Nhiều người dân phản ánh nhà của mình được đền bù với giá rất thấp, nhưng có những ngôi nhà lụp xụp hơn lại được đền bù với giá đáng mơ ước. Vì sao lại có sự nhập nhèm này?

Nhà ở bị biến thành chòi giữ vườn để đền bù rẻ

Nguyên Việt | 22/11/2016, 12:28

Nhiều người dân phản ánh nhà của mình được đền bù với giá rất thấp, nhưng có những ngôi nhà lụp xụp hơn lại được đền bù với giá đáng mơ ước. Vì sao lại có sự nhập nhèm này?

Dự án tỉnh lộ 928 B (đường ô tô đến trung tâm xã Phương Phú, H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã thông xe hơn 1 năm qua, nhưng đến nay, vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho nhiều hộ dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vấn đề này đã khiến nhiều người dâncó đất nằm trong dự án này rất bức xúc.

“Đường làm xong đã gần 2 năm rồi mà việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho chúng tôi vẫn chưa làm xong. Đã vậy, trường hợp của nhà tôi, còn bị ép giá bồi thường nữa”, anh Lê Thanh Hòa (SN 1971, ngụ ấp Phương Bình, xã Phương Phú) bức xúc nói.

Căn nhà của anh Hòa chỉ nhận được bồi thường 5,6 triệu đồng

Theo đơn yêu cầu, anh Hòa trình bày, bảng chiết tính chi tiết giá trị bồi thường thiệt hại, hỗ trợ thiệt hại mà anh nhận được ghi tổng số tiền anh nhận được chỉ vào khoảng 5,6 triệu đồng. Bảng chiết tính ghi rõ phần tính nhà của anh Hòa là nhà giữ vườn, nhà chứa củi, mái hiên, cột gỗ tạp, tre, nền láng xi măng, mái lá.

“Nhà tui có miếng vườn nào đâu mà làm nhà giữ vườn hay nhà chứa củi mà người ta lại ghi như vậy? Tui cam đoan rằng ngôi nhà tôi đang ở đây so với lúc cán bộ xuống kiểm tra để đền bù là y như cũ. Tui chỉ dời nhà xích vô phía sau theo thông báo di dời thôi.

Nhà của tui, ngang 7 mét, dài 15 mét, lợp mái tôn từ trước tới nay, cột tràm, cửa ván, không phải mái lá. Nhà này, gia đìnhvợ con tui ở bao năm qua, không phải là nhà giữ vườn, hay chứa củi chi hết. Bất hợp lý là ngôi nhà sát bên tôi đây có khác gì nhà tôi đâu mà được hỗ trợ đến hơn 14 triệu đồng. Tại sao lại có việc lạ đời này?”, anh Hoà trình bày.

Và nhà của ông Tâm được hơn 14 triệu tiền bồi thường

PV đến ngôi nhà sát cạnh là nhà của ông Lê Kim Tâm. Hiện chủ ngôi nhà này là 1 người khác thuê lại nhà của ông Tâm. Trong bảng tính chi tiết giá trị bồi thường thiệt hại, nhà của ông Tâm được chia làm 2 căn: 1 căn phía trước và 1 căn phía sau với diện tích tương đương. Tổng số tiền hỗ trợ cho 2 căn và một số hoa màu là hơn 14 triệu đồng.

Anh Hòa thắc mắc vì sao căn nhà phía sau, không bị ảnh hưởng bởi dự án và chỉ mới dựng lên hơn 1 năm nay mà vẫn được tính giá bồi thường. Và, anh Hòa cho rằng mình bị ép giá, và không đồng ý với khái niệm nhà giữ vườn, chứa củi ghi trong bản tính chi tiết giá trị bồi thường.

“Thiệt tình mà nói, mấy triệu bạc tôi cố gắng đi làm hơn 1 tháng thì cũng kiếm được. Nhưng mình tức là vì có nhà nhận được nhiều, có nhà nhận được ít, mà nhà nào thì cũng kết cấu giống nhau thôi. Cả chục hộ ở 2 bên nhà tôi đang ở đất công, diện tích như nhau, kết cấu nhà cũng vậy, vậy mà sao lại có sự chênh lệch này?”, anh Hòa thiết tha nói.

Bảng tính chi tiết giá trị bồi thường của gia đình anh Hòa

Người dân ở ấp Phương Bình cũng phản ánh tình trạng đền bù, hỗ trợ giữa các hộ là không giống nhau, thậm chí là khác xa nhau. Cách nhà của anh Hòa vài ba căn là nhà của bà Lê Thị Bo (47 tuổi), chỉ là 1 căn nhà mái tôn, vách được chắn bởi những tấm bao tạm bợ. Tuy nhiên, theo nhiều người dân nơi đây, ngôi nhà này được hỗ trợ với giá khá “khủng” lên đến 39 triệu đồng!

Tình trạng này khiến hộ của bà Trần Thị Nghiệp (62 tuổi) ở cạnh đó khá bức xúc. Anh Ung Thành Kiệt (34 tuổi), con trai của bà Nghiệp cho biết: “Nhà mẹ tôi ngang 8 mét, mái lợp tôn nền xi măng, cột cây nhưng xây tương mà chỉ nhận được có 31 triệu hồi tháng 5 vừa qua. Lúc thấy nhà bà Bo nhỏ hơn mà nhận được đến 39 triệu, tôi và mẹ cũng thấy khó hiểu lắm, mẹ con tôi còn tính không chịu nhận để yêu cầu làm rõ.

Nhưng cán bộ nói với chúng tôi là yên tâm nhận trước, còn có gì bà con cứ yêu cầu rồi họ sẽ xuống kiểm tra rồi đền bù sau. Vậy mà tới nay có thấy tăm hơi gì đâu, mẹ con tôi đành ấm ức tới giờ mà cũng không biết làm sao” .

Cùng chung cảnh ngộ của bà Nghiệp là chị Thái Thị Hương cùng ấp Phương Bình. Chị Hương trình bày: “Nhà của tôi bán quán tạp hóa, lúc làm đường, dự án ảnh hưởng đến hơn một nửa nhà tôi. Trong bảng tính chi tiết ghi không hết phần nhà của tôi, tôi hỏi cán bộ, họ nói cứ yên tâm nhận phần này trước rồi có gì bổ sung thêm sau.

Chị Hương, một trường hợp nhận tiền đền bù trước với lời hứa sẽ bổ sung phần thêm sau

Người ta nói gì thì mình nghe vậy rồi nhận thôi chứ biết sao, tôi cũng làm đơn từ có ấp, xã chứng rồi đem gửi cho mấy anh đo đạc, họ hứa hẹnrồi tới nay, có đợt phát tiền đền bù mới, tôi vẫn không nghe cán bộ nói gì. Tôi lo quá, mình buôn bán nhỏ lẻ chỉ để kiếm ba bữa cơm, tôi chỉ mong nhận thêm được chút tiền để sửa sang lại quán xá”.

Và bà con bức xúc có lý do, khi những hộ nhận được tiền đền bù cao đều có bà con với cán bộ xã!

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó chủ tịch xã Phương Phú cho biết, ngày 16.11 vừa qua, chủ đầu tư dự án vừa có một đợt phát tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho hơn 70 hộ dân.

“Trong lần này vẫn còn khoảng hơn chục hộ có danh sách nhưng không chịu lên nhận vì họ còn thắc mắc và yêu cầu áp giá bồi thường lại. Sắp tới, vẫn sẽ còn những đợt phát tiền bồi thường khác cho bà con”, ông Trường nói.

Ngoài ra, đối với những trường hợp yêu cầu, thắc mắc như của anh Hòa và một số hộ dân khác, ông Trường hướng dẫn người dân viết đơn ghi rõ yêu cầu cụ thể của mình gửi lên UBND huyện và chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất để được giải quyết.

Tỉnh lộ 928B hay đường ô tô đến trung tâm xã Phương Phú được thi công từ năm 2014 và đến năm 2015 thì đưa vào sử dụng. Công trình này sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và Quỹ bảo trì đường bộ (đoạn từ thị trấn Búng Tàu đến xã Phương Phú).

Dù đã vận động người dân bàn giao mặt bằng từ năm 2010 để sớm thi công, và đường đã đưa vào sử dụng gần 2 năm nhưng hàng trăm hộ dân ở xã Phương Phú vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ hợp lý. Đây là vấn đề mà rất nhiều người dân nơi đây bức xúc nhưng vẫn chưa có phải hồi thích đáng từ chính quyền.

Đăng Hường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở bị biến thành chòi giữ vườn để đền bù rẻ