Việc nhà máy sản xuất hạt nhựa của Công ty TNHH MTV DaNang Plastic được xây dựng ở xã Điện Trung khi chưa có các thủ tục cần thiết được Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn - Trần Úc cho rằng do ‘sự nôn nóng’ và ‘nhiệt tình thái quá’ của địa phương.

Nhà máy sản xuất hạt nhựa xây dựng không phép ở Quảng Nam: ‘Doanh nghiệp dắt mũi cơ quan nhà nước’?

Lê Đình Dũng | 12/10/2016, 15:42

Việc nhà máy sản xuất hạt nhựa của Công ty TNHH MTV DaNang Plastic được xây dựng ở xã Điện Trung khi chưa có các thủ tục cần thiết được Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn - Trần Úc cho rằng do ‘sự nôn nóng’ và ‘nhiệt tình thái quá’ của địa phương.

>>Quảng Nam: Ai chống lưng để nhà máy sản xuất hạt nhựa xây dựng trái phép?

‘Nhiệt tình thái quá’?

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Úc cho hay: “Xã Điện Trung hiện nay chưa có doanh nghiệp nào tham gia cùng địa phương để giải quyết nhu cầu lao động và phát triển xã hội. Do đó, Đảng bộ xã Điện Trung có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để tạo điểm nhấn trước khu vực ủy ban và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Vì thế, nghị quyết của xã đã kêu gọi nhà máy của DaNang Plastic.Quan điểm của UBND TX.Điện Bàn là ủng hộ. Nội dung này trước đây anh Thanh (ông Lê Trí Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) ký các văn bản thống nhất chủ trương. Tôi giờ lên Chủ tịch cũng ủng hộ quan điểm đấy”.

“Theo quy định của nhà nước phải đầu tư tập trung vào khu công nghiệp để đảm bảo môi trường nhưng vì Điện Trung khôngcó khu công nghiệp nên thống nhất vị trí đó về mặt chủ trương. Thị xã đã có văn bản trình tỉnh cho phép doanh nghiệp này triển khai và tỉnh đã có văn bản phúc đáp đồng ý chủ trương này”.

“Tuy nhiên, do sự nôn nóng của địa phương, đặc biệt UBND xã Điện Trung nên họ đã tiến hành đền bù và di dời dân rồi. Đó là đất màu, quy hoạch là đất ở. Về mặt chủ trương, thì UBND TX.Điện Bàn đã có quyết định thay đổi quy hoạch sử dụng đất từ đất ở sang đất công nghiệp. Đáng lẽ xongthì các anhphải làm đúng theo các quy trình là chọn địa điểm, đề xuất thu hồi đất, đền bù song song với bước đánh giá tác động môi trường luôn, phải lập dự án gửi huyện…”, ông Úc nói.

Dù đã được yêu cầu tạm dừng xây dựng để hoàn tất các thủ tục nhưng đơn vị vẫn tiếp tục làm- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Ông này cho rằng: “Quan điểm của UBND TX. Điện Bànlà tạo điều kiện nhưng mà không phải bỏ qua các quy trình, cho nên cách đây 2 tháng tôi đã có văn bản chỉ đạo quy tắc đô thị lập biên bản tạm dừng thi công”.

“Việc công ty đã xây dựng như thế thì tôi thấy bất cập. Sau đó Sở Xây dựng có văn bản kiểm tra thỏa thuận địa điểm và đã có báo cáo UBND, UBND tỉnh đã phê bình việc không làm các thủ tục đấy của doanh nghiệp và địa phương”.

“Trước việc này tôi đã báo cáo anh Thanh, anh Thanh trước đây nguyên là chủ tịch, người mà trước đây tâm đắc và hỗ trợ, cho đến tôi vẫn hỗ trợ. Tôi nói tình hình như thế thì anh phải chủ trì một cuộc họp thúc đẩy với Sở TN-MT và Sở Xây dựng hoàn tất các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

“Nên vừa qua mình đã hoàn thành các việc, đang trình kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Giờ cho họ tạm dừng rồi, phải làm xong thủ tục đất đai và đánh giá tác động môi trường thì mới tiếp tục cho triển khai. Hiện chưa có thủ tục nào hoàn thiện hết”, ông Úc khẳng định.

Công trình này được Sở Xây dựng Quảng Nam đánh giá là vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai, xây dựng- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Tuy nhiên, vào ngày 10.10, phóng viên đã có mặt tại địa điểm xây dựng nhà máy của công ty DaNang Plastic và phát hiện việc xây dựng vẫn được tiếp tục. Ông Úc nói: “Tôi ghi nhận vấn đề này và ngày mai sẽ cho xử lý nghiêm”.

Dù trong tay chưa có bản đánh giá tác động môi trường của nhà máy này, ông Úc vẫn tự tin: “Đảng ủy xã Điện Trung đã đi vào tham quan nhà máy của họ trong TP.HCM, thấy cái dự án này nó không gây ô nhiễm môi trường. Mấy anh em đi về rồi, nhưng tôi mới chỉ nghe nói thôi, chứ phải làm DTM gửi sở TN-MT để đánh giá, nếu không ổn thì buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”.

Trả lời về việc chính quyền xã Điện Trung có trách nhiệm như thế nào trong việc này, ông Úc cho rằng: “Nói qua mặt thì không đến mức. Nhưng do ổng nhiệt tình quá. Về góc độ của mình thì phải luôn luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng đừng để doanh nghiệp dắt mũi dân đi”. “Như vậy, ông khẳng định trách nhiệm của ai?”. “Tôi khẳng định trách nhiệm là của UBND xã, tôi đã gọi điện phê bình lãnh đạo xã này rồi”.

'Nhạy cảm'

Ông Nguyễn Đình Chấn, Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị (QTĐT) TX.Điện Bàn nói: “Việc này phải nói là hắn nhạy cảm, nên vừa rồi tôi bức xúc lên làm việc với anh Sơn phó chủ tịch xã Điện Trung, anh Sơn nói dự án này nhiều anh đem về, qua trao đổi thì chưa có biết đưa về khu công nghiệp nào. Nên theo nghị quyết đại hội đảng bộ Điện Trung thì thống nhất mong muốn đưa về địa bàn 1, 2 nhà máy. Thế thì mấy ảnh có văn bản trình xuống UBND TX, thị xã có văn bản trình vào UBND tỉnh và các sở thì các anh thống nhất chủ trương cho đưa nhà máy này về Điện Trung”.

Theo ông Chấn, việc ông Trần Úc ký tờ trình số 102 ngày 15.4.2016 gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét thống nhất chủ trương cho xây dựng dự án này ở xã Điện Trung; trong đó có đoạn ‘đề nghị cho phép đầu tư xây dựng song song với việc hoàn tất các thủ tục dự án’ là ‘ẩu chứ không phải không’.

Ông Nguyễn Đình Chấn cho rằng, bây giờ doanh nghiệp đang dắt mũi cơ quan nhà nước chạy theo để hoàn tất các thủ tục- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Với sai phạm của công ty DaNang Plastic, đã 2 lần QTĐT Điện Bàn tiến hành lập biên bản yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng việc thi công khi chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ.

Biên bản thứ nhất được lập vào ngày 23.5.2016, QTĐT đã phát hiện công ty tổ chức thi công xây dựng nhà máy mà không có giấy phép xây dựng. Đội đã lập biên bản làm việc và yêu cầu công ty hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan đến vấn đề thi công xây dựng công trình chậm nhất đến ngày 23.7.2016.

Ngày 31.8, qua kiểm tra, công ty này vẫn chưa có giấy phép xây dựng công trình và chưa hoàn tất xong các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật nên có biên bản làm việc tạm dừng thi công công trình đối với công ty. Ngày 5.9.2016, Đội QTĐT đã có báo cáo toàn bộ vụ việc lên UBND TX.Điện Bàn.

“Nói chung bây giờ là doanh nghiệp dắt mũi cơ quan nhà nước chạy theo để hoàn tất các thủ tục”, ông Chấn nhận định và cho biết dù 2 lần lập biên bản đề nghị tạm dừng thi công nhưng chưa lần nào lập biên bản xử phạt hành chính với các sai phạm liên quan đến xây dựng nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý của DaNang Plastic.

Sáng 12.10, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã cho kiểm tra lại vấn đề này.

         
Nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loạicủa Công ty TNHH MTV DaNang Plastic được xây dựng tại xã Điện trung, TX.Điện Bàn, Quảng Nam với tổng diện tích 9.000 m2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11 tỉ đồng, thời gian thực hiện đầu tư được giới thiệu là vào năm 2016.
   Ban đầu, chủ đầu tư dự án có tên Công ty KM Korea Limited Company. Sau đó, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH MTV Da Nang Plastic với vốn điều lệ 2,2 tỉ đồng do bà Trần Lâm Thủy (thường trú TP.HCM) là chủ sở hữu và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy sản xuất hạt nhựa xây dựng không phép ở Quảng Nam: ‘Doanh nghiệp dắt mũi cơ quan nhà nước’?