Miền Tây sắp trở thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam nhưng hiện chưa có đánh giá tác động môi trường tổng thể về ảnh hưởng của các nhà máy này.

Nhà máy điện than gây ô nhiễm nghiêm trọng ở miền Tây

Theo Pháp luật TP.HCM | 10/08/2016, 06:15

Miền Tây sắp trở thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam nhưng hiện chưa có đánh giá tác động môi trường tổng thể về ảnh hưởng của các nhà máy này.

Xuôi theo dòng sông Hậu, qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, chúng tôi thấy có nhiều công trình nhà máy nhiệt điện than nằm sát bờ sông đang hối hả thi công. Riêng tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã có hai nhà máy đi vào vận hành, khói đen, khói trắng đua nhau tỏa lên trời ngùn ngụt.

Mới vận hành, dân đã than

Bà Ngô Mỹ Linh, nhà gần Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, ngao ngán: “Nhìn cái ống khói to đùng, bà con ở đây mừng thì ít nhưng lo thì nhiều. Mừng vì một số con em được vào nhà máy làm công nhân, mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng, hàng quán bán đồ ăn thức uống ở đây cũng đông khách, kiếm được chút đỉnh. Nhưng thiệt hại thì khỏi phải nói, đặc biệt vào mùa nắng, bụi đen từ nhà máy tỏa ra khắp nơi, không ai chịu nổi”.

Vào những ngày cuối tháng 7.2016, có mặt gần cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh nhà máy phát ra những âm thanh đinh tai nhức óc. Trong khi đó, ống khói thì liên tục phun ra những cột khói đen ngòm, bay xa hàng cây số.

Đầu năm 2016, cánh đồng muối ở ấp Cồn Cù (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) cách cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải khoảng 3 km cũng bị nhiễm bụi đen, nghi do bụi của nhà máy điện. Chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận có tình trạng muối nhiễm bụi đen gây thiệt hại nhưng người dân vẫn chưa được hỗ trợ hay bồi thường do thủ phạm làm muối nhiễm đen… không được xác định.

Trong khi người dân ở cạnh các nhà máy điện đã nếm mùi thì người dân ở các công trình đang xây dựng như nhiệt điện Long Phú (xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng), nhiệt điện Sông Hậu I (Hậu Giang) cũng cảm thấy bất an.

“Chúng tôi chưa hết lo ngại về nhà máy giấy khổng lồ Lee & Man - nơi có nhiều lo ngại sẽ gây ô nhiễm cho sông Hậu thì nay lại thêm nhà máy nhiệt điện. Người dân ở đây bao đời nay sống dựa vào dòng sông Hậu nên nếu sông này bị ô nhiễm thì từ nguồn nước uống đến nguồn thủy sản cũng bị ảnh hưởng theo. Lúc đó không biết chúng tôi sẽ sống ra sao” - ông Lê Văn Thôn, gần Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, âu lo.

Một nhà máy trong cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải có xả khói đen ngòm. Ảnh: TRUNG THANH

Nguy cơ thành bãi rác thải điện than khủng

Cùng chúng tôi đi thực tế các nhà máy thủy điện mới đây, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái và phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho rằng các Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú đều nằm sát bên dòng sông Hậu.

“Cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải dù tiếp giáp với biển nhưng cũng gần cửa sông Hậu. Nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ được lập, xét duyệt cho từng dự án riêng lẻ chứ không thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) chung cho cả khu vực. Sông Hậu có vai trò đặc biệt không chỉ về phát triển kinh tế-xã hội mà còn về an ninh quốc phòng nên theo tôi cần phải thực hiện ĐMC thì mới thấy hết được tác động của các nhà máy nhiệt điện đến dòng sông Hậu” - ThS Thiện đề nghị.

Ngoài ra, ông Thiện cũng cho rằng ĐTM của các nhà máy nhiệt điện chưa được phản biện đầy đủ nên thông tin có độ tin cậy không cao. Ông dẫn chứng: “Trong ĐTM nói khói thải hầu như không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế chúng ta thấy khói đen ngòm và đã xảy ra tình trạng muối bị nhiễm bẩn. Thế nhưng cơ quan quản lý môi trường địa phương lại không xác định được mức độ ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện. Điều đó cho thấy trách nhiệm kiểm tra, kiểm chứng thông tin trong ĐTM có đúng với thực tế đang diễn ra không hay gần như bỏ ngỏ”.

Ông Đỗ Văn Hạ, chuyên gia về lĩnh vực năng lượng, cho rằng chi phí sản xuất ra điện từ than không rẻ như nhiều người vẫn tưởng vì nó gây ra những hệ lụy lớn làm tăng chi phí y tế, chi phí cải tạo môi trường… Theo ông, nhiệt điện than là loại năng lượng ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Các nước phát triển đã cấm phát triển và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiệt điện than. Tuy vậy, Việt Nam lại phát triển ngược chiều. Việc nhập thiết bị của nước khác để phát triển điện than, đặc biệt là Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành bãi rác thải điện than lớn nhất khu vực.

Việc phát triển điện than tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là không hợp lý vì nó phá hủy tài nguyên, gây ô nhiễm đất, nước, phát triển ngược chiều thế giới. Mặt khác, ĐBSCL có nền nông nghiệp tốt, trù phú, nắng nhiều, gió nhiều. Vậy tại sao không phát triển điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió?” - ông Hạ bày tỏ.

Ô nhiễm khủng ở Nhiệt điện Vĩnh Tân

“Chỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã làm cho người dân điêu đứng thì sắp tới, khi ba nhà máy khác (Vĩnh Tân 1, 3 và 4) hoạt động nhưng không được giám sát, xử lý nghiêm thì vùng đất Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo có nguy cơ sẽ bị phủ đầy “bão xỉ” - ông Mai Văn Tam, nguyên Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, người nhiều lần kiểm tra dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, cảnh báo.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) có bốn nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 5.600 MW. Khi bốn nhà máy nhiệt điện này cùng hoạt động thì Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng nhưng yếu tố gió mạnh quanh năm ở địa phương đã gây nhiều hệ lụy.

Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải - Trung Quốc thi công theo hình thức EPC (chìa khóa trao tay). Đầu năm 2015, nhà máy vận hành thương mại thì gây ra “bão xỉ” tấn công người dân xung quanh. Đỉnh điểm của sự xung đột do ô nhiễm là ngày 14 và 15.4.2015, hàng ngàn người dân đã đổ ra quốc lộ 1 chặn xe phản đối ô nhiễm.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, ô nhiễm ở Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân do thi công và ô nhiễm do bụi khói, xỉ than khi nhà máy nhiệt điện hoạt động. Về lâu dài số lượng xỉ than ngày càng lớn và khi các nhà máy khác đi vào hoạt động, bãi xỉ sẽ quá tải. Nếu không có cơ sở sản xuất nào tiêu thụ xỉ thì việc khắc phục ô nhiễm sẽ rất khó khăn.

Ông Mai Văn Tam cho biết thêm Tuy Phong là vùng đất có gió rất lớn nhưng bãi xỉ khổng lồ đặt trên cao, lộ thiên. Bãi xỉ rộng hơn 64 ha,xung quanh không có hệ thống cây xanh nên chỉ cần một cơn gió bình thường cũng đủ cuốn tro xỉ đổ ập xuống các khu dân cư. Mặc dù nhà máy cho tưới nước, lu lèn, trải bạt toàn bộ bãi xỉ nhưng với đặc điểm gió mạnh như ở Tuy Phong thì khó có thể nói trước được điều gì.

Phương Nam

10 nhà máy nhiệt điện là con số được làm tròn ở khu vực ĐBSCL vào năm 2030. Theo quy hoạch phát triển điện lực, với số lượng trên, ĐBSCL sẽ thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước với tổng công suất là 18.270 MW. Ước tính lượng than dùng cho các nhà máy lên đến hàng chục triệu tấn/năm.

Theo một số chuyên gia về năng lượng, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao.

Theo Trung Thanh/Pháp luật TP.HCM
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy điện than gây ô nhiễm nghiêm trọng ở miền Tây