Theo một báo cáo của Không quân Mỹ, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một hợp đồng 24 triệu USD với hãng Boeing, để nâng cấp tủ lạnh đựng thức ăn của chuyên cơ Air Force One.

Nhà Trắng chi 24 triệu USD nâng cấp tủ lạnh của Air Force One

27/01/2018, 14:45

Theo một báo cáo của Không quân Mỹ, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một hợp đồng 24 triệu USD với hãng Boeing, để nâng cấp tủ lạnh đựng thức ăn của chuyên cơ Air Force One.

Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Trump - Ảnh: Business Insider

Theo Guardian ngày 26.1 (giờ Mỹ), dự kiến chuyên cơ mới của Tổng thống Mỹ có 5 hệ thống làm lạnh, trong đó 2 hệ thống có thể chứa 3.000 món ăn. Số thức ăn này đủ cho ông Trump cùng 50 bạn thân ăn đủ 3 bữa/ngày trong 3 tuần. Đó là tính cả món ăn nhanh mà ông Trump ưa thích.

Boeing từ chối bình luận, nhưng số tiền 24 triệu USD tiền dân Mỹ đóng thuế này đủ để trang trải chi phí 8 kỳ nghỉ cuối tuần của ông Trump tại khu resort Mar-a-Lago ở bang Florida. Đây là nơi ông Trump nghỉ ngơi 11 lần trong năm đầu tiên làm Tổng thống Mỹ.

Số tiền trên cũng đủ trả lương khoảng 2 tháng cho toàn bộ lực lượng bảo vệ Tháp Trump tại thành phố New York, nơi mà ông Trump không ở nữa.

Tốn nhiều tiền vì cần dàn vũ khí “xịn” cho Air Force One.

Giá thành sản xuất một chiếc Boeing 747-8 để sản xuất chuyên cơ Air Force One khoảng 390 triệu USD, nhưng trang bị nội thất cho nó thì tốn nhiều tiền hơn.

Một cố vấn nói với trang Defense One (của quân đội Mỹ) rằng chiếc Air Force One đắt tiền, vì những tiêu chuẩn quân sự phải có, vì Không quân Mỹ sẽ cần lắp đặt những phương tiện đặc biệt bảo vệ Tổng thống Mỹ, cùng những phương tiện hiện đại để vị lãnh đạo sử dụng cho công việc lèo lái đất nước ngay trong lúc bay.

Ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ ấn định 3,2 tỉ USD là số tiền cho khoản nâng cấp 2 chiếc Air Force One (gồm 1 chiếc dự phòng).

Những thay đổi gồm tạo một phòng họp riêng trong khoang, khu vực riêng tư cho Tổng thống Mỹ, một phòng điều hành tình hình khẩn cấp trong lúc bay, chỉnh sửa ở hai cánh để dàn tên lửa đánh chặn, ống thông để bơm xăng giữa trời, và củng cố cho thân máy bay có thể chịu nổi một vụ nổ hạt nhân.

Giá theo ca-ta-lô của loại Boeing 747-8 hiện là 390 triệu USD, nhưng thông thường các hãng hàng không luôn chỉ thực chi ít hơn con số niêm yết đó.

Nhưng vì máy bay dùng chở lãnh đạo Mỹ luôn được “mông má” các thứ hàng xịn kèm theo, nên giá của chúng phải lên mức trên tỉ USD. Với các thiết bị bảo vệ thuộc “hàng thửa riêng”, những chiếc Boeing 747-8 sẽ biến thành các pháo đài bay bất khả xâm phạm.

Chẳng hạn chúng sẽ được lắp thêm thiết bị đánh lừa tên lửa, các hệ thống chống lại các mối đe dọa hạt nhân, phóng xạ, sinh học, hóa học và các hệ thống gây nhiễu chống lại các thiết bị dò của đối phương.

Về phương diện thông tin truyền thông, trên những chiếc Air Force One, sẽ có các thiết bị mã hóa thông tin, bảo mật cho các mệnh lệnh của tổng thống, gồm cả mệnh lệnh tấn công hạt nhân, nếu tổng thống phải phát lệnh khi đang trên máy bay.

Bên cạnh đó, hai chiếc Boeing 747-8 còn phải được cải tạo để có thể nhận tiếp liệu khi đang bay. Vì chúng thuộc nhóm thiết bị bảo an của lãnh đạo Mỹ, nên phải có khả năng bay không ngừng nghỉ trên không trong trường hợp xảy ra mối đe dọa nào đó đối với người đứng đầu Nhà Trắng.

Sau hết là phần nội thất phải được chỉnh trang sau cho xứng tầm với nhà lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới, tức phải có các phòng ngủ, phòng họp, phòng tắm...

Vì thế, tổng chi phí cho chiếc chuyên cơ Tổng thống Mỹ vẫn sẽ rất cao.

Khoang làm việc của Tổng thống Trump - Ảnh: AP

Ông Trump phải ngự chuyên cơ là máy bay ‘hàng bỏ phế’ ?

Hồi tháng 12.2016, khi vừa trúng cử tổng thống, ông Trump từng chỉ trích đóng một chuyên cơ Air Force One mới quá mắc, dân Mỹ đóng thuế khó chịu nổi, và dự án này tốn kém “đến mức quái dị” và Boeing hưởng lãi quá nhiều.

Ông Trump viết Twitter: “Boeing đang đóng mới 1 chiếc Air Force One cho các tổng thống tương lai, nhưng chi phí vượt tầm kiểm soát, hơn 4 tỉ USD. Ra lệnh hủy lập tức!”

Ông Trump hứa sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn, để kéo giá bán xuống. Ngày 21.12.2016, Boeng tuyên bố sẽ "xoay sở" để đảm bảo 2 chuyên cơ "thế hệ mới" sẽ có giá dưới 4 tỉ USD. Đơn giá trước đó là 4,2 tỉ USD để thiết kế - sản xuất 2 chiếc Air Force One này.

Hồi tháng 8.2017, báo Independent đưa tin: rất có thể chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ sẽ là "hàng bỏ phế", và của Transaero, một hãng hàng không từng lớn nhất Nga và từng đặt mua 4 chiếc Boeing hồi năm 2013, nhưng đến năm 2015 thì Transaero bị phá sản.

Tờ báo Anh cho biết có hai chiếc máy bay thương mại Boeing 747-8 (mà Transaero không thể trả tiền) bị bỏ phế trong sa mạc Mojave khô nóng tại bang Texas (Mỹ) từ đầu năm 2017.

Lúc đó, Không quân Mỹ đang đàm phán với Boeing. Và tờ báo viết nếu Air Force One tương lai là hai chiếc máy bay Boeing bị bỏ phế ở sa mạc Mojave, có thể chính phủ Mỹ đã giữ đúng lời hứa phải kéo giảm giá bán Air Force One của ông Trump.

Boeing và Không quân Mỹ đều không đề cập đến việc đó có phải là hai chiếc Boeing 747-8 đang bị “trùm mền” trong kho ở sa mạc Mojave hay không.

Boeing không xác nhận vụ mua - bán máy bay cũ, nhưng nói cuộc đàm phán tập trung vào việc “tạo nên một giá trị vĩ đại” cho Không quân Mỹ và nhân dân Mỹ: “Việc thương lượng nhằm bán được máy bay chất lượng cao cho Không lực và giá rẻ tiết kiệm cho người đóng thuế”.

Hai chiếc Air Force One "hàng bỏ phế" có thể đi vào hoạt động từ năm 2018 đến năm 2022. Chúng được cất ở Kho Hậu cần sân bay Nam California, theo trang Defence One. Điều kiện thời tiết khô hạn của sa mạc Mojave là một khu vực lý tưởng để chứa máy bay cũ và máy bay có thể tái sử dụng, do không khí sẽ không "gặm mòn" máy bay.

Theo đánh giá, do phải lột xác gần như hoàn toàn từ hai chiếc Boeing 747-8 đã hoàn thiện cho dòng máy bay chở khách, mức giảm cho Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chẳng đáng kể cho lắm. Trang Defense News dẫn một nhà phân tích cho rằng mức giảm tối đa chỉ được 10 - 15 % so với mức nêu ra ban đầu.

Vĩnh Thụy (theo Guardian, Independent)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Trắng chi 24 triệu USD nâng cấp tủ lạnh của Air Force One