Tham nhũng thì hầu như thời nào cũng có. Và khi “cơ thể bị bệnh”, thì rõ ràng phải tìm “thuốc” (biện pháp) để “chữa bệnh”. Nhà Trần cũng thế, và những biện pháp khả dĩ nhất đã được thực hiện.
Các kỳ trước
Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương
Kỳ 2: Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt
Kỳ 3: Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước sâu mọt
Kỳ 4: Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng
Kỳ 5: Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ
Có một điểm đáng lưu ý có có tác dụng lớn đối với tư cách đạo đức quan lại nhà Trần, đó là ở bình diện chung về đạo đức quan lại, những gương quan lại thanh liêm có rất nhiều. Họ đa phần là những người tài giỏi, có uy tín cao trong triều đình và tên tuổi những gương sáng ấy, đến nay vẫn còn được hậu thế tưởng nhớ, ngợi ca. Tỉ như An phủ sứ Thiên Trường Trần Thì Kiến thời Trần Anh Tông từng móc họng trả cỗ không nhận hối lộ để tạo thuận lợi cho kẻ cầu cạnh; Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính thời Trần Minh Tông nộp lại tiền bổng cho triều đình sau khi đi làm việc công. Những người theo nghĩa tôn quân như thế, chính là cơ sở, gốc nền cho sự thanh sạch nơi quan trường thời Trần.
Thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi không chỉ được biết đến với Ngọc tỉnh liên phú, với danh vị “lưỡng quốc trạng nguyên”, mà cao cả hơn, ông là viên quan không tham vàng, mờ mắt vì bạc tiền. Mạc Đĩnh Chi làm quan liêm khiết, không a dua, cảnh nhà rất thanh đạm. Vua Trần Minh Tông biết hoàn cảnh của ông nên ban đêm sai người đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Đến hôm sau Mạc Đĩnh Chi vào chầu, tâu ngay với vua việc ấy. Vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”. Trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức có thơ khen ông là:
Nãi ông bất khẳng vi tiền lộ,
Kỳ hóa an tri hậu duệ tư.
Nghĩa là:
Bạc tiền chẳng chịu làm nô lệ,
Của lạ dè đâu để cháu con.
Chu Văn An sống liêm khiết và đầy trách nhiệm với nước khi dâng Thất trảm sớ khuyên vua giết bảy tên nịnh thần hại nước… Bên cạnh đó, như Phong tục sử (Lịch sử phong tục và danh nhân nước Nam có viết: “Tính An ngay thẳng trong sạch, tu luyện khổ tiết, không cầu lợi đạt”... “Có khi được ban thưởng, sau khi bái tạ xong bèn lấy đem cho người, thiên hạ cho ông là rất cao thượng”. Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An là những “hiền lương” cả về tài năng và nhân cách cho nhà Trần.
Đối với tội tham nhũng, luật lệ thành văn thời Trần nay không còn, nên ta không rõ tường tận, cụ thể việc xét xử tội trạng này như thế nào. Nhưng với những gì còn lại từ sử cũ, tội đục khoét của dân, của nước ấy cũng chẳng nhẹ đâu. Cứ như ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, đơn cử từ trường hợp Phí Mạnh thì rõ. Theo đó năm Nhâm Thìn (1292), Phí Mạnh làm An phủ Diễn Châu “giữ chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua triệu về, đánh trượng”. Vậy là ở trường hợp này, vua Trần đã có hành động cụ thể trừng trị tội tham ô, đó là “đánh trượng” kẻ tham nhũng bị dân tố cáo. Đó không chỉ là việc phạt kẻ có tội, mà còn đòn trượng giáng xuống, cao hơn hết là đánh vào lòng tự trọng, làm cho kẻ phạm tội hổ thẹn.
Phí Mạnh sau đó hối cải, từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” bất chính để theo đường ngay lối thẳng. Và vua Trần không bỏ hẳn ông ta, mà ngược lại, vẫn giữ làm An phủ sứ ở Diễn Châu, tức là tạo điều kiện để chuộc lỗi, một biện pháp được xem là nhân văn. Kết quả đã rõ khi sử còn những dòng ghi nhận trường hợp Phí Mạnh ở trên sau được dân Diễn Châu ngợi ca là: “Diễn Châu an phủ thanh như thủy” (An phủ Diễn Châu trong tựa nước). Dễ đâu từ kẻ bị dân tố cáo, sau lại được dân ca ngợi nếu không phải là biết “quay đầu là bờ”.
Quan lại giữ mình liêm khiết được tôn vinh, trân trọng. Còn nhớ tới gương Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) thời đầu triều Trần, dù quyền lực thực tế cao hơn cả vua, nhưng đặt lợi ích quốc gia, dòng tộc cao hơn lợi ích bản thân, không hề dùng quyền thế để làm lợi riêng cho mình. Sử sách còn truyền lại việc có người thân quen muốn làm chức câu đương (chức dịch trong xã, giữ việc bắt bớ, giải phạm nhân) mà nhờ cậy vợ ông là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung xin cho, ông đồng ý nhưng với điều kiện phải chặt một ngón chân với lý do người này nhờ cậy mà được chức, để phân biệt với những câu đương khác. Dĩ nhiên việc xin ấy sau không thành. Hay trong Trần Thủ Độ - Danh nhân truyện ký của Trúc Khê cho hay, khi vua Trần Thái Tông định dùng anh ruột ông là An Quốc làm Tể tướng, Thủ Độ đã trình bày ý mình rằng nếu An Quốc tài giỏi thật sự, thì ông xin về hưu để nhường cho anh, còn nếu cho rằng mình giỏi hơn An Quốc, thì không thể lại dùng cả An Quốc, bởi hai anh em cùng làm Tể tướng sẽ sinh ra cái tệ lũng đoạn triều chính. Nhờ thế mà với nhà Trần, Trần Thủ Độ được xem là người có công lớn tột bậc, và trong buổi đầu triều đại, kỷ cương phép nước được tạo lập, củng cố.
Nhà Trần, để phòng chống nạn tham nhũng, cũng đã có một số biện pháp đáng chú ý khác như trong xét xử các vụ án, pháp luật thời Trần cho phép người coi ngục đi báo tin vụ kiện được lấy tiền cước lục tùy quãng đường xa gần, ty xét án được lấy tiền bình bạc (tiền xét án). Điểm này ở thời Lý chưa có. Vậy là những viên quan liên quan đến lĩnh vực hình án được nhận tiền công công khai khi đi báo tin, khi xét xử. Biện pháp này khuyến khích ở mức độ nhất định trách nhiệm, lòng hăng hái của họ để tận tâm trong công việc.
Nếu như thời Lý có tiến hành biện pháp khảo khóa quan lại 9 năm một lần. Thì thời Trần cũng có kế thừa biện pháp này với quy định việc xét duyệt quan lại 15 năm một lần. Theo Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước”, biện pháp khảo khóa rõ là nhằm cất nhắc quan lại thực tài, liêm khiết lên vị trí cao, phù hợp năng lực, phẩm chất, hạ bậc, thải loại quan lại yếu kém. Nhưng rõ là như Lịch triều hiến chương loại chí cho hay, quãng thời gian 15 mới xét duyệt ấy quả là quá dài với đời làm quan của những kẻ đội mũ, đi hia.
Thời Lý, quan lại được cấp lương bổng chỉ giới hạn theo lĩnh vực hạn hẹp, thì thời Trần đã có lệ cấp lương bổng cho quan viên thực hiện ngay từ đầu triều đại, và tiền đó được lấy từ thuế thu của dân, như Đại Việt sử ký toàn thư ghi về năm Bính Thân (1236): “Mùa xuân, tháng Giêng, định lệ cấp lương bổng cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, lăng miếu, chia tiền thuế, ban cấp theo thứ bậc”.
Trần Đình Ba