng, lúc trầm của mình.
Vinh Su, vua nhac sen, trang hoa, 4 ba vo, Yeu nguoi chung vach
"Vua nhạc sến" Vinh Sử thời trẻ.
Vì mê nhạc nên đời lênh đênh
Với danh xưng “vua nhạc sến”, nhạc sĩ Vinh Sử không chỉ mang nhạc bolero đi sâu vào lòng công chúng mà ông còn là bậc thầy trong việc tạo nên tên tuổi hàng loạt ca sĩ hàng đầu làng nhạc Việt. Bí quyết của ông là gì?
Tôi không có bí quyết gì đặc biệt. Dòng nhạc này vốn đã trữ tình, ngọt ngào nên dễ đi vào lòng người, đặc biệt là giới bình dân. Đỉnh cao của dòng nhạc này tại Việt Nam là vào những năm 1960 - 1970, với rất nhiều ca khúc được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cassette cũng như đĩa nhựa như Nhẫn cỏ cho em, Nỗi buồn hoa phượng…
Đầu thế kỉ 21, dòng nhạc này hồi sinh khi hàng loạt các ca sĩ hải ngoại về nước. Bên cạnh đó, các sao trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên cũng chọn bolero để hát, để ra album. Đây cũng chính là cơ hội khiến bolero phá cách khi có chất của pop, của nhạc sàn, nhạc điện tử… khiến kéo khán giả trẻ lại gần.
Theo ông, lý do gì khiến bolero sau nhiều năm lép vế trước nhạc Âu Mỹ, giờ đã trở lại mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc hiện đại như một minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của dòng nhạc bị cho là ủy mị này?
Bolero được yêu thích chủ yếu nhờ ca từ đơn giản và dân dã, giai điệu dễ nhớ, dễ bắt nhịp và dễ hát, và đặc biệt là sự đa dạng trong đề tài, phần lớn là những câu chuyện về tình yêu và cuộc sống, rất ý nghĩa nhưng cũng rất buồn.
Được mệnh danh là "vua nhạc sến", âm nhạc Vinh Sử gắn bó với dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng. Với hơn 60 năm sáng tác, tác phẩm của ông bây giờ là cả một “kho” đồ sộ với cả trăm bài đều là những bản nhạc thất tình. Vì như thế mà người ta càng tò mò về cuộc sống trước đây của ông…
Thời hoàng kim của tôi là những Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau... Đó là trước năm 1975, với tiền tác quyền từ các ca khúc này đủ để tôi tậu xe hơi, nhà lầu.
Thế nhưng, tuổi thơ tôi không trải hoa hồng. Cha mẹ là những người lao động bình dân, làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau này gia đình tôi về Sài Gòn sống bằng nghề làm bún và tôi được sinh ra trong một xóm lao động nghèo.
Nhưng nghe nói, gia đình ông có thu nhập khá tốt khi chuyển sang làm bún?
Đúng rồi. Khi chuyển sang làm bún, ba tôi vì ham làm mà rất giàu, giàu nhất xóm nhưng ông lại rất tiết kiệm, bóp mồm bóp miệng, không dám ăn thứ mình thích, không dám mua cái mình muốn. Đến cả ra đường khát nước cũng không dám mua uống mà chịu khát chờ về nhà.
Tính ba cũng rất kỳ. Con cái mới 9, 10 tuổi đã cho đi học nghề để kiếm tiền. Nhà có 4 anh chị em nhưng chỉ có tôi được ăn học.
Thế nhưng cũng lạ, những người theo nghề ba giờ đều giàu, chỉ có tôi mê nhạc nên đời lênh đênh.
Gia đình không có ai theo nghệ thuật, mọi người lại đi làm kiếm tiền từ sớm, ông có thể kể về kỷ niệm khiến ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng?
Tôi là người rất ương ngạnh, không nghe lời ba mẹ, chỉ làm những gì mình thích. Dù được cho ăn học đàng hoàng nhưng 15 tuổi tôi lại bỏ học để theo đuổi sở thích sáng tác nhạc.
Đây cũng là khoảng thời gian tôi chịu nhiều ánh nhìn hoài nghi từ chính gia đình và mọi người xung quanh. Vì ba tôi mù chữ nên không ai tin tôi. Đến nỗi khi nổi tiếng rồi mọi người vẫn nghĩ tôi đi ăn cắp nhạc của người ta.
Vinh Su, vua nhac sen, trang hoa, 4 ba vo, Yeu nguoi chung vach
Con đường đến với âm nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử nhiều gian nan.
Bản nhạc đầu tiên bị ném vào sọt rác
Ông không theo học trường lớp về âm nhạc, làm thế nào để ông có thể sáng tác được?
Âm nhạc như có sẵn trong máu tôi từ kiếp trước rồi. Tôi không được học nhạc trước đấy nhưng sau khi quyết định đến với nhạc, tôi đi học và mua nhiều loại sách hướng dẫn cách sáng tác. Sau một năm, tôi bắt đầu sáng tác và tất cả các tác phẩm đều nói về sự chia ly, mất mát của tình yêu đôi lứa.
Để có những tác phẩm như mọi người biết, tôi đã trải qua nhiều chuyện mà nghĩ đến đã thấy xấu hổ. Sáng tác là một chuyện, được ra mắt hay không là chuyện khác.
Trước khi sáng tác, tôi từng trộm tiền của ba má để chơi bời với giới nghệ sĩ nổi tiếng thời đó, nhất là những người làm phát thanh ở Sài Gòn. Tôi còn to gan bán cả căn nhà ba má cho được khoảng 300 - 400 ngàn để ăn uống, chơi bời.
Đến khi hết tiền, tôi giấu người thân và đến xin sống với một người bạn đạp xíc lô trong một con hẻm nhỏ. Cuối cũng ba má cũng phát hiện ra và ông bà tức giận đến mức gọi công an tới bắt tôi.
Nhưng tôi vẫn không từ bỏ đam mê. Còn nhớ lúc đó, Chế Linh đã ghi lại cho tôi bài Yêu người chung vách. Tối đến tôi thường mang ra lề đường, nơi bán hàng quán nhiều và mở lớn tiếng, mọi người khen hay. Thấy vậy tôi mang đi bán cho một nhà phát hành nhạc ở đường Nguyễn Trung Trực nhưng người chủ chỉ kêu về đợi.
Vài ngày sau tôi trở lại thì thấy cuốn băng của mình trong sọt rác. Tôi đã không dám cúi xuống lượm vì xấu hổ mà phải dùng đôi dép đang đi, kẹp lại mang giấu.
Yêu người chung vách có thể coi là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, ông đã làm cách nào trong khi nó đã bị ném trong sọt rác?
Tôi đã chịu nhiều tổn thương và bị coi thường, có lẽ đó cũng là thử thách vì may mắn là, không lâu sau đó, tôi gặp được trưởng ban văn nghệ Đài phát thanh Sài Gòn và bản nhạc đầu tay này của tôi được phát miễn phí suốt một tuần trên đài lúc đó.
Ngay lập tức, tôi nhận được rất nhiều hoa của khán giả gửi về và khen tặng. Cả người quăng bản nhạc của tôi vào sọt rác là ông Minh Phát cũng tìm đến và ra giá nhất quyết đòi mua lại để phát hành.
Vì từng bị lừa cả căn nhà nên tôi dè chừng mọi người hơn. Sợ người ta ăn gian kê thêm số đĩa của mình nên khi đi in băng tôi cứ lén lút để ý.
Vậy là từ đây, âm nhạc đã mang đến cho ông cả danh tiếng và tiền bạc?
Thời hoàng kim nhất của tôi là trước năm 1975. Số tiền tác quyền từ các ca khúc đủ để tôi tậu xe hơi, nhà lầu. Tôi cảm ơn trời vì đã cho tôi cứ chắp bút bài nào là nổi tiếng bài đó. Những bản nhạc sáng tác thời mới tập tành làm nhạc sĩ như Nhẫn cỏ cho em, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng… cũng được mọi người đón nhận. Tôi bỗng trở nên nổi tiếng và được gọi là “vua nhạc sến”.
Nhưng, lúc đó tôi nghĩ, có tiền thì phải tiêu, phải ăn nhậu và tôi sa đà vào những cuộc ăn chơi, mỗi đêm chi cả chục lượng vàng ở những nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn.
Bên cạnh những lời đồn ông tiêu tiền như nước, ông còn nổi tiếng là đào hoa vì yêu nhiều…
Tôi thích yêu người đẹp để khi thất tình dễ có cảm hứng sáng tác. Tôi không yêu người xấu. Tôi có bao nhiêu bài nhạc thì có bấy nhiêu người tình, cả viết cho vợ nữa. Nhưng tôi không cặp với nhiều người cùng lúc. Hết yêu người này tôi mới đến với người kia.
Tôi từng bị đồn một lúc ở với nhiều bà. Tôi có phải thần thánh đâu mà làm được vậy.
Ngoài âm nhạc và người tình, ông còn được nhắc đến nhiều vì có đến bốn bà vợ. Ông thấy mình là người may mắn?
Tôi có bốn bà vợ các con đủ trai gái nhưng ở tuổi xế chiều và đang bị ung thư đại tràng, tôi sống một mình trong căn nhà hơn 10m2. Thỉnh thoảng cô vợ thứ ba có tới thăm. Sau khi bỏ tôi, cô ấy lấy chồng khác nhưng chồng cô ấy mất rồi.
Không phải con cái không quan tâm mà do tôi thích ở một mình. Chúng gọi điện hỏi thăm hoài còn khiến tôi bực mình. Tôi cũng già rồi nên sống tay trắng như giờ cũng được, vì chết rồi đâu có mang được theo.
Nghe nói sức khỏe của ông có tiến triển hơn nhiều và ông cũng có nhiều bản nhạc muốn ra mắt?
Nói thế này cũng không sai, nhờ bệnh tật, sức khỏe yếu mà tôi ở nhà và viết được nhiều hơn. Hiện tôi có hơn 200 bản nhạc chưa ra mắt.
Tôi rất vui khi biết sắp tới chương trình Sol Vàng tới đây tặng riêng tôi một đêm nhạc mang tên Vinh Sử - Gõ cửa trái tim. Chương trình này ngoài những ca khúc quen thuộc, tôi cũng gửi đến khán giả một số sáng tác mới. Hi vọng danh ca Giao Linh, Ngọc Sơn, Chế Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Khả Tú, Tuấn Vỹ, Mai Quốc Huy... sẽ truyền tải hết được những tâm tình của tôi đến với khán giả.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Lắng nghe và cảm nhận ca khúc đầu tay "Yêu người chung vách" của nhạc sĩ Vinh Sử qua giọng hát của ca sĩ Mạnh Quỳnh:
Thúy An - Dân Việt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Vinh Sử: ‘Bao nhiêu bản nhạc, bấy nhiêu nhân tình!’