Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời ở tuổi 89, một lần nữa dư âm “Chuyện ngõ nghèo” của ông được công chúng nhắc tới bằng sự ngưỡng mộ đầy trân trọng.
Trong hai ngày 12-13.6.2021, văn học nghệ thuật Việt Nam nhận hai tin buồn liên tiếp. Ở lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Lê Cung Bắc đã qua đời ở tuổi 75 vì bệnh ung thư phổi. Trước đó một ngày (12.6) nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – cây bút nổi bật của văn học Việt Nam đương đại đã ra đi ở tuổi 89 do tuổi cao sức yếu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Cuối năm 1952 ông ra vùng tự do và tham gia quân đội. Suốt 10 năm ông công tác trong một đơn vị pháo binh rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân. Sau thời gian này ông chuyển về làm tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1966 ông làm phóng viên cho báo Tiền Phong. Năm 1973, Nguyễn Xuân Khánh nghỉ hưu về Hà Nội sống với công việc viết văn dịch sách văn học nước ngoài cho đến ngày qua đời ở tuổi 89.
Nhắc đến Nguyễn Xuân Khánh, người yêu văn chương luôn nhớ đến những tác phẩm nổi bật của ông như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Miền hoang tưởng, Đội gạo lên chùa, Chuyện ngõ nghèo…
Mỗi tác phẩm của ông đều mang đến cho người đọc sự mới mẻ bất ngờ và chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật. Trong đó tác phẩm Chuyện ngõ nghèo đã đưa người đọc đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác qua câu chuyện vừa thực tế vừa lạ lùng bởi cách viết đầy sáng tạo của ông.
Cuốn tiểu thuyết độc đáo này được giới văn chương trong nước đánh giá là tác phẩm “khác thường” được ông viết trong một không gian chật hẹp của thời bao cấp, khi nhà văn cũng chính là người "ngày nuôi lợn may thuê, đêm đêm lên gác xếp suy tư với từng con chữ".
Nhìn lại quá trình sáng tác Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có thể thấy đây là tác phẩm được ông viết với nhiều trăn trở nhất. Nói như nhà văn Tạ Duy Anh thì: “Tác giả viết đầy cảm xúc tố cáo, luôn bị chính nỗi oan ức của mình chi phối, nên có lúc giọng điệu mất đi sự bình tĩnh. Phần thể hiện dưới dạng nhật ký “văn chương” hơn phần sau nặng về triết lý triết luận, bày tỏ chính kiến.
Chuyện ngõ nghèo được xuất bản năm 2016 nhưng đã được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ ông cũng như nhiều người Hà Nội khác, từ bình dân đến trí thức sống trong thời kỳ bao cấp với nhiều khó khăn chồng chất. Để cải thiện cuộc sống, nhiều người đã chọn việc nuôi lợn, từ đó nuôi lợn trở thành một “phong trào” rộng khắp Hà Nội.
Bằng những trải nghiệm đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang đến cho người đọc một góc nhìn sâu vào lòng một đô thị lớn khi lợn lẫn lộn vào nơi ở của con người: người người nuôi lợn, nhà nhà nuôi lợn. Lợn cũng được xem như cứu tinh cho đời sống ảm đạm của một bộ phận thị dân thời bao cấp… Cách viết của nhà văn trần trụi đến mức giở từng trang sách ra người ta dường như nghe được tiếng kêu ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể nào đó.
Bức tranh về xã hội đương thời vừa bi hài vừa thống thiết cứ lần lượt hiện lên trong từng trang viết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khiến cho người đọc rơi vào đa tầng các cung bậc cảm xúc. Thậm chí khi gấp trang sách lại thì những cảm xúc đó vẫn còn ám ảnh.
“Nếu không có thực tế toàn dân nuôi heo như thế, nhất là các thành phố vốn không phải là nơi có những điều kiện để nuôi heo, nhưng mọi người nơi nơi chốn chốn đều nuôi heo cả, là một hiện tượng rất độc đáo, thì tôi sẽ không viết được cuốn này. Tôi cũng từng nuôi heo 10 năm. Một thực tiễn của đời sống toàn dân lúc bấy giờ mà bỏ mất đi thì mọi người sẽ không cảm nhận được, không thấy được khung cảnh của thời mình sống, nên tôi viết" - nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ trong một phỏng vấn lúc sinh thời.
Phía sau câu chuyện nuôi lợn của người Hà Nội sau khi chiến tranh kết thúc vài năm là những lát trần trụi phơi bày bản chất xấu xa còn ẩn nấp trong mỗi con người. Bản chất ấy sẽ trỗi dậy khi bị hoàn cảnh xô đẩy. Họ sẵn sàng cắn xé nhau, truy đuổi nhau, giành giật nhau để tồn tại. Những con người như thế cứ hiện ra trong trang viết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh một cách chân thực đến ngỡ ngàng.
Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng có một số phận khá long đong. Sách viết vào khoảng năm 1980 nhưng nhà văn phải bỏ ra gần 35 năm đi tìm đầu ra cho đứa con tinh thần của mình. Mãi đến năm 2016 sách mới chính thức đến với độc giả. Hai năm sau (2018) Chuyện ngõ nghèo được vinh danh ở giải "Sách hay" của hạng mục Tác phẩm văn học.
Theo chia sẻ của nhà văn Trung Trung Đỉnh – nguyên giám đốc NXB Hội Nhà văn, ban đầu tác phẩm mang tên Trư cuồng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã gửi tác phẩm đi nhiều nơi nhưng không có NXB nào nhận in, cuối cùng bản thảo đến NXB Hội Nhà văn. Để xuất bản cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh đòi hỏi những người làm sách thời đó phải hết sức cân nhắc. Và cuối cùng nhà văn Trung Trung Đỉnh đã quyết định nhận xuất bản cuốn sách này. Bản thảo đã được gửi đến cho nhà văn Tạ Duy Anh, ông biên tập và đổi tên thành Chuyện ngõ nghèo.
Trong lời tiễn biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đăng trên trang facebook cá nhân, nhà văn Tạ Duy Anh cũng đã tiết lộ quá trình gian nan khi đưa tác phẩm Chuyện ngõ nghèo đến với bạn đọc, ông viết: “Cho đến khi tôi có bản thảo Trư cuồng trong tay, nó đã ra đời 34 năm nhưng chưa được chính quyền cấp giấy khai sinh để công nhận là đứa con có giá thú! Trong khi Nguyễn Xuân Khánh thì đã sắp sang tuổi tám mươi. Ông hoàn toàn có thể không được thấy đứa con tinh thần của mình xuất hiện danh chính ngôn thuận trên kệ sách khi còn sống, nếu chẳng ai ra tay cứu giúp.
Tôi hiểu nỗi đau đó lớn nhường nào với một nhà văn, chiêm nghiệm ngay từ chính thân phận mình. Tôi cũng có vài cuốn sách không được cấp phép đã hàng chục năm. Nhưng tôi chưa quá già, còn nhiều cơ hội…".
Nhà văn Tạ Duy Anh cho biết, khi đọc tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, ông đã đọc bằng tâm thế của người thưởng thức văn chương chứ không phải bằng tư cách của một người thẩm định. Cuốn sách đã hấp dẫn ông bởi cách viết chứa đầy cảm xúc chân thực của tác giả.
“Nói gọn lại thì chỉ nguyên như những gì tôi đọc, đã xứng đáng thúc giục tôi làm mọi cách để cuốn sách ra đời. Nó ra đời không chỉ vì trả lại công bằng cho tác giả, mà chủ yếu vì độc giả và cao hơn nữa là vì quyền công dân, quyền con người”.
Nhà văn Tạ Duy Anh tiết lộ, quyết định xuất bản cuốn sách Chuyện ngõ nghèo được nhà văn Trung Trung Đỉnh ký trong ngày cuối cùng ông còn đương chức giám đốc NXB Hội Nhà văn.
“Sau 35 năm bản thảo nằm trong ngăn kéo đến mốc cả lên, tác giả cũng gần như đã tuyệt vọng, Chuyện ngõ nghèo, nguyên bản là Trư cuồng, đĩnh đạc bước ra đời bằng cái chữ ký vét như đùa của Trung Trung Đỉnh”, nhà văn Tạ Duy Anh kết luận.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từ biệt nhân gian nhẹ bước đi vào cõi vĩnh hằng nhưng chắc chắn những tác phẩm của ông sẽ còn ở lại mãi và trở thành di sản là tư liệu quý giá cho văn học sử Việt Nam.