Chủ nhiệm UB TC-NS Nguyễn Phú Cường cho rằng với khoản lãi sau thuế 287 tỉ đồng, NXB Giáo dục Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận bình quân là 39,9% - mức mơ ước của bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, nhà xuất bản này lãi càng nhiều thì xã hội, phụ huynh học sinh gánh nặng càng lớn.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi càng nhiều thì gánh nặng cho phụ huynh càng lớn

Hoài Lam | 06/08/2022, 06:29

Chủ nhiệm UB TC-NS Nguyễn Phú Cường cho rằng với khoản lãi sau thuế 287 tỉ đồng, NXB Giáo dục Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận bình quân là 39,9% - mức mơ ước của bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, nhà xuất bản này lãi càng nhiều thì xã hội, phụ huynh học sinh gánh nặng càng lớn.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, một số ý kiến cho rằng có sự lãng phí trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị cần có chuyên đề giám sát riêng về vấn đề này.

Lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa

Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, từ năm học 2020-2021 bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới.

Với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên Việt Nam triển khai “một trương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những cuốn sách giáo khoa theo chương trình mới không thể tái sử dụng trên cả nước. Nhưng, một số chuyên gia, đại biểu quốc hội cho rằng sự lãng phí này không hề nhỏ.

Năm 2020, bắt đầu triển khai thay sách giáo khoa của chương trình lớp 1. Trong năm đầu tiên triển khai, thẩm quyền chọn sách thuộc về các trường (dựa vào danh mục sách thuộc 5 bộ đạt chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trường học thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách). Việc lựa chọn sách không bắt buộc thuộc cùng một bộ.

Điều này có nghĩa là sách giáo khoa được dùng ở mỗi trường khác nhau. Với trường hợp học sinh cho con chuyển trường giữa năm học hoặc có hai con học ở hai trường khác nhau sẽ phải mua mới hoàn toàn, hoặc mua mới một số cuốn, thay vì kế thừa trọn bộ sách cũ như thời điểm trước. Đây cũng là một sự lãng phí.

Sự lãng phí trong phát hành sách giáo khoa còn thể hiện ở “tuổi thọ” của hàng chục nghìn cuốn sách chỉ có một năm. Cụ thể, trong năm đầu triển khai chương trình mới, 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt gồm: “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), “Cánh Diều” (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM).

Sau một năm, 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đột ngột bị ngừng xuất bản với lý do được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra là những bộ sách này được hợp nhất với hai bộ còn lại, nhằm "giảm chi phí, tập trung tối đa nguồn lực".

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định việc hợp nhất không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chọn sách; các cuốn sách thuộc hai bộ đã bị hợp nhất vẫn được tái bản. Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022 khi thẩm quyền chọn sách giáo khoa được giao cho UBND cấp tỉnh, nhiều nơi không dùng sách của hai bộ bị hợp nhất.

Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhiệm kỳ trước

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẳng định, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa là vấn đề khiến xã hội bức, đại biểu quốc hội nhiều lần có ý kiến.

ltv.jpg
ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu - Ảnh: VPQH

Ngay trong năm học 2022-2023, Nhà Xuất bản Giáo dục đã bóc tách các môn học theo tổ hợp, mà in theo chuyên ngành. Đại biểu nêu ví dụ môn Mỹ thuật lớp 10 có 10 đầu sách, môn Giáo dục thể chất có 4 đầu sách. Điều đáng nói là sự lãng phí lớn nhất trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa đó là tính kế thừa và ổn định của giáo trình. Mỗi năm in sách một lần, thậm chí in cả bài tập vào sách giáo khoa. Giá sách tăng lên và được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích do khổ lớn, giấy tốt hơn.

Đại biểu đặt câu hỏi điều này có cần thiết không, có làm tăng gánh nặng của các gia đình nghèo không?

“Đề nghị Đoàn giám sát giám sát sâu hơn đối với từng lĩnh vực, đối với một số lĩnh vực cần có cơ quan điều tra vào làm việc, ví dụ như sách giáo khoa – đây là vấn đề nhức nhối, tôi cho rằng đây không đơn thuần là vi phạm hành chính”.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của ngành, người đứng đầu ngành trong các nhiệm kỳ trước, trong đó có cả trách nhiệm để xảy ra lãng phí các ký túc xá sinh viên, gây thất thoát hàng trăm ngàn tỷ của ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, ông Vân cho rằng thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cơ hội để ngành giáo dục “lột xác”, vì ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, thế nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả.

Vì vậy, tổ công tác của Đoàn giám sát cần khoanh lại một số vấn đề để giám sát sâu, có sự tham gia của cơ quan chuyên môn, như thanh tra, kiểm toán, thậm chí mời cơ quan điều tra làm rõ, quy kết trách nhiệm rõ ràng báo cáo trước Quốc hội.

Nhà xuất bản Giáo dục lãi càng nhiều thì gánh nặng cho phụ huynh càng lớn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, khi thực hiện thay sách giáo khoa, ngân sách nhà nước cấp để trang bị bộ sách cho giáo viên trên cả nước rất lớn.

“Việc đổi sách giáo khoa là thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhưng không phải năm nào cũng cần thay đổi. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, sách in bài tập trắc nghiệm nên anh học xong, không thể để lại cho em học, gây ra sự lãng phí vô cùng”, ông Cường nêu.

cuong-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Báo cáo kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy, doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng chủ yếu đến từ việc phân phối sách giáo khoa và các khoản doanh thu liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, với khoản lãi sau thuế lên tới 287 tỉ đồng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân là 39,9%. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận mơ ước của bất cứ doanh nghiệp nào.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi càng nhiều thì xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh phải thêm gánh nặng càng lớn. Đây là mới là sự lãng phí lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn nhất quán yêu cầu các nhà trường hướng dẫn học sinh bảo quản sách giáo khoa để sử dụng được lâu bền.

Sau khi có ý kiến của Quốc hội và cử tri, ngày 10.6.2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643 về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ: “Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền”.

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi càng nhiều thì gánh nặng cho phụ huynh càng lớn