Các bài hát viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên hiện đang đình đám trên kênh Youtube VN. Ca khúc "Mẹ ơi tại sao?" (Bảo An), đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt truy cập, đồng thời có khả năng đoạt giải Youtube Award VN năm 2016 (dành cho thể loại nhạc thiếu nhi).

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên: 'Âm nhạc như xe thời gian'

07/10/2016, 05:21

Các bài hát viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên hiện đang đình đám trên kênh Youtube VN. Ca khúc "Mẹ ơi tại sao?" (Bảo An), đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt truy cập, đồng thời có khả năng đoạt giải Youtube Award VN năm 2016 (dành cho thể loại nhạc thiếu nhi).

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên

Những tình khúc Yêu em Hà Nội (Hồng Nhung), Romance Đêm (Đoan Trang), Như giấc mơ đầu (Quang Dũng), Xe thời gian, Chiều thu (Quách Thành Danh), Hà Nội anh & em (Mỹ Lệ), Khúc bình yên cho anh, Cần có anh để yêu (Như Ý), Xa biển (Ngọc Anh), Bài Blues cho em, Như bài hát cũ (Đình Nguyên), Chờ em đêm mùa đông (Hứa Vỹ Văn)… đã làm nên một Nguyễn Đình Nguyên nhẹ nhàng, lãng đãng và sâu lắng. Ở thể loại tình khúc anh không dẫn dụ người nghe bằng các kỹ thuật âm nhạc hiện đại và ca từ sáo rỗng, mà anh đã làm nên các tình khúc rất riêng của mình như tự sự của những hoài niệm và ước mong…

Các bài hát viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên hiện đang đình đám trên kênh Youtube VN. Ca khúc "Mẹ ơi tại sao?" (Bảo An), đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt truy cập, đồng thời có khả năng đoạt giải Youtube Award VN năm 2016 (dành cho thể loại nhạc thiếu nhi). Hơn 10 mùa Trung thu, bài Vui hội trăng rằm cũng đã được các đài phát thanh, truyền hình và sân khấu khắp cả nước dùng làm tiêu đề để dàn dựng chương trình vui Trung thu cho các bé thiếu nhi. Nhạc thiếu nhi anh viết ít, dường như chỉ viết để tặng riêng cho con gái lớn của mình. Tuy vậy, khi nghe các bài hát thiếu nhi như: Ông yêu, Giúp bà, Con yêu mẹ, Con gái nhớ ba, Cún con và Mèo Mi… thì đâu đó ta thấy hiển hiện một gia đình quây quần yêu thương cùng một đứa trẻ con từng ngày lớn khôn với những hồn nhiên, ngây ngô và đôi khi ngớ ngẩn…

Cứ “đến hẹn lại lên”, hai năm một lần TP.HCM tổ chức “Liên hoan hợp xướng” cho các tỉnh phía Nam thi thố các bài viết “Hợp xướng về quê hương - đất nước - con người”, thì bài Sài Gòn thành phố tôi yêu của anh được nhiều quận huyện hoặc cơ quan đoàn thể nào đó chọn để ứng thí tại liên hoan, và như một “tiền duyên” có thi là có giải!

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên được sinh ra và lớn lên tại Vũng Tàu. Anh rời thành phố biển rực nắng để đến Sài Gòn phồn hoa nhằm theo học đại học từ năm tuổi ngoài hai mươi. Anh tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế và Cử nhân Luật, cũng cùng thời gian ấy, anh tham gia Khóa học sáng tác ca khúc tại Nhạc viện. Sau khi trở thành hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM, anh dành thời gian viết báo trong lĩnh vực âm nhạc, anh đã từng nắm giữ vị trí Thư ký tòa soạn của Tạp chí Sóng nhạc - một manchette Âm nhạc, thuộc quản lý của Hội Âm nhạc TP.HCM thời ấy. Duyên Dáng Việt Nam đã tìm hiểu và có một cuộc trò chuyện thú vị với nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên.

DDVN: Từng say mê âm nhạc, vừa viết ca khúc vừa điều hành một tờ báo âm nhạc đình đám của những năm 2003 - 2006, chắc anh có nhiều kỷ niệm. Anh có thể kể lại một vài ký ức đáng nhớ nhất?

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên: Ngày ấy, là một chàng trai đầy nhiệt huyết, tôi say mê học hành và yêu âm nhạc. Tôi được Hội Âm nhạc TP.HCM tin tưởng giao làm Thư ký tòa soạn của Tạp chí Sóng nhạc, ở vị trí này tôi phải đảm trách hầu như toàn bộ công việc để một ấn phẩm báo chí hoàn thiện đến tay bạn đọc. Từ khâu tập hợp bài vở, chuẩn bị hình thức và nội dung, sửa morat, theo dõi in ấn và phát hành… Nhưng trên tất cả các khâu, thì khâu quản lý nhân sự vẫn là khâu quan trọng nhất. Đội ngũ phóng viên, là những người ngoài chuyên môn thì trời phú cho họ có một nhạy cảm trong suy nghĩ, đôi khi bài họ viết được đăng tải và nhận nhuận bút đầy đủ, nhưng với thái độ hoặc lời nói của những nhân viên trong tòa soạn không làm họ hài lòng có thể khiến cho họ đi đến quyết định thôi hợp tác.

Thời của báo giấy chưa được thay thế bởi những trang web thì sự quản lý của nhiều người, nhiều ban, nhiều cấp, nhiều cơ quan cho một tạp chí là những “hàng rào ấp chiến lược” mà những người trực tiếp phụ trách để từng kỳ tạp chí đến tay bạn đọc thật là nan giải… Có quá nhiều chuyện vui buồn trong nghề làm báo, nhưng cá nhân tôi cũng không sao quên được một kỷ niệm “buồn lạ”, khi mà một kỳ tạp chí chuẩn bị bàn giao cho công ty phát hành thì được lệnh của cơ quan chủ quản phải ngừng ngay việc phát hành và triệu tập cuộc họp nội bộ gấp. Trong buổi họp, một nhạc sĩ lão thành họ Trần phát biểu rằng: “… tại sao đưa hình ảnh của tôi lên cùng một trang báo với thông tin Michael Jackson và chuyến lưu diễn Japan”!?

Theo tôi được biết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nắm giữ vị trí Thư ký tòa soạn như anh xưa kia. Anh có kỷ niệm nào với ông ấy hay không?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đàn anh gạo cội, nên tôi không có mối quan hệ đặc biệt nào trong sáng tác và công việc. Vả lại, khi về thay vị trí của ông, tôi tiếp nhận, gầy dựng và thay đổi dường như toàn bộ từ nội dung đến hình thức của tạp chí so với những thời kỳ trước. Tôi thỉnh thoảng gặp ông vào những buổi tối ở Hội quán “Những người bạn” trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1 với ít ly Chivas giữa hai thế hệ… Chỉ duy nhất một kỷ niệm “vui lạ” với ông, là ông có để lòng với một cô gái tên Kim Liên, tên thường gọi là Thu Hồng. Thu Hồng ở cùng nhà trọ với tôi trên đường Trần Huy Liệu, Q.3. Cũng vào mùa Trung thu, năm ấy ông gởi nhiều quà và bánh Trung thu cho Hồng, nàng lấy quà đó biếu lại cho tôi kèm theo nụ hôn và “Quà Trung thu cho anh sinh viên nghèo nè… Em yêu anh!”.

Anh bước vào âm nhạc như thế nào và đã sáng tác bao nhiêu ca khúc?

Đam mê âm nhạc từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi, tôi vẫn đều đặn đến nhà riêng của thầy dạy nhạc trên con hẻm nhỏ dưới chân núi Lớn Vũng Tàu để theo học guitar classic. Mẹ tôi biết điều đó và luôn khuyến khích, cho phép tôi dành nhiều thời gian học nhạc. Suốt thời niên thiếu tôi rất ngoan đạo và phụ trách về âm nhạc trong ca đoàn của nhà thờ nơi gia đình tôi cư ngụ. Cứ thế, âm nhạc dường như là một người bạn đường chung thủy với tôi, theo tôi vào đại học, ở môi trường mới tôi cũng là một thành viên trong đội văn nghệ của trường.

Tôi viết nhạc nhiều hơn, nhưng vụng về, viết ngẫu hứng và dễ dãi, viết như một cách để giải tỏa năng lượng… Rất nhiều ca khúc được viết ra đến giờ vẫn nằm trong học tủ vì những lý do rất bình thường rằng ai sẽ là người hòa âm, phối khí? Ai hát? Mà làm MV để làm gì? Chi phí để thực hiện? Thật vậy, đến nay tôi chỉ mới đăng ký bản quyền tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả phía Nam trên 40 ca khúc của tất cả các thể loại.

Đời sống âm nhạc Sài Gòn nói riêng và nhạc trẻ cả nước nói chung hình như có rất nhiều biến động. Nhất là thị hiếu và “gu” của các bạn trẻ... Anh nghĩ gì về điều này?

Âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống thường nhật, nhất là giới trẻ. Không riêng gì ở Sài Gòn, mà hầu như khắp đất nước, giới trẻ hiện nay yêu chuộng thể loại ca khúc được viết mang hơi hướm hiện đại có phần ảnh hưởng từ các dòng nhạc đậm đặc tính “kỹ thuật” và “thời trang” từ các nước trên thế giới, nhất là các nước Bắc Á như Hàn Quốc… Chính vì mang tính thị trường nên nhạc trẻ không được đầu tư bằng trải nghiệm, trăn trở mà dường như được chú trọng đầu tư về phần “nhìn” chứ không phải phần “nghe”. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta gán ghép cho cả một thế hệ sáng tác hiện nay là hời hợt hay đã đánh mất giá trị âm nhạc “thuần Việt”. Đâu đó vẫn có những ca khúc viết về thân phận, con người mà khi nghe chúng ta cảm được những “va chạm” tới từng góc nhỏ của cuộc sống hàng ngày như “Khi người lớn cô đơn” của Phạm Hồng Phước chẳng hạn…

Tuy vậy, thưởng thức âm nhạc như thế nào là tùy vào sở thích và thẩm âm riêng của mỗi người. Ở góc độ cá nhân người viết nhạc, tôi cố gắng thổi càng nhiều cảm xúc và đưa vào ca khúc của mình những “kỹ thuật” hiện đại hòa lẫn với sự cảm âm của giới trẻ hiện nay, hầu muốn góp phần bé nhỏ của mình trong đời sống âm nhạc thêm lành mạnh và phong phú.

Nhiều người yêu nhạc vẫn mong đợi một đêm nhạc hay một liveshow giới thiệu những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên. Bao giờ thì anh thực hiện?

Tôi đã và chưa bao giờ suy nghĩ tới một “đêm” hay một “liveshow” nào cho riêng mình, đơn giản vì “Tôi là người viết”.

Những dự định mới trong sáng tác của anh?

Một album nhạc thiếu nhi nữa sẽ ra đời để tặng cho con gái thứ hai - Nguyễn Gia Lê Vi của tôi khi bé lên 6 tuổi. Album thiếu nhi đầu tiên của tôi có tên là “Con gái nhớ ba” được viết tặng sinh nhật cho con gái đầu lòng - Nguyễn Đình Gia Văn, khi bé được 6 tuổi. Với tôi, âm nhạc như một ly cà phê sữa đá, nó ngọt mà đắng, nó trong vắt mà cũng nâu đen, nó khiến tôi nhớ và thèm khi mỗi sáng qua từng góc phố Sài Gòn, tôi muốn được nhâm nhi và chiêm nghiệm mọi thứ quanh mình, chậm, hờ hững mà cũng vội vã như những cung bậc âm thanh vội đến và đi theo dòng suy nghĩ, chúng không được giữ lại nếu tôi cứ mê say với dòng chảy cuộc đời mỗi ngày…

Sở thích nào khác ngoài âm nhạc mà anh hài lòng về mình?

Có nhiều thứ mà tôi say mê quá! Thi ca, văn học, hội họa… những thứ này “cắp trọn” thời gian mỗi ngày của tôi. Tôi hài lòng và yêu những ngày của tôi. Chỉ một điều, đó là hãy biết yêu thương những gì chúng ta đang nắm giữ, dù nhỏ và mong manh…

Nguyễn Hữu Hồng Minh / Duyên dáng Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên: 'Âm nhạc như xe thời gian'