Đạo quân khổng lồ được điều động bao gồm quân nòng cốt từ Nam Kinh cùng với binh lính 8 tỉnh vùng phía nam nước Minh là Quý Châu, Triết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Vân Nam, tổng quân số hơn 20 vạn quân chiến đấu, khoảng 60 vạn dân phu.

Nhà Minh lộ dã tâm khi chuẩn bị 80 vạn quân xâm lược nước Việt

28/02/2017, 17:20

Đạo quân khổng lồ được điều động bao gồm quân nòng cốt từ Nam Kinh cùng với binh lính 8 tỉnh vùng phía nam nước Minh là Quý Châu, Triết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Vân Nam, tổng quân số hơn 20 vạn quân chiến đấu, khoảng 60 vạn dân phu.

Quân đội nhà Minh

Kỳ 1: Nhà Trần từ 3 lần thắng Nguyên đến cuộc chiến với Chế Bồng Nga

Kỳ 2: Dẹp được Chế Bồng Nga, vua Trần lại gửi trứng cho ác​

Kỳ 3: Hồ Quý Ly và những cải cách tham vọng vượt thời đại​

Kỳ 4: Hồ Quý Ly và mục tiêu 1 triệu quân chống lại phương Bắc

Kỳ 5: Chu Nguyên Chương và dã tâm xâm lược Đại Việt

Kỳ 6: Bạo chúa nhà Minh trái lời cha, muốn xâm lăng nước Việt​

Kỳ 7: Hồ Quý Ly sai gián điệp hạ độc quan lại nhà Minh

Kỳ 8: Bị quân Hồ Quý Ly bao vây, tướng Minh viết thư xin tha mạng

Đầu năm 1406, quân tướng nhà Hồ đã lập được chiến công đầu trước quân Minh, đánh bại được 5.000 quân tinh nhuệ của giặc, chém được vua bù nhìn. Tuy nhiên, dù chiến thắng nhưng qua trận đầu đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu của quan quân nhà Hồ. Tại trận Lãnh Kinh, quân Đại Ngu hoàn toàn áp đảo địch về quân số nhưng vẫn rơi vào thế hỗn loạn, chết liền mấy đại tướng, may nhờ có quân Thánh Dực đến tiếp viện mới đánh bại được giặc. Rõ ràng, chất lượng của quân lính Đại Ngu nhìn chung kém xa so với quân lính Minh, và các tướng lĩnh cũng có năng lực trung bình hoặc yếu kém. Điều đó do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là do hậu quả của chính sách xây dựng quân đội của Hồ Quý Ly, chú trọng về quân số, khí giới mà không chú trọng đúng mực về thao luyện binh sĩ. Mặc khác, quân đội nước Minh là đội quân liên tiếp kinh qua những cuộc chiến tranh lớn với người Mông Cổ và nội chiến, rất thiện chiến và nhiều kinh nghiệm.

Vua Hồ Hán Thương hẳn rất hiểu tình hình binh lực của mình, nhưng vì tình thế đã quá gấp rút, nên chỉ có thể thi hành những chính sách giải quyết tình thế trước mắt. Vua đoán rằng Minh triều thua trận đầu tất sẽ dốc sức kéo sang lần nữa báo thù, bèn hạ lệnh cho các quan tuyển thêm binh lính. Trước đây, triều đình nhà Hồ đã có làm sổ hộ tịch. Nay chiếu theo sổ sách ấy, nhà Hồ tuyển lính càng gắt gao, cả những kẻ trốn tránh, phiêu lưu cũng bắt sung vào quân ngũ. Những hạn này phiên chế thành “quân dũng hãn”, giao cho các Thiên hộ, Bá hộ cai quản. Dù có tên là “dũng hãn”, thực chất đó chỉ là những quân lính ô hợp, tinh thần chiến đấu kém, khi ra trận phải dùng nghiêm lệnh để răn đe mới có động lực chiến đấu.

Quân chính quy nhà Hồ thời này có khoảng 20 vạn quân, là những binh lính ít nhiều có kỹ năng, kỷ luật. Còn lại, số quân “dũng hãn” rất đông, chưa khảo được con số cụ thể. Vì quân đội Đại Ngu dẫu đông nhưng thành phần ô hợp, không đồng nhất nên có nhận định rằng quân nhà Hồ có trăm vạn người, nhưng cũng trăm vạn lòng. Ngoài việc tuyển lính, triều đình còn lệnh cho dân chúng những vùng mà giặc có thể đi qua chọn chỗ đất hoang vu để dựng nhà cửa, tích trữ sẵn lương thực ở những nơi đó phòng khi giặc tiến sang sẽ dễ bề sơ tán. Các sông ngòi được tiếp tục việc cắm cọc ngăn sông, thành trì được gia cố thêm cho vững chắc làm chỗ dựa cho quân chiến đấu.

Chính vì nhà Hồ không được lòng nhân dân, nên việc áp dụng chiến lược chống giặc bị hạn chế. Quân không đồng lòng nên dễ đào ngũ, không thể hành quân xa thành trì để đánh những trận chiến lớn. Dân không phục nên dễ lộ các bí mật quân sự, khó vận dụng chiến thuật mai phục, ép quân, phục kích… Nhìn vào các bước đi chuẩn bị của triều đình nhà Hồ có thể thấy được dụng ý lấy lượng bù chất, lấy phòng thủ làm lợi thế trong bối cảnh quân kém tinh, dân không thực sự ủng hộ triều đình.

Lại nói tin tức tên tay sai Trần Thiêm Bình bị bắt giết về đến tai Chu Đệ, vua Minh tỏ ra rất tức giận, gấp rút sửa soạn một đạo quân lớn để sang báo thù, đồng thời thôn tính nước Đại Ngu như mong muốn bấy lâu. Vua Hồ Hán Thương phái sứ đoàn sang Minh để xin hoãn binh. Sứ bộ Đại Ngu có Trần Cung Túc làm chánh sứ, Mai Tú Phu làm phó sứ, Tưởng Tư làm làm tòng sự giữa triều đình nước Minh biện bạch việc dối trá của Trần Thiêm Bình và xin được cống nạp để được hòa bình.

Nhưng bấy giờ vua Minh đâu còn cần thiết phân xử việc Trần Thiêm Bình nữa, mà chỉ lăm lăm lấy cớ khởi binh. Chu Đệ lệnh cho Thành quốc công Chu Năng lãnh chức đại tướng, Tân Thành hầu Trương Phụ làm tả phó tướng, Tây Bình hầu Mộc Thạnh làm hữu phó tướng chỉ huy quân xâm lược. Các tướng Phong Thành hầu Lý Bân, Vân Dương bá Trần Húc làm tả hữu tham tướng. Đạo quân khổng lồ được điều động bao gồm quân nòng cốt từ Nam Kinh cùng với binh lính 8 tỉnh vùng phía nam nước Minh là Quý Châu, Triết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Vân Nam, tổng quân số hơn 20 vạn quân chiến đấu, khoảng 60 vạn dân phu.

Tất nhiên một đạo quân đông đảo như thế không thế chỉ trong thời gian ngắn mà điều động được. Việc chuẩn bị đã diễn ra từ trước khi cuộc xung đột năm 1406 từ lâu, nằm trong chuỗi kế hoạch thôn tính nước Đại Ngu của vua Minh Thành Tổ Chu Đệ. Nay các đạo binh phu của nước Minh tiến hành tập kết lại. Quân Minh xâm lược lần này bao gồm cả bộ binh, kỵ binh và thủy binh. Thành phần quân Minh có nhiều binh lính thiện chiến, được trang bị các loại vũ khí tối tân như nỏ lớn, nỏ liên châu, máy bắn đá tầm xa, súng đại bác… Đặc biệt, một số lính Minh được trang bị cả súng hỏa mai, là loại vũ khí tối tân hàng đầu thời bây giờ. Việc sử dụng nhiều hỏa khí là điểm khác biệt khiến cho quân Minh rất đáng gờm.

Cùng với việc chuẩn bị về binh lực, nước Minh còn sử dụng các cách thức mua chuộc, chia rẽ quân dân nước ta. Chúng chuẩn bị các bảng văn với lời lẽ đánh vào những tội lỗi của triều đình nhà Hồ để kích động dân chúng trở giáo theo chúng, chuẩn bị sẵn cả vàng bạc để mua chuộc những kẻ tham lam, những đầu mục nước Đại Ngu theo giặc chống lại đất nước. Ngoài ra, vua Minh sai quân mang vàng bạc vượt biển vào nam kêu gọi nước Chiêm Thành đem quân phối hợp, từ phía nam đánh lên, cắt đường rút lui của quân nhà Hồ. Nước Chiêm Thành lúc này dưới sự trị vì của vua Indravarman VI (Ba Đích Lại) nhanh chóng đồng ý phối hợp xâu xé Đại Ngu, bởi vì nước này vốn trước đã rất căm hận nước Đại Ngu, chỉ mong có dịp báo thù và lấn chiếm lại những vùng đất đai mà họ đã mất về tay nước láng giềng phía bắc. Việc nước Chiêm Thành tham chiến càng khiến cuộc chiến bảo vệ đất nước của quân dân nước Đại Ngu triều Hồ thêm phần khó khăn. Bất chấp những điều đó, nhà Hồ vẫn chuẩn bị nghênh chiến với kẻ thù.

Cuối thu năm 1406, quân Minh bắt đầu hành quân tập kết. Quân đến Long Châu thì đại tướng Chu Năng bệnh chết, phó tướng là Trương Phụ lên thay thế vị trí thống soái. Đến mùa đông, quân Minh đã tập kết xong thành hai khối. Khối quân phía đông đóng tại Quảng Tây dưới sự chỉ huy của Trương Phụ, theo đường Lạng Sơn tiến sang nước ta. Khối quân phía tây đóng tại Vân Nam, do Mộc Thạnh cầm đầu theo đường Tuyên Quang tiến đánh Đại Ngu từ phía tây bắc.Cuối năm 1406, quân Minh bắt đầu tấn công toàn tuyến. Quân đội Đại Ngu dưới sự chỉ huy của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng sẵn sàng chiến đấu tại các hệ thống đồn lũy. Nhân dân trên đường giặc tiến sang theo lệnh phá bỏ lúa má dọc đường, làm kế “vườn không nhà trống”. Mặc dù trong nước, mâu thuẫn xã hội đã làm khối đoàn kết nước ta suy yếu. Tuy vậy, trước sự đe dọa từ giặc ngoại xâm, đa số nhân dân vẫn tỏ thái độ sẵn sàng sống mái với quân cướp nước. Quân dân nước Đại Ngu bước vào cuộc chiến vệ quốc đầy cam go. (còn nữa)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba

18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Minh lộ dã tâm khi chuẩn bị 80 vạn quân xâm lược nước Việt