Khi nhìn thấy đền thờ Triệu Đà, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã nhớ đến việc sửa câu văn trong Bình Ngô đại cáo: “Tự Triệu Đinh Lý Trần tạo ngã quốc”, ông bèn nói có ý chê một vài tác giả của sử học có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau – bắt buộc hay tự nguyện đã tự ý bỏ đi chữ Triệu, làm sai lạc quy tắc văn bản học

Nhà Triệu từng 'hùng cứ một phương' trong Bình Ngô đại cáo rồi bị 'trục xuất'

07/07/2019, 08:12

Khi nhìn thấy đền thờ Triệu Đà, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã nhớ đến việc sửa câu văn trong Bình Ngô đại cáo: “Tự Triệu Đinh Lý Trần tạo ngã quốc”, ông bèn nói có ý chê một vài tác giả của sử học có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau – bắt buộc hay tự nguyện đã tự ý bỏ đi chữ Triệu, làm sai lạc quy tắc văn bản học

Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo - Ảnh: Internet

Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ: Nỏ thần trao tay giặc?Ngàn năm đô hộ giặc Tàu: Góc nhìn về Triệu Đà, lịch sử cũng... chia phe

Triệu Đà và cuộc bút chiến giữa hai học giả Phan Khôi-Trần Trọng Kim

Quan điểm đa chiều về Triệu Đà tại miền Nam trước 1975

Vai trò của Triệu Đà trong quan niệm lịch sử duy vật của Đào Duy Anh

Tứ trụ sử học Việt Nam đồng nhất quan điểm về Triệu Đà

Trọng Thủy con Triệu Đà: Bên trọng bên khinh và câu thơ chốt hạ của Tố Hữu

Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập đến quan điểm về vai trò của Triệu Đà trong lịch sử của Giáo sư Trần Quốc Vượng. Với những tác phẩm được ông viết ban đầu thì ông coi Triệu Đà như một kẻ xâm lược. Thực vậy, trong bài nghiên cứu về An Dương Vương, thì ngay phần “Đã nhất trí” ở mục 3 ghi rõ “Khẳng định có cuộc kháng chiến chống Tần và chống Triệu Đà” với câu kết luận: “Sự thật chắc đúng là như vậy, bởi vì chẳng bao lâu sau trong lần thử thách của cuộc chống Triệu Đà xâm lược, người dân Âu Lạc – không hề phân biệt Âu Lạc hay Lạc – đã kề vai sát cánh chiến đấu tới cùng cho một mục đích chung giữ gìn đất nước”.

Đồng thời, ông Vượng còn mượn các câu chuyện dân gian thu lượm được ở Cổ Loa để khẳng định sự khinh bỉ của nhân dân với Triệu Đà và Trọng Thủy: “Những phong tục địa phương còn mang nặng thái độ về luân lý đạo đức. Người dân địa phương biểu lộ thái độ khinh bỉ sự phản phúc của Triệu Đà trong tục đãi dâu không đãi rể” hay “Làng Cổ Loa không thờ Trọng Thủy, nhân dân rất ghét Trọng Thủy”...

Thế nhưng sau này, trong cuốn Theo dòng lịch sử, những vùng đất thần người và tâm thức người Việt thì GS Vượng đã mô tả sự kiện về Triệu Đà và Trọng Thủy trung dung hơn. Ông viết:

“Việc Mỵ Châu tư thông (giọng sử gia phong kiến) với Trọng Thủy và giúp Thủy đánh cắp lẫy nỏ là phản ánh việc tầng lớp thủ lĩnh quân sự kiêm buôn bán người Việt cổ (cả Âu ở vùng giáp Nam Việt lẫn Lạc Việt miền ven biển) của Âu Lạc, vì quyền lợi buôn bán mà liên kết với Nam Việt vương Triệu Đà và “phản bội” - xét về ý nghĩa khách quan lẫn ý nghĩa chủ quan - Thục Phán. Tầng lớp này trước coi Thục Phán là thủ lĩnh tối cao, nay coi Triệu Đà là thủ lĩnh tối cao. Triệu Đà dùng binh hiếp biên và dùng của cải mua chuộc (của báu chính của Nam Việt là ngọc trai/châu) như lời Sử ký chép, đã khiến Âu Lạc thần phục. Tư Mã Thiên cũng chép Âu Lạc tương công. Ý nghĩa chính của các đoạn ghi ngắn ngủi này của Sử ký, có lẽ là như trên tôi đã trình bày (Âu và Lạc đánh lẫn nhau)”.

Đoạn trên (bao gồm cả ghi chú trong ngoặc đơn lẫn dùng từ trong ngoặc kép), GS Trần Quốc Vượng đã cho thấy cái nhìn của người dân thời đó coi Triệu Đà và An Dương vương Thục Phán cũng như nhau mà thôi. Đồng thời, ông Vượng cũng không còn dùng đến từ xâm lược nào để kể việc Triệu Đà tấn công Thục Phán nữa. Đoạn tiếp theo, ông viết:

“Trong cuộc kháng chiến chống Tần, và thành lập nước Âu Lạc, Long Biên liên minh với Tây Vu (tức Tây Âu) để đánh Tần và sau đó lật đổ ngôi thủ lĩnh tối cao của vua Hùng ở Mê Linh. Điều đó biểu hiện ở sự liên minh giữa Cao Lỗ (Ông Nỏ) và Thục Phán. Sau khi Thục Phán đắp thành Cổ Loa dựng nước Âu Lạc, việc sử cũ và truyền thuyết nói Thục Phán bạc đãi Cao Lỗ (giọng sử thần phong kiến) hay là việc Thục Phán giết chết Cao Lỗ là biểu hiện sự rạn vỡ trong liên minh Tây Vu - Long Biên. Điều đó giúp cho Nam Việt Triệu Đà, từ Quảng Châu lấn sang đến đất Vũ Ninh (có thể là thủ lĩnh Long Biên liên kết với – hoặc bị Triệu Đà mua chuộc mà theo Nam Việt. Và sau đó Nam Việt đã thần phục được cả Âu Lạc, tuy ở trung tâm Tây Vu (Cổ Loa) vẫn có Tây Vu vương (thần phục chứ chưa hoàn toàn bị chinh phục)”.

Theo GS-TS Kiều Thu Hoạch (nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian), cách mô tả này của ông Vượng không khác gì nói về cuộc chiến giữa liên minh các bộ lạc chứ chẳng phải là xâm lược.

Đặc biệt, ông Hoạch còn kể có lần, nhân tới thăm làng Đồng Sâm (tỉnh Thái Bình) thì ông Vượng đã có thái độ "bảo vệ" nhà Triệu khá rõ: "Khi nhìn thấy đền thờ Triệu Đà, ông Trần Quốc Vượng đã nhớ đến việc sửa câu văn trong Bình Ngô đại cáo: “Tự Triệu Đinh Lý Trần tạo ngã quốc”, ông bèn nói có ý chê một vài tác giả của sử học có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau – bắt buộc hay tự nguyện đã tự ý bỏ đi chữ Triệu, làm sai lạc quy tắc văn bản học".

Tại sao lại có chuyện sử gia đã tự ý bỏ đi chữ Triệu trong Bình Ngô đại cáo?

Theo GS Nguyễn Xuân Kính (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì năm 1972, GS Vũ Khiêu đã đưa ra một văn bản rất khác lạ, thay nhà Triệu bằng nhà Đinh:

Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, xây dựng nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương

(Vũ Khiêu (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, in tại TP.HCM, tr.95)

Sau đó, dịch giả Lê Văn Uông trong Lam Sơn thực lục (Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976, tr.256-259) có dịch

Trải Đinh, Lê, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương

Tuy nhiên, ông Vũ Khiêu hay ông Lê Văn Uông không phải người đầu tiên tráo Triệu sang Đinh mà việc này có từ thời ông Trần Trọng Kim. Theo PGS Nguyễn Đình Na thông tin trên tạp chí Hán Nôm số 5 năm 2002, người đầu tiên dịch Bình Ngô đại cáo ra chữ quốc ngữ hiện đại là Trần Trọng Kim. Ông Kim công bố bản dịch này trong sách Sơ học An Nam sử lược do Phổ thông giáo khoa thư xã xuất bản năm 1916 tại Sài Gòn. Có lẽ, đây là quyển sách giáo khoa đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ có dạy bài Bình Ngô đại cáo. Với tính chất dùng cho cấp “sơ học”, ông Trần Trọng Kim chủ yếu chỉ lược dịch, và mở đầu:

Việc “nhân nghĩa” cốt ở yên dân, quân “điếu phạt” không gì bằng trừ bạo.

“Nước Đại Việt ta, thật là một nước văn hiến; kể từ Triệu, Đinh, Lý, Trần mấy đời gây dựng ra nước; so với Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi đàng làm đế một phương”.

Bản này không có vấn đề gì. Nhưng 3 năm sau - năm 1919, ông dịch toàn văn và công bố trong Việt Nam sử lược. Năm 1928, Việt Nam sử lược được tái bản. Và phần đầu được dịch khác (ở phần bôi đậm).

Tượng mảng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.

Đến đây thì rất khó hiểu vì chúng ta biết rằng Trần Trọng Kim là người coi nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Trong cuốn Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim xếp nhà Triệu vào chương 4 trong phần "Thượng cổ thời đại" cùng với nhà Hồng Bàng, nhà Thục. Phải sau khi nhà Triệu mất thì ông mới viết đến phần "Bắc thuộc thời đại". Mở đầu chương nhà Triệu, Trần Trọng Kim viết: Năm quí-tị (207) Triệu Đà đánh được An Dương Vương rồi, sáp nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ vương, đóng đô ở Phiên ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ.

Trong cuốn Việt Nam sử lược do Trần Trọng Kim soạn thảo vào năm 1919 được Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục (Sài Gòn trước 1975) in lần thứ nhất vào năm 1971, nhóm Sách Việt chuyển sang ấn bản điện tử vào năm 1994 (ảnh dưới) thì phần dịch BNĐC vẫn ghi “Đinh, Lê, Lý, Trần” ‎dù phần Hán văn ngay cạnh đó ghi "Triệu, Đinh, Lý, Trần".

Sau này, trong Việt Nam sử lược do NXB Văn hóa thông tin xuất bản năm 2002 thì phần dịch BNĐC của Trần Trọng Kim cũng không thay đổi, vẫn là: Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập,

Vậy cụm từ “Đinh, Lê, Lý, Trần” do Trần Trọng Kim phát minh ra được GS Vũ Khiêu tiếp thu hay tự ông Khiêu nghĩ ra? Chỉ GS Vũ Khiêu lên tiếng thì mới có câu trả lời chính xác.

Bản gốc Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Đại thiên hành hóa hoàng thượng nhược viết:

Cái văn:

Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo.
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thì hữu bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp.

Cố Lưu Cung tham công dĩ thủ bại,
Nhi Triệu Tiết hiếu đại dĩ xúc vong.
Toa Đô ký cầm ư Hàm Tử quan,
Ô Mã hựu ế ư Bạch Đằng hải.
Kê chư vãng cổ,
Quyết hữu minh trưng.

Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà,
Trí sử nhân tâm chi oán bạn.
Cuồng Minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân;
Nguỵ đảng hoài gian, cánh dĩ mại ngã quốc.
Hân thương sinh ư ngược diệm,
Hãm xích tử ư họa khanh.
Khi thiên võng dân, quỷ kế cái thiên vạn trạng;
Liên binh kết hấn, nẫm ác đãi nhị thập niên.
Bại nghĩa thương nhân, càn khôn ky hồ dục tức;
Trọng khoa hậu liễm, sơn trạch mỹ hữu kiết di.
Khai kim trường, tắc mạo lam chướng nhi phủ sơn đào sa,
Thái minh châu, tắc xúc giao long nhi hoàn yêu thộn hải.
Nhiễu dân thiết huyền lộc chi hãm tịnh,
Điễn vật chức thúy cầm chi võng la.
Côn trùng thảo mộc giai bất đắc dĩ toại kỳ sinh,
Quan quả điên liên câu bất hoạch dĩ an kỳ sở.
Tuấn sinh linh chi huyết dĩ nhuận kiệt hiệt chi vẫn nha;
Cực thổ mộc chi công dĩ sùng công tư chi giải vũ.
Châu lý chi chinh dao trọng khốn,
Lư diêm chi trữ trục giai không.
Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.
Thần dân chi sở cộng phẫn,
Thiên địa chi sở bất dung.

Dư:

Phấn tích Lam Sơn,
Thê thân hoang dã.
Niệm thế thù khởi khả cộng đái,
Thệ nghịch tặc nan dữ câu sinh.
Thống tâm tật thủ giả thùy thập dư niên,
Thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật.
Phát phẫn vong thực, mỗi nghiên đàm thao lược chi thư,
Tức cổ nghiệm kim, tế suy cứu hưng vong chi lý.
Đồ hồi chi chí
Ngộ mị bất vong.
Đương nghĩa kỳ sơ khởi chi thì,
Chính tặc thế phương trương chi nhật.

Nại dĩ:

Nhân tài thu diệp,
Tuấn kiệt thần tinh.
Bôn tẩu tiền hậu giả ký phạp kỳ nhân,
Mưu mô duy ác giả hựu quả kỳ trợ.
Đặc dĩ cứu dân chi niệm, mỗi uất uất nhi dục đông;
Cố ư đãi hiền chi xa, thường cấp cấp dĩ hư tả.

Nhiên kỳ:

Đắc nhân chi hiệu mang nhược vọng dương,
Do kỉ chi thành thậm ư chửng nịch.
Phẫn hung đồ chi vị diệt,
Niệm quốc bộ chi tao truân.
Linh Sơn chi thực tận kiêm tuần,
Khôi Huyện chi chúng vô nhất lữ.
Cái thiên dục khốn ngã dĩ giáng quyết nhiệm,
Cố dữ ích lệ chí dĩ tế vu nan.
Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập;
Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm.
Dĩ nhược chế cường, hoặc công nhân chi bất bị;
Dĩ quả địch chúng, thường thiết phục dĩ xuất kỳ.

Tốt năng:

Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn,
Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo.
Bồ Đằng chi đình khu điện xế,
Trà Lân chi trúc phá khôi phi.
Sĩ khí dĩ chi ích tăng,
Quân thanh dĩ chi đại chấn.
Trần Trí, Sơn Thọ văn phong nhi sỉ phách,
Lý An, Phương Chính giả tức dĩ thâu sinh.
Thừa thắng trường khu, Tây Kinh ký vị ngã hữu;
Tuyển binh tiến thủ, Đông Đô tận phục cựu cương.
Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý;
Tốt Động chi thi tích dã, di xú thiên niên.
Trần Hiệp tặc chi phúc tâm, ký kiêu kỳ thủ;
Lý Lượng tặc chi gian đố, hựu bạo quyết thi.
Vương Thông lý loạn nhi phần giả ích phần,
Mã Anh cứu đấu nhi nộ giả ích nộ.
Bỉ trí cùng nhi lực tận, thúc thủ đãi vong;
Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất.
Vị bỉ tất dị tâm nhi cải lự,
Khởi ý phục tác nghiệt dĩ tốc cô.
Chấp nhất kỷ chi kiến, dĩ giá họa ư tha nhân,
Tham nhất thì chi công, dĩ di tiếu ư thiên hạ.
Toại linh Tuyên Đức chi giảo đồng, độc binh vô yếm;
Nhưng mệnh Thạnh Thăng chi nọa tướng, dĩ du cứu phần.
Đinh vị cửu nguyệt Liễu Thăng toại dẫn binh do Khâu Ôn nhi tiến,
Bản niên thập nguyệt Mộc Thạnh hựu phân đồ tự Vân Nam nhi lai.
Dư tiền ký tuyển binh tái hiểm dĩ tồi kỳ phong,
Dư hậu tái điều binh tiệt lộ dĩ đoạn kỳ thực.
Bản nguyệt thập bát nhật Liễu Thăng vị ngã quân sở công, kế trụy ư Chi Lăng chi dã;
Bản nguyệt nhị thập nhật Liễu Thăng hựu vị ngã quân sở bại, thân tử ư Mã Yên chi sơn.
Nhị thập ngũ nhật Bảo Định bá Lương Minh trận hãm nhi táng khu,
Nhị thập bát nhật Thượng thư Lý Khánh kế cùng nhi vẫn thủ.

Ngã toại nghênh nhận nhi giải,
Bỉ tự đảo qua tương công.
Kế nhi tứ diện thiêm binh dĩ bao vi,
Kỳ dĩ thập nguyệt trung tuần nhi điễn diệt.
Viên tuyển tỳ hưu chi sĩ,
Thân mệnh trảo nha chi thần.
Ẩm tượng nhi hà thủy càn,
Ma đao nhi sơn thạch khuyết.
Nhất cổ nhi kình khô ngạc đoạn,
Tái cổ nhi điểu tán quân kinh.
Quyết hội nghĩ ư băng đê,
Chấn cương phong ư cảo diệp.
Đô đốc Thôi Tụ tất hành nhi tống khoản,
Thượng thư Hoàng Phúc diện phược dĩ tựu cầm.
Cương thi tái Lạng Giang, Lạng Sơn chi đồ,
Chiến huyết xích Xương Giang, Bình Than chi thủy.
Phong vân vị chi biến sắc,
Nhật nguyệt thảm dĩ vô quang.

Kỳ Vân Nam binh vị ngã quân sở ách ư Lê Hoa, tự đỗng nghi hư hạt nhi tiên dĩ phá phủ;
Kỳ Mộc Thạnh chúng văn Thăng quân đại bại ư Cần Trạm, toại lận tạ bôn hội nhi cận đắc thoát thân.
Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;
Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng.
Lưỡng lộ cứu binh, ký bất toàn chủng nhi câu bại,
Các thành cùng khấu, diệc tương giải giáp dĩ xuất hàng.
Tặc thủ thành cầm, bỉ ký trạo ngạ hổ khất liên chi vĩ;
Thần võ bất sát, dư diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm.
Tham tướng Phương Chính, Nội quan Mã Kỳ, tiên cấp hạm ngũ bách dư sưu, ký độ hải nhi do thả hồn phi phách tán;
Tổng binh Vương Thông, Tham chính Mã Anh, hựu cấp mã sổ thiên dư thất, dĩ hoàn quốc nhi ích tự cổ lật tâm kinh.
Bỉ ký uý tử tham sinh, nhi tu hảo hữu thành;
Dư dĩ toàn quân vi thượng, nhi dục dân chi đắc tức.

Phi duy mưu kế chi cực kỳ thâm viễn,
Cái diệc cổ kim chi sở vị kiến văn.
Xã tắc dĩ chi điện an,
Sơn xuyên dĩ chi cải quán.
Càn khôn ký bĩ nhi phục thái,
Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh.
Vu dĩ khai vạn thế thái bình chi cơ,
Vu dĩ tuyết thiên cổ vô cùng chi sỉ.
Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã.

Ô hô!

Nhất nhung đại định, ngật thành vô cạnh chi công;
Tứ hải vĩnh thanh, đản bố duy tân chi cáo.
Bá cáo hà nhĩ,
Hàm sử văn tri.

(còn tiếp)

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Triệu từng 'hùng cứ một phương' trong Bình Ngô đại cáo rồi bị 'trục xuất'