Ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng khiến nhạc Bolero được nhiều người nghe và hát theo. Nhưng cách dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng khi biểu diễn thể loại này lại là một thách thức với nhiều ca sĩ, rất là nhiều ca sĩ trẻ hiện nay.

Nhạc Bolero - dễ nghe nhưng khó hát

Một Thế Giới | 05/05/2015, 07:29

Ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng khiến nhạc Bolero được nhiều người nghe và hát theo. Nhưng cách dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng khi biểu diễn thể loại này lại là một thách thức với nhiều ca sĩ, rất là nhiều ca sĩ trẻ hiện nay.

Bolero là thể loại nhạc trữ tình với giai điệu chậm, có xuất xứ từ các nước Latin. Thể loại này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 với tên gọi bình dân như nhạc "sến", nhạc "nước máy". Theo nhạc sĩ Đức Trí, nếu âm nhạc hiện đại gọi nhạc trữ tình là Ballad thì đối với các nước Latin, nhạc trữ tình gọi là Bolero.
"Các nhạc sĩ Việt Nam đã khéo kết hợp nhạc Bolero với các làn điệu dân ca truyền thống, tạo nên những giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người. Có thể nói, Bolero giống như một sự cách tân nhạc cổ của người miền Nam", nhạc sĩ Bảo Thu nhận xét về nét đặc trưng của nhạc Bolero khi du nhập vào Việt Nam.
Sau thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1980 - 1990, nhạc Bolero trở lại mạnh mẽ khi một số ca sĩ hải ngoại từng nổi tiếng với dòng nhạc này như Giao Linh, Chế Linh, Hương Lan... về nước biểu diễn. Từ chỗ được hát tại phòng trà và phát hành băng đĩa, nhạc Bolero được vinh danh trên những sân khấu lớn, trong các chương trình Sol Vàng, Tình khúc vượt thời gian. Giữa sự lên ngôi của nhạc trẻ, nhạc hiện đại, Bolero vẫn có chỗ đứng riêng bởi sự đồng điệu sâu sắc với nhiều thế hệ, tầng lớp khán giả.
Nhac Bolero - de nghe nhung kho hat-hinh-anh-1
 Nhóm yêu nhạc Bolero hát bên mộ nhạc sĩ Anh Việt Thu trong ngày giỗ của ông. 
Theo nhạc sĩ Đài Phương Trang, sở dĩ nhạc Bolero có sức sống lâu bền như vậy là do ca từ cũng như nhạc điệu mỗi bài hát dễ tạo nên cảm xúc khi nghe. Qua câu chuyện được kể trong từng tác phẩm, tình cảm và tâm tư của các nhân vật gặp được sự cộng hưởng của nhiều tâm hồn đồng điệu. "Trong bối cảnh xã hội trước và sau năm 1975, con người dù ở tầng lớp nào cũng chất chứa nhiều tâm sự. Những bản tình ca Bolero đã chạm được đến góc sâu kín nhất đó nên nhiều người, nhiều thế hệ nhớ và hát chúng", nhạc sĩ Đài Phương Trang nói.
Một nghệ sĩ hát rong cho biết, anh chọn loại nhạc này để mưu sinh trên đường phố và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân. "Nhạc Bolero hay và sâu lắng. Ở làng quê của tôi, người ta vẫn hát say sưa mà không sợ bị chê là hát nhạc sến . Quan trọng là họ tìm thấy cái tình của họ, cuộc sống của họ trong đó", anh tâm sự.
Hồng Phúc, sinh năm 1992, người đứng đầu một nhóm yêu nhạc xưa chia sẻ, anh và các bạn thích nhạc Bolero vì lời ca giản dị, dễ hiểu, gần gũi với đời sống. "Từ chuyện tình yêu lứa đôi đến tình yêu quê hương, đất nước, các nhạc sĩ viết bằng cảm xúc của chính mình mà như nói hộ tâm trạng của nhiều người. Quan trọng là ai cũng có thể hát được loại nhạc này, hát hay hay không lại là một chuyện khác", Hồng Phúc cho biết.
Nhac Bolero - de nghe nhung kho hat-hinh-anh-2
 Nhạc sĩ Bảo Thu từng đào tạo nhiều ca sĩ hát nhạc Bolero. Ông cho biết kỹ thuật dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng... rất quan trọng khi thể hiện một bài hát.
Một trong nhiều lý do tạo nên sức lan tỏa của nhạc "sến" chính là việc ai cũng có thể hát và chơi được nhạc cụ với Bolero. Tuy vậy, ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, Bolero dễ hát nhưng không phải ai hát cũng hay. "Từ hát được đến hát hay là cả một quãng đường dài mà nhiều người đi hoài, thậm chí cả đời cũng không tới", nữ ca sĩ từng nói.
Giới chuyên môn nhận định, Bolero là thể loại kén người hát bởi những đặc trưng riêng của nó.
Nhạc sĩ Y Vũ cho biết, Bolero khi du nhập vào Việt Nam mang nhiều đặc trưng giai điệu của hình thức ca vọng cổ miền Nam. Theo đó, cách hát cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng. Một trong những kỹ thuật hát vọng cổ là cách giữ hơi để xuống giọng cho "mượt". "Câu ca vọng cổ rất dài nên ca sĩ phải biết cách nín hơi để giữ giọng cho từng đó ca từ trong một quãng nhạc. Với Bolero cũng vậy, người hát cần sở hữu một làn hơi dài để tránh ngắt câu nhiều. Không những thế, họ cần biết dàn trải làn hơi một cách điêu luyện theo tiết tấu bài hát để không bị phô khi hát dài", nhạc sĩ cho biết.
Còn nhạc sĩ Bảo Thu nhận định, do ảnh hưởng của nhạc truyền thống miền Nam nên Bolero không có những tiết tấu trúc trắc hay những cú gằn giọng. Theo ông, hát nhạc Bolero giống như kể một câu chuyện tình, ca sĩ phải vừa nhập tâm vào nội dung bài hát, vừa phải điều khiển kỹ thuật để chuyển tải tốt nhất thông điệp về tình cảm của tác giả. "Ngoài chuyện điều khiển âm lượng to, nhỏ theo giai điệu, ca sĩ cần biết nhả chữ (lơi chữ) đúng điểm nhấn cảm xúc. Ngoài ra, người hát còn phải để ý đến kỹ thuật chuyển giọng giữa giọng ngực và giọng giả thanh. Người hát giỏi là không để khán giả nhận ra đoạn chuyển giọng của mình", Bảo Thu nói.
Chính kỹ thuật dàn hơi và nhả chữ khi hát Bolero tạo nên ở mỗi ca sĩ từng phong cách khác nhau.Nhạc sĩ Tuấn Khanh từng viết: "Sài Gòn vào những thập niên 1950 - 1960 có những lò luyện gà ca hát thường là những thầy nhạc và thầy đàn có kinh nghiệm, biết cách bẻ giọng hát theo những kiểu luyến láy đặc biệt mà chỉ Bolero mới có. Cách thả chữ, xuống câu... luôn là phương thức để đánh giá trình độ hát và năng khiếu của người ca sĩ. Do đó Sài Gòn mới hình thành những cái tên khó ai quên như “nữ hoàng sầu muộn Giao Linh”, đã hát là như níu tim người vò xé, hay “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, tiếng hát bay bổng và dìu dặt khó quên".
Lý giải thành công của thế hệ ca sĩ hát nhạc Bolero sau này, Tuấn Khanh cho rằng, ngoài chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, các ca sĩ này còn sở hữu âm vực "bẹt" và chân chất của người miền Nam. Với trường hợp của Lệ Quyên, nhạc sĩ giải thích: "Lệ Quyên với cách pha trộn kiểu hát giọng Bắc hơi Nam, bỏ vào một ít kỹ thuật của phong trào thanh nhạc hôm nay. Nhờ đó tạo nên làn sóng thưởng thức mới, gom hết phần khán giả khó tính còn lại vào thánh đường cách tân của Bolero".
Người yêu nhạc Bolero cũng không khó để phân biệt giọng hát của mỗi ca sĩ. Thành viên có tên Sutherland chia sẻ trên một diễn đàn yêu nhạc xưa: "Dù sở hữu một giọng hát đẹp rực rỡ và một làn hơi dài đặc trưng, cô Hoàng Oanh không dàn trải hơi tốt như những người khác. Hương Lan là con của cố nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên khả năng điều khiển làn hơi của cô gần như vô địch. Như Quỳnh điều khiển hơi rất lạ, nhiều chữ bị ngắt ra tưởng chừng như sắp đứt hơi, nhưng kỳ thực lại kéo dài vô tận".
Châu Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc Bolero - dễ nghe nhưng khó hát