Những tựa đề bài hát “Như lời đồn, Nắng cực, Như cái lò, Thu dẩm…” khiến cho các nhạc sĩ tiền bối như Hàn Châu, Lê Minh chỉ còn biết… lắc đầu ngán ngẩm.

Nhạc sĩ Hàn Châu: ‘Nghe tên các bài 'Như lời đồn', 'Nắng cực', 'Như cái lò'... tôi chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm’

TIỂU VŨ | 24/10/2018, 19:01

Những tựa đề bài hát “Như lời đồn, Nắng cực, Như cái lò, Thu dẩm…” khiến cho các nhạc sĩ tiền bối như Hàn Châu, Lê Minh chỉ còn biết… lắc đầu ngán ngẩm.

Không phải đợi đến khi nhạc sĩ trẻ Dương Cầm lên tiếng về tựa bài Như lời đồncủa nhạc sĩ Khắc Hưng thì dư luận mới chú ý đến việc chọn đặt tên cho khúc của các nhạc sĩ trẻ.

Chuyện những bài hát có tựa đề Như lời đồn, Nắng cực, Như cái lò, Thu dẩm… và nhiều tựa bài hát sốc sến khác đã được các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ xem như là “vấn nạn” nhức nhói trong đời sống âm nhạc hiện nay.

Phóng viên báo điện tửMột Thế Giới đã có cuộc trao đổi 3 nhạc sĩ thuộc 3 thế hệ khác nhau về cách đặt tên bài hát của các nhạc sĩ trẻ hiện nay.

Dưới đây là ý kiến của các nhạc sĩ Hàn Châu, Lê Minh và Nguyễn Minh Anh.

Nhạc sĩ Hàn Châu: Tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm

Nhạc sĩ Hàn Châu (cầm míc) trong một buổi gặp gỡ với báo chí - Ảnh: Tiểu Vũ

Nhạc sĩ Hàn Châu-tác giả của những tình khúc bolero nổi tiếng như Cây cầu dừa,Ngõ hồn qua đêm,Những đóm mắt hỏa châu,Thành phố sau lưng,Tội tình,Về quê ngoại... cho rằng việc đặt tên bài hát với những cụm từ sốc, nghe không "thuận tai" của các nhạc sĩ trẻ hiện nay phần lớn đều xuất phát từ việc họ muốn tạo chú ý và mang tính thực dụng.

Nhạc sĩ Hàn Châu đưa ra quan điểm: Không có gì để ầm ỉ về việc đặt tên cho ca khúc của các nhạc sĩ trẻ hiện nay cả. Thời gian sẽ đào thải dầnnhững bài hát mang tính "trào lưu". Có thể ban đầu bài hát sẽ được thu hút vì cái tựanhưng rồichắc chắn nó sẽnó đã chết yểu sau vài ba lần hát. Hoặc tự nó sẽ biến mất.

“Qua cái tựa lạ và sốccác nhạc sĩ trẻ mong muốnthu hút khán thính giả tò mò tìm đến ca khúc của mình. Tuy nhiên suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Bởi một ca khúc hay phải hội tụ nhiều yếu tố khác nhau như nội dung ca từ, cốt truyện, giai điệu, ca sĩ thể hiện, cái tự chỉ là một phần trong số đó. Giới trẻ tìm đến cái tựa lạ để xem trong đó có gì và rồi họ sẽ bỏ đi vì “không có gì ngoài cái tựa”, nhạc sĩ Hàn Châu nói.

Theo nhạc sĩ Hàn Châu, thế hệ nhạc sĩ của ông rất chú trọng đến việc đặt tựa cho bài hát: “Sau khi hoàn thành bài hát, chúng tôi thường bỏ ra rất nhiều thời gian để suy nghĩ đặt tên cho nó. Tên bài hát phải mang tính văn hóa, nhẹ nhàng và mang đậm tính văn chương.

“Tôi không có ý chê các nhạc sĩ trẻ, nhưng mỗi khi tình cờ đọc tựa bài hát của họ, tôi chỉ còn cách lắc đầu ngán ngẩm”, nhạc sĩ Hàn Châu chia sẻ.

Nhạc sĩ Lê Minh: Tên bài hát như văn nói của “phường chợ”

Nhạc sĩ Lê Minh - Ảnh: T.V

“Thời gian gần đây trên thị trường âm nhạc, việc đặt tựa cho bài hát đã thật sự chỉ là để tạo ra sự chú ý cho những khán thính giả tò mò. Nhiều tiêu đề phản cảm cứ nhan nhản xuất hiện, ca khúc cũng không còn mang tính văn học mà đơn thuần chỉ là văn nói của “phường chợ” dần dà lâu ngày vô hình chung đã đưa thị hiếu thẩm mỹ người yêu nhạc đi xuống. Nguyên nhân vì sao các nhạc sĩ trẻ giật tít những tựa đề mất chất văn học như vậy. Theo tôi nghĩ chẳng qua họ muốn gây sốc để tạo nên sự tò mò chú ý của người nghe nhạc.

Chỉ cần một cú nhấp chuột thì một view đã mặc nhiên hình thành. Thích hay không, khen hay chê cũng chẳng ảnh hưởng gì cho nhạc phẩm đó, mà mục đích chính là được lượng tương tác cao sẽ mau “nổi tiếng”. Các nhà phê bình âm nhạc lại thờ ơ và rất ít khi lên tiếng, những người sáng tác thì ngại nói vì không khéo sẽ thành “trâu buộc ghét trâu ăn” vì thực tế các bài hát phản cảm này kiếm vài trăm, thậm chí vài triệu lượt nghe quá dễ dàng.

Ngoài ra, sự dung tục này cứ hiển nhiên tồn tại và phát triển, chúng ta còn phải kể đến sự tiếp tay dù gián tiếp hay trực tiếp của các đài phát thanh - truyền hình đã và đang đẩy các nhạc sĩ trẻ này đi xa hơn với ảo tưởng làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc. Những chiêu trò thật rẻ tiền được xem như là một lá bùa hộ mệnh để nhanh chóng đi đến thành công. Mặc dù biết sẽ sớm nở tối tàn nhưng cái hào quang giả tạo ấy không ít người vẫn đâm đầu vào, miễn sao tạo được bài hit mà không mải mai xấu hổ khi thiên hạ dè bỉu rẻ khinh. Sự thành công đó có thật hay không, chúng ta chỉ cần lướt qua các chương trình âm nhạc, đại đa số người yêu nhạc đã quay lưng hờ hững với nó và tìm nghe lại những sáng tác cách đây hàng mấy mươi năm về trước.

Với những nhạc sĩ tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, họ luôn cẩn trọng khi đưa đến công chúng một sản phẩm âm nhạc. Trong ca khúc để đặt tựa cho một bài hát người nhạc sĩ thường trăn trở rất lâu, tựa đề phải bao hàm hết ý của nội dung bản nhạc. Cái khó là nó chỉ rút gọn trong một vài từ, cô đọng nhưng hàm xúc đầy đủ những điều người nhạc sĩ muốn gửi gắm, giải bày nỗi niềm riêng đến với người yêu nhạc.

Điển hình một số bài hát tựa đề dù ẩn dụ như: Riêng một góc trời, Như cánh vạc bay, Khu thụy duhay rõ nghĩa như Xóm đêm, Kiếp nghèo, Vui trong ngày cưới… tác giả dung như từ ngữ đời thường gần gũi nhưng tác phẩm của họ vẫn sống mãi với thời gian.

Đối với đa phần dân yêu âm nhạc họ rất tỉnh táo để phân biệt thật giả, trắng đen. Các sáng tác với tiêu đề và nội dung không ra gì hiển nhiên sẽ không có chỗ đứng trong lòng người mộ điệu. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần gióng lên hồi chuông cảnh báo cho đại đa số các bạn trẻ, giúp họ làm thế nào để có thể nhận ra được chân giá trị của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng".

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Minh Anh: Như cái lò, Thằng khùng, thằng điên quả là những cái tựa không bình thường

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Anh - Ảnh: T.V

Nói về trào lưu đặt tên “sốc, lạ độc” cho ca khúc của các nhạc sĩ trẻ hiện nay, nhạc sĩ thế hệ 8x Nguyễn Minh Anh (TP.HCM) chia sẻ. “Dù là nhạc sĩ thế hệ nào đi nữa thì việc đặt tên cho đứa con tinh thần của mình vẫn không thể đi lệch khỏi những giá trị văn hóa chung của người Việt. Tên bài hát phải thật ấn tượng, dễ nhớ, dễ chú ý để tạo sự thu hút của công chúng, thế nhưng không phải vì những yếu tố đó mà muốn đặt tên sao cũng được. Tên của bài hát ít nhiều cũng nói lên được “tư cách” của người nhạc sĩ sáng tác ra nó. Những tiêu đề dễ dãi, phản cảm, sốc chỉ có thể tồn tại trong một bộ phận nhỏ của các khán giả trẻ rồi một thời gian sau sẽ chìm vào quên lãng

Bản thân Nguyễn Minh Anh cũng có rất nhiều sáng tác có những tựa đề độc chẳng hạn như: Đổi đời, Sự thật phủ phàng và gần đây là ca khúc Không tiền cạp đất mà ăn… dù cái tựa tôi lấy theo câu nói “nổi tiếng” của một người mẫu nhưng không phải “ăn theo’ mà là để phê phán lối sống thực dụng của một số bạn trẻ.

"Theo tôi nghĩ, đặt tựa cho bài hát kiểu “không đụng hàng” là một sáng tạo của các nhạc sĩ, tránh sự trùng lặp khuôn khổ một cách nhàm chán, tuy nhiên với từ ngữ quá phản cảm kiểu như Cái lò, Thằng khùng, Con điên… như một số nhạc sĩ đã đặt thì quả là không bình thường. Chỉ mong các bạn làm nghệ thuật làm văn hoá thì cần phải có văn hoá để có những tác phẩm để đời ghi sâu vào lòng công chúng.”

Mới đây, trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Dương Cầm gây chú ý khi có những đánh giá về bài hátNhư lời đồn(sáng tác của Khắc Hưng). Nam nhạc sĩ cho biết cách đặt tiêu đề như vậy là không văn minh và gây ảnh hưởng đến văn hóa tiếp nhận của người trẻ. Thậm chí, Dương Cầm còn khẳng định sẽ cấm phát hành ca khúc này nếu như có quyền.

Chia sẻ của Dương Cầm nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Bên cạnh đó, một số nhạc sĩ như Lê Minh Sơn, Nguyễn Văn Chung cũng lên tiếng phản đối cách đặt tiêu đề như thế.

Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Hàn Châu: ‘Nghe tên các bài 'Như lời đồn', 'Nắng cực', 'Như cái lò'... tôi chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm’